THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:34

Chật vật mưu sinh để nuôi khát vọng nghệ thuật

Khó tuyển sinh viên ngành sân khấu

Nghệ sĩ Diệu Đức, giảng viên trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.Hồ Chí Minh tâm sự, nguồn lực diễn viên kịch hát dân tộc trẻ bây giờ đã đến hồi báo động. Dù đã được Nhà nước ưu tiên giảm 70% học phí, nghề này vẫn không thu hút các em đến học. Theo nghệ sỹ Diệu Đức, Nhà nước cần giảm 100% học phí cộng thêm nhiều ưu đãi nữa, may ra mới có thể khuyến khích người trẻ đến với nghệ thuật để giữ gìn văn hóa truyền thống dân tộc.

Trọng Bình, diễn viên Nhà hát Cải lương Việt Nam, vừa cùng đoàn lãnh đạo của nhà hát đi các địa phương tuyển sinh, cho biết: “Suốt 3 tháng, chúng tôi không tuyển được một em nào. Hiện nay, không ai muốn theo nghề này cả. Mấy chục năm nữa, không biết có còn diễn viên cải lương hay không.

Nam diễn viên trẻ Trọng Bình.

Nam diễn viên trẻ Trọng Bình.  

Một số em đang học tại khoa cải lương của trường sân khấu điện ảnh thì khả năng hát rất kém, chẳng biết sau này có theo được nghề. Không phải không có người hát hay, mà cái chính, họ không muốn theo nghề hát”.

Bản thân Trọng Bình cũng trải qua nhiều truân chuyên khi mới chập chững bước lên sàn diễn. Suốt nhiều năm ra trường, anh hầu như không được giao vai chính, chỉ chuyên những vai phụ và thứ. Là diễn viên song chẳng mấy khi được hóa thân vào một vai cho ra hồn, bên cạnh đó đồng lương lại “bèo” khiến anh nhiều lần nghĩ đến chuyện bỏ nghề.

Nhưng rồi anh thấy mình không thể bỏ được sân khấu cải lương, nên tâm niệm, dù khó vẫn bám nghệ thuật. Cuộc sống khó khăn, nên có giai đoạn anh chạy xe ôm để trang trải cuộc sống gia đình và bản thân.

Rồi theo thời gian, Trọng Bình cũng dần trưởng thành từ những vai phụ, vai thứ và được đạo diễn giao các vai chính. Đến nay, sau gần 20 năm theo nghề, anh đã gặt hái được một số huy chương vàng, bạc tại các hội diễn. Và cũng nhờ cái khó của nghệ thuật này mà anh trở thành người đa năng trong cuộc sống với việc mở quán cà phê.

Anh bảo, giờ chỉ cần các em trẻ mê hát cải lương, anh sẵn sàng dạy miễn phí. Nhưng kiếm đâu bây giờ? Họ có thể mê hát nhưng để theo đuổi một chặng đường dài với biết bao mệt mỏi là điều ai cũng... ngán.

Nữ diễn viên Hồng Nhung ngoài đời

Nữ diễn viên Hồng Nhung ngoài đời

Khan hiếm nguồn lực diễn viên trẻ kịch hát dân tộc là nỗi khó chung cho sân khấu cả hai miền Nam và Bắc. Tuy nhiên, ở TP.Hồ Chí Minh do thị trường sân khấu kịch nói phát triển nhộn nhịp nên vẫn thu hút được người trẻ đẹp theo nghề, còn ở miền Bắc, tình hình im ắng nên dàn diễn viên trẻ ở loại hình sân khấu hiện đại này cũng khá buồn tẻ.

Thực tế, vẫn có những người đẹp, đủ tài năng và trí tuệ để thăng tiến với những công việc đang được coi là “hot” với thu nhập cao, nhưng lại chọn gắn bó chung thủy với sàn diễn. Điều này được lý giải bởi....“tình yêu” với nghệ thuật và bởi, đối với họ tiền bạc và sự xuất hiện với mật độ dày đặc trên các tờ báo in, tạp chí, trang mạng không phải là mục đích tối thượng.

 Ngày ngày đi-về với sân khấu thường xuyên vắng khách, rồi phải đi diễn xa nhà thường xuyên... nhận những đồng lương còm, mà phải khéo tiêu lắm mới đủ sống. Tuy nhiên, những người đẹp ấy chưa bao giờ nghĩ mình sẽ bỏ “tình yêu” ,dù tình yêu với nghệ thuật ấy không chắc lại cho mình kết quả như mong đợi.

Diễn viên trẻ đẹp hiếm như “sao buổi sớm

”Thu Quỳnh là một trong số ít diễn viên trẻ, đẹp, tài năng của Nhà hát Tuổi trẻ đã tạo được dấu ấn với đồng nghiệp và khán giả. Ít người nhớ, Quỳnh từng lọt vào vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2008.

Thời điểm đó, nếu muốn cô có thể nổi tiếng ngay lập tức như những “chân dài” luôn xuất hiện nóng bỏng trên các trang báo mạng. Một thời gian dài học và nhận vai lên sàn diễn, cô cũng như những diễn viên trẻ khác, đều mờ nhạt với khán giả. Chỉ đến khi được hóa thân vào  vai diễn trong vở kịch kinh điển “Tất cả con tôi” và “Vòng phấn Kafka”, Quỳnh mới được biết đến như một diễn viên trẻ tiềm năng ở tuổi... 27.

Nữ diễn viên Hồng Nhung trong một vai diễnNữ diễn viên Hồng Nhung trong một vai diễn

Thi thoảng Nhà hát Tuổi Trẻ mới dựng kịch kinh điển, vì thế chủ yếu Thu Quỳnh diễn hài trong những tiểu phẩm ngắn, khó được khán giả nhớ mặt, biết tên.

Nữ diễn viên trẻ này còn là gương mặt quen thuộc trong các phim truyền hình. Phim truyện nhựa đầu tiên của cô tham gia “Sống cùng lịch sử” và những  sự cố sau đó của bộ phim này, đã khiến cô được nhiều biết tới hơn.

Với những gì mà Quỳnh đang có trong tay, cũng là ước mơ của nhiều diễn viên trẻ mới ra trường. Song, Thu Quỳnh thừa nhận, số lượng những vai diễn mình đảm nhận vẫn là ít nếu so với thế hệ diễn viên đầu tiên của nhà hát, được nhận vai chính khi tuổi đời chưa đến 20, và đến gần 30 tuổi thì đã có một hồ sơ khá dày dặn trên con đường nghệ thuật.

Diễn viên trẻ bây giờ, nhiều người dù có “thâm niên”  diễn xuất đã 5 năm, vẫn còn rất ngỡ ngàng với sàn diễn, nhất là với những vai kinh điển. Đơn giản vì cơ hội nhận vai không nhiều, lấy đâu vốn liếng để trưởng thành. “NSND Lê Khanh vẫn nói với tôi rằng, thế hệ diễn viên bây giờ so với các cô ngày trước thiệt thòi quá vì lâu lắm mới được nhận một vai diễn ra vai diễn. Nhưng biết làm sao được, tình hình chung là vậy”-Quỳnh ngao ngán.

“Nổi tiếng” là điều gì đó quá xa vời với Hà Thảo, diễn viên Nhà hát Chèo Việt Nam, một giọng ca ngọt bên cạnh một nhan sắc hiếm của sân khấu kịch hát dân tộc hiện nay. Trong khó khăn chung về nguồn lực diễn viên trẻ, Thảo là niềm an ủi lớn của những người đang đau đáu tìm măng cho nghệ thuật chèo.

Cô tham gia các cuộc thi, rồi hội chèo của làng từ năm 15 tuổi. Trong tưởng tượng của nhiều người, “sao” tức là phải có một cuộc sống “sang” với nhà lầu, xe hơi, hàng hiệu... Còn Thảo, hiện vẫn sống chung phòng với mấy bạn đồng nghiệp, giản dị trong khu tập thể nhà hát. Mà không chỉ Thảo, rất nhiều những tài năng trẻ của nghệ thuật sân khấu đang gìn giữ nghệ thuật truyền thống như vậy.

Là một trong những đào chính đắt sô của Nhà hát Cải lương Hà Nội, Hồng Nhung có được thành công một phần nhờ nhan sắc hơn bạn bè. Nhung thừa nhận, vừa chân ướt chân ráo từ đồng ruộng bước lên sân khấu, nên chị luôn cảm thấy mình thiếu một cái “chất” gì đấy vẫn thường thấy ở những diễn viên con nhà nòi.

 Cũng nhờ phim truyền hình mà Hồng Nhung được khán giả nhớ mặt, sau rất nhiều năm làm đào chính vô danh ở sân khấu cải lương. Ngày Hồng Nhung xuất hiện trên phim truyền hình “Ngõ lỗ thủng”, nhiều người đã nghĩ cô hợp với diễn viên điện ảnh hơn bởi gương mặt khả ái, diễn xuất cũng miễn chê. Nhưng với Nhung, sân khấu cải lương mới là ngôi nhà ấm áp mà cô nguyện gắn bó cả đời.

Ai cũng biết, nghệ thuật sân khấu giờ khó khăn ra sao, đến bố mẹ là diễn viên cũng không muốn con mình theo nghề. Chỉ những cô gái ở nông thôn là vẫn thấy nghệ thuật đẹp lung linh. Khi sự thật không đẹp như mình nghĩ, họ vẫn bền bỉ bám nghề, bởi “được trở thành nghệ sĩ là niềm hãnh diện vô cùng”. Nhưng “phải làm nhiều để có thể sống mà không phải bỏ nghệ thuật”, đó là tâm niệm của các diễn viên trẻ.    

Kim Ngọc

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh