Chơi vơi đào tạo tác giả sân khấu
- Văn hóa - Giải trí
- 19:52 - 27/02/2016
Không chỉ riêng Nhà hát kịch Hà Nội, nhiều đơn vị sân khấu trên cả nước khi cần dựng vở mới đều phải nhờ cậy những cây bút có nghề, coi như một sự đảm bảo. Đặt hàng những tác giả đã có kinh nghiệm, thì kịch bản nhận được có thể không quá tệ, song đa phần đều thiếu sức trẻ, thiếu tiếng nói của ngày hôm nay do tuổi đời người cầm bút đã cao, tư duy đôi khi không theo kịp thời đại. Sân khấu hiện nay đang khát sức trẻ, mà cái khơi nguồn, cái “bột để gột nên hồ” chính là tác giả trẻ thì tuyệt nhiên vắng bóng. Nhiều người tự hỏi, vậy biên kịch trẻ đi đâu, trong khi rõ ràng có cơ sở chuyên đào tạo nguồn nhân lực này là Đại học Sân khấu Điện ảnh?
Hiện khoa sân khấu của trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội chỉ có một lớp biên kịch. Không như các chuyên ngành khác, năm nào cũng tuyển sinh, phải khó khăn lắm Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh mới mở được một lớp biên kịch như thế này. Lớp khai giảng với 10 sinh viên nhưng sau 4 năm học chỉ còn 8.
Theo tiến sĩ Phan Trọng Thành, quyền trưởng khoa sân khấu, việc tuyển sinh một lớp biên kịch đòi hỏi rất nhiều tiêu chí như khả năng viết lách, vốn sống dồi dào, sự nhạy cảm với cuộc sống và niềm đam mê cháy bỏng với nghiệp này. Nhưng thực tế hiện nay sinh viên khi đỗ vào trường, tuổi đời còn rất trẻ nên vốn sống chưa nhiều, hiểu biết về cuộc sống cũng hạn chế, độ nhạy cảm kém và khả năng viết lách không có gì đặc biệt. Trong khi, giai đoạn trước kia, nhiều người vào học biên kịch sân khấu sau khi đã tốt nghiệp khoa văn Đại học Tổng hợp, kỹ năng viết tốt, vốn sống cũng dày dặn.
Chất lượng đầu vào thấp là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng đào tạo không thể cao dù thầy có giỏi mấy đi chăng nữa, nhất lại là ngành nghề yêu cầu năng khiếu, say mê- những yếu tố không bị quy định bởi trường học. Chính các giáo viên cũng thừa nhận, nhiều sinh viên theo học biên kịch chỉ với mục đích lấy cái bằng trình độ đại học sau khi không thi đỗ vào các trường “hot”, chứ không phải vì thực sự muốn trở thành nhà viết kịch.
Tiến sĩ Phan Trọng Thành tâm sự: “Chúng tôi cần những người thực sự tâm huyết, yêu nghề tha thiết mà phẩm chất này hiện nay không thấy ở các sinh viên lớp biên kịch. Hầu hết sinh viên chưa đủ độ đam mê. Nếu có đam mê thì dù không được đào tạo, họ vẫn có thể đạt được những thành công nhất định, ví như Lưu Quang Vũ trở thành nhà viết kịch khi đang làm báo”.
Bên cạnh đó, giáo trình đào tạo biên kịch của chúng ta, theo nhận định của các nhà chuyên môn thì chưa hiện đại và còn rất nhiều vấn đề phải bàn cãi. Phương pháp đào tạo biên kịch hiện nay chủ yếu là truyền nghề và đúc rút kinh nghiệm qua một số tác phẩm tiêu biểu, qua lịch sử phát triển sân khấu nhân loại, lịch sử phát triển sân khấu truyền thống của cha ông.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái bày tỏ quan điểm: “Hiện tác giả kịch bản sân khấu chưa được đào tạo theo phương pháp hiện đại. Nhà viết kịch phải đối thoại, phản biện được với cuộc sống”.
Cũng theo tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái, kịch bản là yếu tố đầu tiên, quan trọng nhất của sân khấu, và một nền sân khấu chuyên nghiệp thì không thể thiếu vắng một đội ngũ tác giả chuyên nghiệp. Thực tế, không ít các sinh viên sau bốn năm học tại khoa biên kịch sân khấu vẫn chẳng khác gì lúc mới nhập trường. Tức lúc vào chưa biết viết kịch bản thì lúc ra cũng chưa viết được kịch bản.
“Đầu vào” thấp, “đầu ra” cũng không cao, nên các cử nhân biên kịch sân khấu khó vẫy vùng trong môi trường sân khấu vốn đang khó khăn như hiện nay. Chính vì thế, bao nhiêu năm nay, không thấy bóng dáng một tác giả trẻ nào xuất hiện. Không có cơ hội làm đúng nghề mình học, càng làm cho những người trẻ không muốn lựa chọn theo học biên kịch sân khấu. Bởi thế, chương trình tuyển sinh lớp này của trường Sân khấu Điện ảnh không thể lên kế hoạch theo định kỳ mà việc thi tuyển tùy thuộc vào tình hình từng năm. Có những năm không tuyển được sinh viên nào vì không có người thi.
Nhà trường luôn có dự định mở thêm một lớp biên kịch mỗi khi có lớp vừa tốt nghiệp nhưng không biết học sinh có mặn mà với nghề này mà đến thi hay không? Chỉ sợ rồi ngành biên kịch sân khấu cũng sẽ chung số phận với ngành lý luận phê bình sân khấu, đến cả thập kỷ rồi vẫn không mở được lớp do không đủ sinh viên. Nếu có thì trường vẫn tuyển sinh, thầy giáo vẫn dạy và sinh viên sau khi ra trường nếu không trở thành tác giả sân khấu thì…bó tay. Điều này góp phần lý giải vì sao bức tranh sân khấu ngày càng u ám.