CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:04

Người hùng sống sót trở về từ nhà tù Phú Quốc

 

Lính đặc công coi cái chế nhẹ tựa mây bay 

Sinh năm 1947, cũng như bao thanh niên trai tráng trong làng, tuổi mười tám đôi mươi cựu binh Nguyễn Viết Vĩnh xung phong lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Năm 1965, Vĩnh có mặt tại Bộ tư lệnh Hải quân ở Ba Chẽ (Quảng Ninh), rồi sau đó được chuyển ra cảng Cái Bầu, Cát Bà và cuối cùng được điều động đến làm nhiệm vụ bảo vệ kho vũ khí phóng lôi của Hải quân Việt Nam tại cảng Vạn Hoa. Tại đây ông cùng đồng đội đã chiến đấu trên dưới 150 trận đánh, bảo vệ an toàn kho vũ khí quan trọng nhất để phục vụ cho quân đội ta.

Cựu binh Nguyễn Viết Vĩnh bên những huân huy chương được Đảng và nhà nước trao tặng cho.


Năm 1967, Nguyễn Viết Vĩnh được điều từ cảng Vạn Hoa về Quảng Yên (Quảng Ninh), tại đây anh được điều vào đơn vị đặc công Hải quân 126A. Kể về chiến công ấy, đã khơi mào thắng lợi cho những trận đánh thắng tiếp theo, sau sự kiện như bắn rơi máy bay, bắt sống phi công…Bác Hồ đến thăm Quân khu Đông Bắc nơi ông Vĩnh đóng quân và ông được Bác truy tặng huy hiệu chiến công cao quý bắt sống giặc Mỹ.

Giờ chiến tranh đã lùi xa nhưng những lời căn dặn của Bác ông Vĩnh vẫn còn khắc cốt ghi tâm: “Đây là chiến công của chú ở miền Bắc, chiến công chính của chú lại là ở miền Nam. Đó là chiến công thầm lặng trong việc thống nhất đất nước. Bác chúc chú mạnh khoẻ và lập được nhiều chiến công hơn nữa”.

Sau sự kiện ấy, Nguyễn Viết Vĩnh được chuyển sang học chiến thuật để rồi sau đó mang trên mình trọng trách cao cả của người lính đặc công Hải quân. Ông được học các chiến thuật của lính đặc công đánh thủy như bơi, lặn theo kiểu “thả cá chép”, “đi ống” để dấu người khỏi mặt nước, lặn để mang mìn, bộc phá gắn vào tàu chở vũ khí của Mỹ.

Hoàn thành khóa huấn luyện, cuối năm 1967, Vĩnh được điều vào chiến trường miền Trung. Hành trang mà người lính trẻ mang theo là ý chí căm thù đế quốc, lời động viên của Bác như tiếp thêm cho anh thực hiện nhiệm vụ cao cả để đổi lấy độc lập tự do cho đất nước. Nơi đầu tiên ông đến là Cửa Việt (Quảng Trị). Những ngày này Quảng Trị là chảo lửa ác liệt, sông Cửa Việt là con đường được địch sử dụng để có thể tiếp tế lương thực và đạn dược bởi đường hàng không bị quân ta đánh trả ác liệt.

Nhiệm vụ của Vĩnh cùng đồng đội chặn đánh tàu địch rồi cướp vũ khí, bom đạn chuyển ra chiến trường cho quân và dân ta. Cũng như những trận đánh trước, khi đã xác định được mục tiêu Vĩnh và đồng đội tiến hành lặn xuống để gắn mìn vào tàu, nhưng lần này địch phát hiện và bắn đạn rốc két dữ dội. Nhiều đồng đội đã hy sinh, riêng Vĩnh may mắn thoát chết nhưng lại bị địch bắt (tháng 5 năm 1968).

 Nỗi ám ảnh cho những tên cai ngục 

Tại nhà lao Non Nước, nơi đây chính là nơi giam giữ những người hoạt động cách mạng bị địch bắt và tra tấn dã man tàn bạo. Ở đó có những tên cai ngục ra tay tàn độc với bất cứ người tù cách mạng nào vào đây, ông Vĩnh cũng không loại trừ.

Ông Vĩnh tâm sự: “Biết mình bị bắt vào đây thể nào cũng không thoát khỏi cái chết, nghĩ vậy nên trong đầu tôi lóe lên ý định táo bạo liều lĩnh là nhất định phải trừ khử tên giám thị khét tiếng này. Tôi đã bàn với 5 đồng chí khác nghĩ cách và lên kế hoạch tiêu diệt hắn”.

Những đòn tra tấn dã man tại nhà tù Côn Đảo đã khiến hàm răng dưới của Vĩnh không còn chiếc nào.


Kế hoạch được thực hiện khi tên giám thị trại đi điểm danh, Vĩnh cùng 5 đồng chí tụ tập, trốn tại góc trại giam giả vờ chơi cờ tướng. Thấy vậy tên giám thị kia tức tốc dùng dùi cui và roi bằng đuôi cá đuối vụt tới tấp cho bõ cơn giận. Vĩnh đã cùng các đồng chí quây lại đánh chết tên giám thị.

