Nghệ nhân ưu tú Thạch Ca Ri Nô: Người "giữ hồn" nhạc cụ Khmer truyền thống
- Văn hóa - Giải trí
- 19:21 - 11/07/2016
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có người cha là một nghệ nhân nổi tiếng về tài chế tác mặt nạ và nhạc cụ cổ truyền Khmer Nam bộ, nên từ năm lên 6 tuổi ông Thạch Ca Ri No đã được cha truyền nghề. Nhờ đó, ông đã sớm trở thành một nghệ nhân kế tục nghề chế tác mặt nạ và nhạc cụ cổ truyền của cha một cách thuần thục và nhiều sáng tạo.
Ông bộc bạch, những năm đầu học nghề với cha, ông nhận làm những loại nhạc cụ đơn giản dễ thực hiện như đàn Gáo, đàn cò, trống trầu, trống Sadăm…Khi đã chế tác một cách thuần thục các loại nhạc cụ này ông bắt đầu nghiên cứu và bắt tay vào chế tác các loại nhạc cụ của dàn nhạc ngũ âm theo mẫu truyền thống.
Dàn nhạc ngũ âm do ông chế tác nhanh chóng trở thành một thương hiệu được cộng đồng Khmer trong và ngoài tỉnh yêu thích bởi chất lượng âm thanh chuẩn, thiết kế kiểu dáng đẹp và độ bền cao.
Tiếng lành đồn xa, ông nhận được rất nhiều hợp đồng đặt hàng của các cá nhân, nhà chùa, các đội văn nghệ phum sóc, các đoàn ca múa nhạc Khmer khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long.
NNƯT Thach Ca Ri No đang chế tác bộ trống lớn là một trong những nhạc cụ quan trọng trong dàn nhạc ngũ âm truyền thống của người Khmer Nam bộ
Theo ông để làm được một dàn nhạc ngũ âm đạt chuẩn, có hai lại nhạc khí khó nhất, đó là làm bộ trống và 16 cái cồng nhỏ được chế tác bằng chất liệu đồng nguyên chất. Để có được những chiếc cồng này thường ông phải đặt mua tận bên Cămpuchia và được rèn với kỹ thuật thật công phu. Riêng bộ trống Sa dăm, trống Rô - nét – đét phải được làm bằng gỗ cây bình linh còn nguyên gốc, nếu không có gỗ bình linh thì có thể thay thế bằng gỗ sao, cẩm lai.
Trong các công đoạn chế tác thì công đoạn đục, đẽo, khoét ruột gốc cây tốn nhiều thời gian vì đòi hỏi phải rất tỷ mẩn, công phu. Trống được bịt hai đầu bằng da trâu cũng được chọn lựa rất kỹ thì khi đánh mới đảm bảo về chất lượng âm thanh chuẩn. Ông nói, với 3 nghệ nhân thật tinh thông thạo nghề thì cũng phải làm cật lực trong ba tháng ròng mới hoàn thành được một bộ dàn nhạc ngũ âm, gồm 7 nhạc khí khác nhau. Hiện nay, trung bình một bộ dàn nhạc ngũ âm có giá từ 65 – 70 triệu đồng/bộ.
Tuy nhiên, theo ông với giá này nghệ nhân chủ yếu lấy công làm lời, làm vì đam mê yêu nghề, muốn giữ nghề gia truyền và góp phần gìn giữ bảo tồn, phát huy tinh hoa nhạc cụ cổ truyền dân tộc Khmer Nam bộ.
NNƯT Thạch Cà Ri Nô đang hướng dẫn con trai các công đoạn chế tác mặt nạ truyền thống phục vụ biểu diễn nghệ thuật san khấu dù kê của người Khmer Nam bộ
Không chỉ chuyên tâm chế tác các loại nhạc cụ, bộ dàn nhạc ngũ âm, mà ông còn là một trong những nghệ nhân chế tác các loại mặt nạ phụ vụ biểu diễn nghệ thuật sân khấu Dù kê nổi tiếng. Đam mê, yêu nghệ thuật truyền thống dân tộc mình, từ lâu ông đã thành lập hẳn một đoàn ca múa nhạc lấy tên “Ca Ri No”, với lực lượng nòng cốt là các thành viên trong gia đình gồm 5 người con trai, đều là những nhạc công, nghệ nhân đa năng tài hoa chơi một cách thuần thục nhiều loại nhạc cụ.
Đoàn ca, múa nhạc, “Ca Ri Nô” do nghệ nhân ưu tú Thạch Ca Ri No làm trưởng đoàn cũng đã và đang là một thương hiệu khá nổi tiếng thu hút đông đảo công chúng yêu nghệ thuật truyền thống Khmer Nam bộ ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.