Người con Bắc Ninh - đam mê giữ hồn dân tộc
- Văn hóa - Giải trí
- 22:36 - 15/03/2016
Vốn là người con Bắc Ninh đã sớm mang trong mình những báu vật âm nhạc truyền thống, nên được sống và cống hiến hết mình vì nghệ thuật, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc là niềm đam mê và tự hào của Quốc Khánh.
Chèo – Loại hình nghệ thuật giàu tính dân tộc
Chèo là loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian Việt Nam. Chèo phát triển mạnh ở phía Bắc Việt Nam với trọng tâm là vùng châu thổ sông Hồng cùng hai khu vực lan tỏa là trung du miền núi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Loại hình sân khấu này phát triển cao, giàu tính dân tộc. Chèo mang tính quần chúng và được coi là một loại hình sân khấu của hội hè với đặc điểm sử dụng ngôn ngữ đa thanh, đa nghĩa với cách nói ví von giàu tính tự sự, trữ tình.
Tuy nhiên ngày nay cuộc sống bận rộn, giới trẻ không chú ý nhiều đến các giá trị văn hóa truyền thống. Âm nhạc cổ truyền đang dần bị mai một và bị che lấp đi bởi những dòng nhạc sôi động khác. Nghệ thuật dân tộc đang dần dần đứng trên bờ vực mất dần chỗ đứng và lạc lõng giữa cơ chế thị trường.
Nhưng không phải vì vậy mà Chèo hay bất cứ thể loại nhạc truyền thống nào bị “bỏ quên” hay như mọi người thường nói những người làm nghề gìn giữ di sản toàn “áo gấm đi đêm” với nhau vì thưa thớt khách xem, bởi vẫn còn những người nặng lòng với nghệ thuật dân gian như nghệ sĩ Quốc Khánh nói riêng và các nghệ sĩ nói chung đều nhất mực theo và bảo vệ di sản văn hóa có từ hàng trăm năm về trước.
Lửa đam mê thắp hy vọng
Được biết Quốc Khánh trước đó từng tốt nghiệp thanh nhạc tại Trường Văn hóa nghệ thuật Bắc Ninh, sau đó anh theo học tiếp tại Khoa Kịch hát dân tộc tại Trường Sân khấu điện ảnh Hà Nội. Âm nhạc dân gian đối với Khánh không còn gì xa lạ, bởi từ bé anh đã được tiếp xúc và ngấm vào máu từ những làn điệu quan họ Bà hát, Mẹ ru. Tinh hoa dân tộc Việt nằm ở những giá trị truyền thống mà Quốc Khánh cùng các đồng nghiệp đang ngày đêm cố gắng giữ gìn và phát huy. Trên con đường hoạt động nghệ thuật, nhất là các loại hình âm nhạc dân tộc như thế này gặp rất nhiều khó khăn, mà cái khó nhất ở chỗ đó là môn nghệ thuật truyền thống bấy lâu nay đã thưa vắng người xem.
Quốc Khánh từng tâm sự: “Tôi cùng các đồng nghiệp khác với tầm tuổi này đáng ra phải nghe và hát những ca khúc sôi động, nhưng âm nhạc dân gian đã truyền vào máu từ bé. Tôi nghĩ là một người con của đất quan họ thì mình càng cần phải có trách nhiệm bảo tồn và phát huy những giá trị nghệ thuật dân tộc, để sau này con cháu mình còn biết đến cội nguồn văn hóa quê hương”.
Huy chương vàng trong liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc.
Là thế hệ trẻ, Nghệ sĩ Quốc Khánh đã ý thức được việc phải giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc. Anh đã gặt hái được không ít thành công trên con đường bảo tồn di sản văn hóa này với những vai diễn: quan khâm sai trong vở Nữ tú tài; Lý trưởng trong vở Quan âm thị kính và một số vở khác như: Điều đọng lại trong chiến tranh, Chu Văn An người thầy muôn đời, Nhiếp chính Ỷ Lan… và đặc biệt anh thành công và là dấu ấn đặc biệt khi nhận được Huy chương vàng với vai diễn Sáu Thành trong vở “Người chiến sĩ năm xưa” (Đạo diễn NSND Lê Hùng).
Dù nhịp sống hiện đại có tác động không nhỏ đến các loại hình nghệ thuật truyền thống, trong đó có Chèo, nhưng với bầu nhiệt huyết và niềm đam mê của Nghệ sĩ Quốc Khánh cùng các đồng nghiệp thì chúng ta có thể hoàn toàn yên tâm về hồn và sắc của nghệ thuật dân tộc không thể mất đi với những con người hy sinh thầm lặng để giữ gìn bản sắc.