CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:23

Bất chấp đại dịch Covid -19, phát triển đối tượng tham gia BHXH khả quan

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tại Hội trường Diên Hồng chiều 27/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tại Hội trường Diên Hồng chiều 27/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020.

Chiều 27/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020.

BHXH là trụ cột lớn về an sinh

Thảo luận về nội dung quan trọng này, các đại biểu Quốc hội cho rằng, Chính phủ thời gian qua đã thể chế hóa kịp thời chủ trương điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, kịp thời ban hành chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, đối tượng tham gia BHXH, bảo hiểm tự nguyện tăng…

Có thể nói, BHXH là một trụ cột lớn về an sinh, bảo đảm đời sống lâu dài khi người lao động về già. Đối tượng càng được mở rộng thì việc đạt được các mục tiêu an sinh càng cao.

Từ điểm cầu Hà Nam, đại biểu Trần Thị Hiền (đoàn Hà Nam) đánh giá cao việc Quốc hội đưa vào Chương trình kỳ họp thảo luận Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH và quản lý sử dụng Quỹ BHXH năm 2020. Theo đại biểu, “đây là dịp rất tốt để người dân, xã hội hiểu rõ hơn về vai trò của BHXH - một trong những trụ cột quan trọng của an sinh”.

Nữ đại biểu đoàn Hà Nam cũng cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp và người lao động phấn khởi, đánh giá cao việc Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ trong thời gian qua đã tháo gỡ khó khăn, đưa ra nhiều quyết sách kịp thời.

Đại biểu Trần Thị HIền đánh giá cao việc Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ trong thời gian qua đã tháo gỡ khó khăn, đưa ra nhiều quyết sách kịp thời.

Đại biểu Trần Thị HIền đánh giá cao việc Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ trong thời gian qua đã tháo gỡ khó khăn, đưa ra nhiều quyết sách kịp thời.

“Đây là những quyết sách chưa từng có tiền lệ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, trong đó có những chính sách liên quan trực tiếp đến BHXH như giảm mức đóng, giãn thời gian đóng một số chế độ bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghiệp, bảo hiểm thất nghiệp..., hỗ trợ tiền mặt cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp năm 2020...”, đại biểu Trần Thị Hiền nói.

Thứ nữa, quá trình thực hiện chế độ, chính sách và vận hành, quản lý Quỹ BHXH, theo bà Hiền tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, từ khâu tổ chức thực hiện chính sách, các chế độ, phát triển và quản lý đối tượng, quản lý và sử dụng Quỹ bảo đảm an toàn, cân đối thu - chi và nhất là tính độc lập của Quỹ, cho đến việc đầu tư, phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, đến nay 27/27 thủ tục hành chính đã ở mức độ 4 về cung cấp dịch vụ công...

BHXH tự nguyện hiện dư địa vẫn còn rất lớn

Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Hải Anh (đoàn Đồng Tháp) nhìn nhận, năm 2020, dù gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, nhưng công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH được thực hiện một cách khả quan và đã đạt 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH.

Trong phát triển BHXH, ông đặc biệt ghi nhận sự tăng trưởng người tham gia BHXH tự nguyện, với gần 400.000 người tham gia mới trong năm qua, nâng tổng số người tham gia BHXH tự nguyện đạt gần 1,2 triệu người.

Nhờ đó đã “hoàn thành kế hoạch đến năm 2025 về phát triển BHXH tự nguyện. Nếu như so với 4 năm trước, thì số người tham gia BHXH tự nguyện đã tăng gấp 5 lần”, ông Hải nhấn mạnh.

Tuy nhiên theo đại biểu đoàn Đồng Tháp, BHXH tự nguyện hiện dư địa vẫn còn rất lớn, vì vậy trong dự thảo sửa đổi Luật BHXH, ông Hải kiến nghị, cần có sự xem xét sửa đổi linh hoạt, đa dạng để tăng cao hơn nữa sức hấp dẫn của BHXH tự nguyện, thu hút nhiều hơn sự tham gia của người dân.

Đại biểu Nguyễn Hải Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Đại biểu Nguyễn Hải Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Ngoài ra, đại biểu đoàn Đồng Tháp cũng nêu thêm thực tế, hiện nay, do ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, số người hưởng BHXH một lần gia tăng. Điều này tạo thách thức trong bảo đảm an sinh xã hội, gây áp lực phá vỡ hệ thống BHXH, người lao động sẽ mất đi toàn bộ quãng thời gian đã đóng BHXH đặc biệt là các chế độ dài hạn như hưu trí, tử tuất…

“Vì thế tới đây, khi sửa Luật BHXH, ông Hải cũng kiến nghị quan tâm tính toán sửa đổi thấu đáo để hạn chế vấn đề này”, ông Nguyễn Hải Anh nói.

Bày tỏ sự đồng tình với những nội dung trong báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Xã hội về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (đoàn Hải Dương) cho rằng, đây là sự quan tâm rất lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đến chính sách an sinh xã hội.

Theo đó, BHXH có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là trụ cột an sinh xã hội của nước ta, là lưới an sinh cơ bản trong đảm bảo quyền công dân, đặc biệt trong đại dịch covid -19 xảy ra càng thấy rõ vai trò giảm thiểu rủi ro thông qua BHXH, BH thất nghiệp.