Sau khi tên cai ngục chết anh cùng đồng đội bàn cách dùng cà mèn (tên gọi một dụng cụ đựng thức ăn cho tù nhân hồi đó) đào ngay dưới nền phòng giam của 6 anh em để chôn xác tên giám thị xuống đó. Nhưng kế hoạch bị bại lộ trước sự mất tích bí ẩn của tên giám thị. Vị chỉ huy quân đội Mỹ đã nghi ngờ và cho quân lính săn tìm và phát hiện khi xác tên giám thị phân hủy và bốc mùi hôi thối. Chúng bắt cả 6 ngưới đánh đập tra tấn dã man để khai ra ai là người đã giết tên giám thị. Nguyễn Viết Vĩnh dũng cảm đứng ra nhận tội.

Sợ đây là mối nguy hiểm và gây bất lợi về lâu dài nên Mỹ ngụy đã bắt ông Vĩnh cùng 5 đồng đội đó đày ra đảo Phú Quốc. Trong thời gian bị giam cầm ở Phú Quốc, chúng tiếp tục dùng mọi cực hình nhưng cũng không làm lung lay ý chí các chiến sỹ cách mạng.

Đến nhà tù Phú Quốc, chuồng cọp và đòn roi tra tấn là những đòn thủ đầu nhằm làm lung lay ý chí của những người yêu cách mạng, yêu tự do hòa bình. Giữa trời nắng đổ lửa Vĩnh và đồng đội của mình bị nhốt vào chuồng cọp ở ngoài trời, xung quanh giăng đầy dây thép gai, phía dưới là nền cát. Các tù nhân phải co cụm và thu mình lại, nghiêng người mới vừa đủ. Mỗi khi trở mình thì phái khéo léo bới từng vũng cát sâu để “dựa’ một bên vai xuống đó cho đỡ mỏi, nếu không cẩn thận dây thép gai sẽ đâm vào da thịt. Rồi cả hình thức tra tấn dã man cũng được áp dụng như bỏ vào thùng phuy cho quân lính dùng búa đánh mạnh vào xung quanh để cho đầu óc, mạch máu những người lính cách mạng như muốn vỡ ra.

Như để cho hả giận, chúng đã nghĩ ra cách dùng dây điện bằng đồng buộc vào tai, rồi cài vào chân răng, khi không cài được chúng sẵn sàng dùng kìm bẻ đi một vài chiếc và quay điện. Người tù nhân ấy sống đi chết lại hàng chục lần, càng đau đớn hơn khi hàm răng dưới của Vĩnh đã bị rụng hết, mỗi khi trái gió trở trời thì đôi tai ông lại ù lên nghe như có tiếng máy bay đang gầm rú. Biết không thể lay chuyến được ý chí gang thép của người cộng sản, năm 1973 giặc Mỹ đành phải trả tự do cho anh và đồng đội bị giam cầm ngay bên bờ sông Thạch Hãn.

Hơn thập niên năm làm “liệt sỹ”

Trong thời gian bị bắt giam ở nhà tù Non Nước và chuyển ra đảo Phú Quốc thì những thông tin về Nguyễn Viết Vĩnh bặt vô âm tín. Đồng đội cứ nghĩ là anh đã hi sinh nên giấy báo tử được gửi về quê nhà. Lúc này ở quê nhà chỉ còn người cha già và người em trai là Nguyễn Thanh Viễn. Nén đau thương trong lòng và không nguôi ngoai ý chí phải trả thù cho anh trai, Viễn tình nguyện xung phong lên đường nhập ngũ chiến đấu ở biên giới phía Bắc và hi sinh trong chiến dịch Biên giới tại cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng (Lào).

Cuối năm 1973, Vĩnh được Mỹ ngụy trả tự do và được đồng đội đưa về an dưỡng tại Nam Hà (Hà Nam). Trở về với thương tật mất 65 % sức khỏe, thông tin về người thân với Vĩnh cũng không có. Nghĩ vậy nên ông quyết định ở hẳn lại trại, thế rồi ông vẫn muốn về nơi đã sinh ra ông.

Trong dòng hồi tưởng của mình, bà Chiêm người vợ của ông Vĩnh tâm sự: “Ngày ông ấy trở về gầy và đen lắm, đôi mắt lúc nào cũng nặng trĩu u buồn vì nghĩ mình chưa làm tròn chữ hiếu với gia đình, lại thương em trai hi sinh khi tuổi đời còn trẻ. Tôi cảm phục những hi sinh mất mát của ông ấy đã dành cho Tổ quốc và quê hương đất nước nên quyết định về làm vợ ông để gánh bớt mất mát đau thương”.

Hai vợ chồng cựu binh đã có với nhau 3 mặt con, giờ đây người lính già năm xưa trông hom hem và ngày càng yếu sức, khắp mình lại đau nhức ê ẩm và tê buốt mà đó là hậu quả từ những lần tra tấn của địch cách đây mấy chục năm. Bà Chiêm bảo, cho đến hiện tại bây giờ ông Vĩnh vẫn chưa được hưởng một chế độ nào ngoài số tiền mất 65 % sức khỏe, số tiền ấy không đủ tiền thuốc thang mỗi khi trái gió trở trời.

THANH NGỌC-NGUYÊN NGỌC

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh