THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:58

Cựu chiến binh mê làm từ thiện

 

Ông Dũng cũng được Bộ LĐ-TB&XH tặng bằng khen người có công tiêu biểu và có nhiều cống hiến. Nhưng với ông niềm đau đáu vẫn là làm “ông đỡ” cho người khuyết tật.

Vượt khó vươn lên 

Ngoài 20 tuổi đang là một sinh viên của một trường đại học ở TP.Hồ Chí Minh nhưng quá ngưỡng vọng và khát khao được ra quần đảo Trường Sa để chiến đấu và bảo vệ vùng đảo thiêng liêng này nên Nguyễn Văn Dũng đã nhen nhóm ý định. Tháng 2/1987, anh Dũng lên đường nhập ngũ. Trong nhiều trận chiến với các tàu lạ để bảo vệ đảo, Dũng đã bị đứt lìa một chân, giám định mất sức lao động đến hơn 60%.

Sau khi được tổ chức cho phục viên trở về, khát vọng trong anh vẫn còn ngùn ngụt nhưng cũng đành lực bất tòng tâm. Dũng tâm sự rằng: “Có những trận đánh, những vết thương sơ sài ngoài da khiến máu chảy bê bết nhưng vẫn không có chiến sỹ nào nản lòng. Lúc đó, chỉ có nhiệm vụ bảo vệ biển đảo là đặt lên trên tất cả. Kể cả những ngày Lễ, Tết do chưa vướng bận gia đình nên tôi vẫn tình nguyện ở lại để canh đảo thay cho một số chiến sỹ khác. Lúc đó trong tôi trào dâng một tình yêu Trường Sa như yêu chính bản thân và sự sống của mình vậy”. Không còn được ra bảo vệ đảo nữa, nhưng trong lòng anh Dũng vẫn đầy tình yêu biển đảo.

Ngày anh Dũng phục viên, nền kinh tế đất nước đang thời kỳ mở cửa với muôn vàn khó khăn và bộn bề, anh bảo: “Tôi chẳng có gì ngoài hai bàn tay trắng. Phụ cấp không đủ trang trải hết cuộc sống riêng của bản thân nhưng phải tìm việc làm đối với tôi thật gian nan và cứ trở trời những vết thương tái phát hành hạ làm tôi đau đớn rồi việc đi lại bằng chân giả như một cực hình".

                                                           Anh Dũng trong lễ tuyên dương người có công tiêu biểu 

Sau khi đã nghiên cứu kỹ lưỡng địa hình, và khung cảnh, năm 1993, Dũng nghĩ ra sáng kiến thiết kế cầu phao, làm bè giữ hàng hải sản, xây dựng mô hình miền biển điền dã sau đó kêu gọi những người dân nghèo cùng làm theo. Với kiểu làm này, nhiều người bước đầu ái ngại nhưng thực tế đã mang lại nhiều kết quả ngoài mong đợi nên ai cũng hồ hởi làm theo.

Năm 2004, với những kinh nghiệm và những mô hình đã học hỏi được và sáng tạo nên, Nguyễn Văn Dũng mạnh dạn thành lập doanh nghiệp tư nhân Văn Dũng. Doanh nghiệp của Dũng chuyên dịch vụ giải trí trên biển và câu cá bằng ca nô. Để phục vụ tốt cho nhu cầu của khách, cơ sở của anh Dũng luôn có gần 50 lao động làm việc. Đặc biệt hầu hết các lao động này đều là người khuyết tật hoặc con em của các đồng đội cũ là thương binh.

Lá rách ít đùm lá rách nhiều

 Tất cả số tiền lời có được từ những giai đoạn mới đi vào hoạt động, Nguyễn Văn Dũng đều chia hết cho các nhân viên của mình, bởi với anh những nhân viên đó cũng như người ruột thịt của mình. Họ cũng có thiệt thòi về thân thể cũng như nhiều mặt khác nên anh luôn cận kề động viên và chia sẻ kịp thời. Nhiều con đồng đội bị co quắp chân tay, khi nhận vào không thể làm việc, Dũng lại tận tâm đào tạo và huấn luyện cho đến khi tự tin và làm được việc mới thôi. Anh Dũng bộc bạch: “Mình cũng là phận lá rách thôi. Ngày nào cũng thề sẽ quyết tâm vươn lên nên có điều kiện hơn người khác. Như vậy mới có thể đùm bọc và giúp đỡ được họ”.

Không chỉ nặng lòng với người khuyết tật mà cảnh nghèo khó của nhiều hộ dân cũng khiến anh Dũng có nhiều ray rứt. Thế nên mỗi năm trung bình anh Dũng tặng khoảng 3 tấn gạo cho các hộ đói nghèo và bị ảnh hưởng thiên tai.

Đông Hưng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh