Nghĩa trang Năm Căn: Công trình văn hóa lịch sử
- Người có công
- 01:30 - 04/03/2017
Sau bao năm chiến tranh, giặc giã, trên khắp đất nước ta, mỗi xã, huyện, tỉnh đâu đâu cũng có những nghĩa trang để tưởng nhớ, ghi công là nơi yên nghỉ của các liệt sĩ. Nhưng cũng như khi đến với Nghĩa trang Trường Sơn, Quảng Trị... mỗi lần đến Nghĩa trang Năm Căn lại cho chúng ta một cảm giác thật khác lạ. Đó là sự linh thiêng, lòng bùi ngùi cảm động trước anh linh những người con của tổ quốc, tuổi đời khi mất còn rất trẻ đang nằm lại ở vùng đất xa xôi này.
Ngày khánh thành Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Năm Căn
Ngay sau ngày giải phóng miền Nam, trước muôn vạn khó khăn của công cuộc hồi sinh đất nước sau chiến tranh, Đảng bộ cùng với nhân dân Năm Căn, Ngọc Hiển bằng tấm lòng: “Đền ơn đáp nghĩa” đã đem hết tâm sức đầu tư xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ Năm Căn với tất cả tấm lòng thành kính, tri ân với các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống cho nền độc lập của nước nhà. Không những thế nơi đây còn là nơi rất tôn nghiêm để những người mẹ có con nằm lại chiến trường được phần nào an ủi khi chiều chiều mẹ tìm đến để ngồi bên trò chuyện với đứa con xa. Đó là nơi để đồng đội được cận kề sớm tối bên nhau, cũng là nơi cán bộ chiến sĩ và nhân dân địa phương cùng đồng bào cả nước được thuận tiện khi đến viếng thăm những đồng đội đã khuất.
Các đồng chí lãnh đạo huyện thắp hương tại Nghĩa trang Năm Căn
Nghĩa trang liệt sĩ Năm Căn được xây dựng từ năm 2009, với 11 hạng mục công trình gồm nhà tưởng niệm, nhà quản trang, khu mộ, vườn hoa… trên diện tích 21,5 ha. Điểm nhấn là tháp chuông cao 7 tầng với diện tích 110m2. Hiện là nơi yên nghỉ của 689 liệt sĩ, những người con ưu tú đã ngã xuống mảnh đất tận cùng của Tổ Quốc. Những người con mà tên tuổi đã từng gắn liền với từng địa danh trên vùng đất tạo nên cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai lịch sử, ghi lên dấu son chói lọi làm nên ngày truyền thống của Đảng bộ, quân dân tỉnh Cà Mau. Mảnh đất cuối trời này đã chở che cho bao thế hệ anh hùng kể cả trong thời kì đen tối nhất của cách mạng miền Nam, trong đó có cả cố Tổng bí thư Lê Duẩn. Và cũng chính nơi đây đã khơi nguồn và là bến đậu của con đường huyền thoại, đường Hồ Chí Minh trên biển đem cả sức mạnh vật chất lẫn tinh thần của hậu phương miền Bắc đến với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thần kì ở miền Nam thành đồng Tổ Quốc.
Đây là công trình văn hóa lịch sử to đẹp, có tầm cỡ trong khu vực, xứng tầm với địa danh vùng căn cứ cách mạng. Đồng thời nơi đây cũng để lưu giữ lâu dài các hài cốt của các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, nơi đây cũng là nơi dừng chân để đồng bào cả nước có dịp tưởng niệm, dâng hương, tỏ lòng thành kính biết ơn đối với các anh hùng liệt sĩ khi đặt chân đến thăm Đất Mũi Cà Mau, một vùng đất “Địa linh nhân kiệt” ở cuối trời Nam đất nước.