Viện dẫn Báo cáo, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn nêu, số người tham gia BHXH là 16 triệu, 176 nghìn người, chiếm khoảng 33,5% so với lực lượng lao động trong độ tuổi, hoàn thành chỉ tiêu được Chính phủ giao năm 2020 (tăng gần 400 nghìn người (2,54%) so với năm 2019.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Đặc biệt là số người tham gia BHXH tự nguyện có sự tăng trưởng vượt bậc đạt 1 triệu, 128 nghìn người, tăng gấp hơn 02 lần so với năm 2019, (vượt 1,31% so với chỉ tiêu 1% được giao tại Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương).

“Kết quả này thể hiện sự nỗ lực, cố gắng rất lớn trong bối cảnh dịch bệnh covid -19 tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế xã hội năm 2020, ảnh hưởng đến công tác phát triển người tham gia BHXH”, đại biểu đoàn Hải Dương nói.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, mặc dù số người tham gia BHXH tăng, nhưng số người tham gia BHXH bắt buộc giảm, (năm 2020 chỉ đạt 93,8% chỉ tiêu kế hoạch đề ra; chiếm tỷ lệ khoảng hơn 31% lực lượng lao động trong độ tuổi).

Theo đó, ông Sơn chia sẻ, điều này cho thấy, sẽ có nhiều khó khăn trong thực hiện chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc năm 2021 mà Nghị quyết số 28 của Ban chấp hành trung ương đề ra, nhất là ảnh hưởng bởi sự tác động của dịch bệnh covid 19.

BHXH một lần sẽ tăng cao vào các năm tiếp theo

Một vấn đề đáng quan tâm nữa, theo đại biểu đoàn Hải Dương, đó là số người hưởng BHXH một lần tăng cao, ảnh hưởng rất lớn đến tính bền vững phát triển BHXH.

Việc hưởng BHXH một lần là nhu cầu thực tế của người lao động, khi đời sống, thu nhập khó khăn ảnh hưởng của dịch bệnh như hiện nay, dự báo có thể số người hưởng chế độ BHXH một lần sẽ tăng cao vào các năm tiếp theo.

Số liệu thống kê cho thấy, những người hưởng chế độ BHXH một lần tập trung ở độ tuổi từ trên 20 tuổi đến đủ 40 tuổi chiếm 80,9% tổng số người hưởng BHXH một lần giai đoạn 2016-2020; trong đó tập trung đông nhất ở nhóm tuổi từ trên 20 đến đủ 30 tuổi (chiếm 42,7%), nhóm tuổi từ trên 30 đến đủ 40 tuổi đứng thứ hai chiếm 38,2%; thấp nhất là nhóm từ đủ 20 tuổi trở xuống (chiếm 0,25%).

Qua phân tích số người hưởng BHXH một lần, đa số là người lao động trẻ, nhu cầu về chi tiêu tài chính lớn mà không tính đến việc cần tích lũy thời gian đóng BHXH để đủ 20 năm và đủ tuổi nghỉ hưu (thời gian đó quá dài khó tích lũy đủ thời gian đóng để hưởng lương hưu), nên khi nghỉ việc họ sẽ nghĩ ngay đến việc hưởng BHXH một lần để giải quyết nhu cầu về tài chính trước mắt.

Tuy nhiên, theo ông Sơn, BHXH là chính sách trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, BHXH như “của để dành”, được Nhà nước bảo hộ nhằm bảo đảm quyền lợi tốt hơn cho họ khi hết tuổi lao động.

Việc người lao động lựa chọn hưởng chế độ BHXH một lần không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu, nỗ lực và quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước nhằm thực hiện quyền được đảm bảo an sinh xã hội của người dân như Hiến pháp đã quy định.

Bên cạnh đó, việc nhận BHXH một lần được coi là “lợi trước mắt, hại lâu dài”, bởi khi  lựa chọn hưởng BHXH một lần, các quyền lợi của người lao động sẽ bị hạn chế hơn rất nhiều so với hưởng lương hưu.

Vì thế, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh, trước hết khi chưa sửa Luật BHXH, tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân hiểu về lợi ích thiết thực của BHXH và có ý thức chuẩn bị cho tuổi già một cách chủ động từ khi còn trẻ và từ đó tham gia BHXH. “Đồng thời giao chỉ tiêu cho địa phương, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo BHXH, BHYT”, đại biểu lưu ý.

Từ đó, đại biểu tỉnh hải Dương nêu, cần sớm sửa Luật BHXH, thực hiện các giải pháp đã được nêu tại Nghị quyết số 28 của Ban chấp hành trung ương thực hiện các nội dung cải cách về xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, hướng đến bao phủ toàn dân, sửa đổi điều kiện về thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí theo hướng linh hoạt nhằm giảm số lượng người hưởng BHXH một lần…

Đồng thời, đại biểu cũng đề xuất sửa đổi Luật Việc làm theo hướng mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm tự nguyện bao gồm lao động làm việc theo hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc từ 01 tháng trở lên; hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm.

Thanh Nhung - Mạnh Dũng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh