CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:20

Nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Tắng, người giữ hồn nghệ thuật Lễ hội Pôồn Pôông

Lễ hội Pồôn Pôông của người Mường ở huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) được tổ chức hằng năm vào ngày rằm tháng Giêng, rằm tháng Ba và rằm tháng Bảy với mong muốn cho mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, nhà nhà hạnh phúc. Lễ hội vừa mang tính nghi lễ cầu phúc, cầu an vừa mang tính chất giao duyên nam - nữ.

Nghệ nhân ưu tú  Phạm Thị Tắng

Nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Tắng

Pồôn Pôông là lễ hội có từ xa xưa. Trong tiếng Mường, “Pồôn” có nghĩa là chơi, nhảy múa, còn “Pôông” có nghĩa là bông, bông hoa. “Pồôn Pôông” có nghĩa là nhảy múa bên cây bông (hay còn gọi là cây hoa).

Những năm trước đây, lễ hội Pồôn Pôông đã từng có thời gian bị lãng quên, thế hệ trẻ cũng ít tìm hiểu, kế thừa và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc. Mãi đến khi tỉnh Thanh Hóa bắt tay vào việc bảo tồn các trò chơi, trò diễn dân gian theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) thì Lễ hội Pôồn Pôông như được hồi sinh trở lại.

Là người nặng lòng với văn hóa dân tộc, bà Phạm Thị Tắng ở thôn Lỏ, xã Cao Ngọc, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) luôn đau đáu việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc mình. Vốn sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm thầy mo Mường, từ nhỏ bà Phạm Thị Tắng đã thuần thục những điệu múa, lời hát Xường của người Mường được cha ông truyền dạy cũng như các nghi thức bảo tồn tín ngưỡng thờ cúng, nghi lễ trong lễ hội Pồn Pôông. Bà luôn hăng say luyện tập, sáng tạo và tìm hiểu về văn hóa dân tộc; tích cực tham gia các hoạt động trình diễn văn hóa dân tộc; đem bản sắc của dân tộc Mường đến với nhiều liên hoan, hội thi, hội diễn trong và ngoài tỉnh.

Nghệ nhân ưu tú  Phạm Thị Tắng biểu diễn múa Pồôn Pôông

Nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Tắng biểu diễn múa Pồôn Pôông

Với những tri thức, kỹ năng của mình, bà Tắng trở thành Ậu Máy (còn gọi là bà Máy) - chủ của lễ hội Pồn Pôông. Dân làng nơi đây thường gọi bà với tên quen thuộc Máy Tắng hay bà Máy. Đến nay, dù đã 77 tuổi, nhưng Máy Tắng vẫn nhớ đầy đủ từng chi tiết, từng nội dung của lễ hội Pồn Pôông với 48 trò chơi, trò diễn đặc sắc. Các trò diễn này được kết nối thành một hệ thống, một câu chuyện dài, được kể thâu đêm suốt sáng bên cây bông.

Không chỉ tích cực tham gia thực hành văn hóa dân tộc, Máy Tắng luôn hăng say truyền dạy cho thế hệ sau. Tính đến nay, Máy Tắng đã truyền dạy cho hàng trăm người đủ mọi lứa tuổi ở trong và ngoài xã. Nhiều em bé mới 5, 6 tuổi trong xã Cao Ngọc đã được dạy hát, múa Pồn Pôông. Đặc biệt, từ việc theo học Máy Tắng nhiều người đã yêu thích Pồn Pôông, hiểu thêm về phong tục tập quán cũng như những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc. Từ đó, mong muốn những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc được truyền lại và phát huy giá trị.

Tháng 11/2015, bà Phạm Thị Tắng được công nhân là Nghệ nhân ưu tú vì đã có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa của dân tộc. Năm 2016, Lễ hội Pồôn Pôông xã Cao Ngọc, huyện Ngọc Lặc được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. Để có được thành quả ấy có đóng góp rất lớn của Nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Tắng.

Theo Máy Tắng học các trò chơi, trò diễn Pôồn Pôông từ khi còn bé, đến nay chị Lê Thị Sinh (sinh năm 1962) ở thôn Vìn Cọn, xã Cao Ngọc, huyện Ngọc Lặc đã trở thành thế hệ thứ 3 có thể truyền dạy Pôồn Pôông.

Chị Sinh cho biết: “Khi còn nhỏ tôi đã được chứng kiến Máy Tắng và các bà, các mế trong bản say sưa nhảy múa bên cây bông. Tôi từng ao ước mình là một trong những người như thế. Máy Tắng là người đã truyền dạy cho tôi, uốn nắn tôi từng điệu nhảy, từng lời hát xường và cho tôi tham gia các hội diễn, hội thi, rồi theo Máy đi dạy ở các lớp truyền dạy trình diễn Pồôn Pôông. Đến nay, tôi có thể tự tin để biểu diễn các trò chơi, trò diễn của Pôồn Pôông”, chị Sinh cho biết.

Với sự nỗ lực bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc, cuối năm 2020, Hội đồng cấp tỉnh Thanh Hóa đã họp và xét chọn kết quả có 3 cá nhân được đề nghị công nhận Nghệ nhân Nhân dân và 28 cá nhân được đề nghị công nhận Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 3 năm 2021. Nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Tắng vinh dự là 1 trong 3 nghệ nhân của tỉnh Thanh Hóa được đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”.

Chia sẻ trong câu chuyện của mình, Nghệ nhân ưu tú  Phạm Thị Tắng cho biết: "Tuổi của mế (mẹ - PV) giờ đã cao, mắt mờ, chân chậm, nhảy múa không còn được nhanh nhẹn như trước đây, nhưng mế sẽ còn múa, còn nhảy, còn hát cho đến hơi thở cuối cùng. Mế chỉ mong có nhiều sức khỏe để truyền dạy hết trò diễn này cho con, cho cháu, để Pồôn Pôông mãi sống cùng các thế hệ người Mường”- bà Tắng trăn trở.

MỘC MIÊN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh