CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:05

Nhọc nhằn mưu sinh giữa ngày Quốc tế lao động

Sáng nay, ngày Quốc tế lao động 1/5, ghi nhận của phóng viên báo Lao động và Xã hội (baodansinh.vn), ước tính khoảng hơn 300 lao động chủ yếu là nữ ở hai xã Mai Phụ và Hộ Độ huyện Lộc Hà đã có mặt từ tờ mờ sáng tại các vỉa hè TP. Hà Tĩnh, mỏi mắt ngồi chờ người đến thuê việc làm, nhưng chẳng thấy ai ngó ngàng.

Những phụ nữ ngồi chờ người đến thuê việc tại  ngã tư QL1A- Nguyễn Du T.P Hà Tĩnh trưa 1/5

Với họ 30/4 - 1/5 cũng chẳng khác ngày thường là bao khi vẫn phải vất vả mưu sinh vì miếng cơm manh áo. Không ít phụ nữ "chân lấm tay bùn" đang mưu sinh ở TP Hà Tĩnh, những ngày nghỉ lễ này họ không nghỉ ngơi, mà là cơ hội để kiếm sống. Bám trụ ở thành phố vào thời khắc hầu hết mọi người đều đi chơi, đi mua sắm...

Những người phụ nữ chờ việc tại ngã tư Xuân Diệu- Nguyễn Du, T.P Hà Tĩnh trưa 1/5

 

Khuôn mặt đen sạm vì thường xuyên làm việc dưới thời tiết khắc nhiệt, bà Lê Thị San (58 tuổi) ở thôn Đồng Xuân, xã Hộ Độ tâm sự: Cử tưởng như ngày thường, sáng dậy buộc xe “cút kít” (xe đẩy của người làm ghề muối) vào xe đạp, đạp lên thành phố tới tối về ít nhất cũng kiếm được từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng, nhưng từ hôm qua 30/4 đến trưa nay 1/5 vẫn chưa kiếm được việc gì để làm. Bây giờ đã qua trưa rồi những cặp lồng cơm và chai nước mang theo sẵn vẫn để nguyên trên xe đạp, chưa ai nghĩ tới ăn uống gì cả, vì cứ sợ đang trong lúc ăn có ai đó đến thuê làm sẽ lỡ việc.

Khẩu phần ăn trưa chỉ có cơm cà được bỏ trong cặp lồng chiếc giỏ

 

Cùng cảnh như bà San, bà Phan Thị Mai (53 ) ở tuổi xóm Liên Tiến xã Mai Phụ cho biết: Công việc của chị em chủ yếu là chở đất đá, dọn các công trình vệ sinh, rác thải bẩn… trong các con ngõ nhỏ mà xe cơ giới không vào được. Trong quá trình làm việc nếu gặp tai nạn rủi ro thì bản thân phải chịu, khi gặp được gia chủ nào tử tế thì họ bồi dưỡng cho thêm vài chục ngàn đồng, còn thôi! "Biết vậy, nhưng có việc là quyên đi tất cả. Lo nhất là không kiếm được việc gì, bởi cả nhà chỉ chỉ biết trông vào có vậy thôi"- bà Mai cười buồn.

Những người phụ nữ ngồi chờ người đến thuê việc tại khu vực ngã tư Nguyễn Huy Tự- Hải Thượng Lãn Ông, T.P Hà Tĩnh trưa 1/5

 

Xã Mai Phụ và Hộ Độ là hai địa phương làm nghề muối từ thời Pháp, nhưng trong khoảng 10 năm trở lại đây hầu hết bà con phải bỏ nghề vì giá thành quá thấp, chi phí cho đầu vào cao hơn đầu ra. Trong lúc đó đất sản xuất lại Không có nên đàn ông bỏ nhà kéo nhau vào miền Nam làm ăn có khi hàng năm mới về,  còn đàn bà phụ kéo nhau lên TP. Hà Tĩnh làm thuê bất cứ việc gì trong ngày. Hầu hết con cái họ không có điều kiện được học hành hết cấp phổ thông cơ sở. 

Những người phụ nữ tưởng kiếm được việc dọn đống đất cát này nhưng chủ nhà đã đi du lịch

Đang ăn vội bát cơm trưa, bà Phan Thị Phiến ( 59 tuổi) ở xóm Đồng Xuân xã Hộ Độ cho biết, hàng ngày, cứ tờ mờ sáng, bà vội vã đến "chợ lao động" ở khu vực ngã tư Nguyễn Huy Tự- Hải Thượng Lãn Ông, T.P Hà Tĩnh chờ người thuê làm việc. Quá trưa bà Phiến và những lao động khac tìm bóng cây râm mát để ngồi ăn phần cơm mang theo từ nhà. "Làm nghề này vất vả lắm. Lúc người ta đang tất bật chuẩn bị cơm trưa, hay lúc mình đang mơ mơ ngủ có ai gọi việc là tỉnh cả người. Hôm nào đắt hàng còn đỡ, chứ đi không về rồi là buồn lắm, chị em cứ ngồi ngáp ngắn, ngáp dài..." bà Phiến tâm sự.

Theo ghi nhận của phóng viên, mặc dù  thân phận đi  làm thuê của những chị em xã Mai Phụ và Hộ Độ rất cần được chia sẻ, nhưng họ thường xuyên bị lực lượng Quản lý trật tự công cộng (QLTTCC) ở T.P Hà Tĩnh xua đuổi, không cho ngồi đợi việc ở các vỉa hè sợ làm xấu hình ảnh thành phố.

Phương tiện làm thuê của chị em phụ nữ Hộ Độ và Mai Phụ

 

Kể lại câu chuyện buồn, bà Phiến lắc đầu ngao ngán, có nhiều hôm chị em bị cán bộ Đội QLTTCC T.P Hà Tĩnh đến tịch thu cuốc xẻng và xe đẩy nên đôi khi có việc cũng như không. "Ngày 28 Tết vừa rồi, trong lúc tôi đang ăn cơm bị họ hất cả cặp lồng xuống giữa đường. Nghĩ lại mà đau lòng. Cùng là người Việt máu đỏ da vàng, vì sao họ lại nhẫn tâm đối xử với chúng tôi vậy?" bà Phiến rơm rớm nước mắt vì tủi thân.


Thành Sen

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh