Nghệ nhân Ưu tú “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua”
- Văn hóa - Giải trí
- 23:21 - 24/01/2016
Phần thưởng cao quý
Trong đợt phong tặng danh hiệu NNƯT vừa qua, làng Trung Đồng, xã Vân Trung (Việt Yên) đứng đầu sổ về số lượng, với 4 nghệ nhân thuộc lĩnh vực dân ca quan họ. Trong đó, nghệ nhân Hoắc Công Chờ (SN 1936) được xem là cây đại thụ khi cả đời gắn bó, cống hiến cho di sản, mong mỏi trở thành nghệ nhân giờ đã thành sự thật. Tết này cụ Chờ sang tuổi 80, chiếc bằng chứng nhận nghệ nhân như một món quà mừng thọ đầy ý nghĩa dịp xuân mới, nó như tiếp thêm nguồn năng lượng để nghệ nhân đa tài ấy lại hăng say cống hiến cho di sản quê hương. Biết hát dân ca quan họ từ thuở “Răng non trắng tựa như ngà - Đến nay trơ lợi vẫn ca rõ nhời”, cụ Chờ thuộc cả trăm bài quan họ cổ và được xem là người “biết đủ lối, thuộc đủ câu”. Trước đây, dù chưa có đãi ngộ song cụ vẫn lặng lẽ sưu tầm, truyền dạy dân ca quan họ cổ cho lớp trẻ. Cụ Chờ phấn khởi: “Trước đây chúng tôi chỉ là "bọn quan họ" yêu thích thì hát, ai ngờ có ngày được Nhà nước trao vinh dự này, ở làng Trung Đồng còn nhiều người trên 80 tuổi xứng đáng là nghệ nhân nhưng họ chưa làm hồ sơ, có lẽ phải chờ đợt phong tặng lần tới. Ngần này tuổi, đã “gần đất xa trời”, sự ghi nhận của Nhà nước là vinh dự, tự hào của bản thân tôi và của cả làng, cũng là động lực để những ai chưa được công nhận tiếp tục phấn đấu”. Hiện cụ Chờ vẫn là Chủ nhiệm CLB quan họ, CLB có điểm khác là quy tụ từ các cụ già tóc bạc, lớp trung niên và cả thiếu nhi. Mấy hôm trước, xã có hội diễn văn nghệ, tuy mới ốm dậy nhưng hễ rảnh lúc nào là cụ lại ra chùa tập hát quan họ cho đội văn nghệ.
Làng Trung Đồng, xã Vân Trung (huyện Việt Yên) có nhiều nghệ nhân nhất tỉnh.
Ở xã Đèo Gia (Lục Ngạn) cụ Đàm Quang Lộc (SN 1936) dân tộc Cao Lan là người nặng lòng với sình ca nhất, cụ biết hát dân ca khi tóc còn để chỏm, từng tham dự nhiều cuộc hát khắp xóm trên làng dưới. Với 60 năm thực hành di sản Sình Ca, bao năm qua, dù Nhà nước chưa công nhận thì trong lòng công chúng và đồng bào ở đây vẫn suy tôn cụ là nghệ nhân. Tuổi đã cao, cụ vẫn sưu tầm được và truyền lại hàng trăm câu hát cho lớp kế cận. Tết này, cụ Lộc và gia đình vui hơn vì chính thức được là NNƯT. Cụ Lộc cho biết: “ Sình ca là niềm tự hào của biết bao thế hệ người Cao Lan. Việc truyền dạy văn hóa dân tộc cho thế hệ sau là trọng trách không hề nhỏ của những người như ông. Có danh hiệu sẽ tạo cơ sở để nghệ nhân được hưởng chế độ đãi ngộ, có thêm động lực tiếp tục dành hết tình cảm, tâm huyết cho di sản…
Danh hiệu ở lòng dân
Trong văn hóa nghệ thuật truyền thống, nghệ nhân là danh xưng được xã hội mặc nhiên công nhận đối với những cá nhân tâm huyết, tài năng gìn giữ di sản. Bản thân những người được cộng đồng tôn vinh ấy luôn miệt mài bảo tồn, phát huy di sản. Đợt phong tặng lần này đa số các nghệ nhân đã ở tuổi “chiều tà, bóng xế”, có người đã bước qua tuổi 100, trong quá trình hồ sơ được xét duyệt, nhiều nghệ nhân không còn chờ đến lúc tận hưởng niềm hạnh phúc ấy. Đó là nghệ nhân Nguyễn Thị Gái (SN 1920) thôn Sen Hồ, thị trấn Nếnh và Nguyễn Thị Nhung (SN 1931) ở thôn Trung Đồng (Việt Yên), bao năm cống hiến cho di sản quan họ, nhưng trong lúc chờ quyết định công nhận nghệ nhân thì cụ đã trút hơi thở cuối cùng với những trăn trở vì quan họ cổ ngày càng ít người am hiểu. Họ đã mang theo cả một kho tri thức về quan họ về với tổ tiên mà chưa kịp trao truyền hết. Tuy vậy, dù muộn còn hơn không, người thân và gia đình cụ Tình, cụ Nhung cũng phần nào được an ủi, tự hào. Còn nghệ nhân cao tuổi nhất Trần Thị Thịnh (SN 1915) thôn Sen Hồ, thị trấn Nếnh (huyện Việt Yên), giờ đây cũng không còn đủ trí nhớ, sự minh mẫn để đón nhận niềm vui một cách trọn vẹn.
Ông Nguyễn Thế Chính, Giám đốc Sở VH - TT&DL Bắc Giang cho biết: Phong tặng danh hiệu sẽ bảo đảm quyền lợi thiết thực cho nghệ nhân, khuyến khích họ tiếp tục truyền lửa cho các thế hệ sau. Để được công nhận nghệ nhân phải trải qua quá trình bình xét khách quan, nghiêm ngặt, bên cạnh phẩm chất đạo đức tốt, được đồng nghiệp và quần chúng mến mộ, kính trọng, những người được đề nghị xét tặng danh hiệu nghệ nhân phải có tài năng xuất sắc, được cộng đồng thừa nhận, tôn vinh. Cả 17 NNƯT của tỉnh lần này đều xứng đáng được tôn vinh. Những người chưa được xét tặng đợt này hãy tích cực duy trì truyền dạy cho lớp trẻ, góp phần bảo tồn di sản văn hóa dân tộc và đáp ứng tiêu chuẩn những lần xét tiếp theo. Bên cạnh quyền lợi, như được nhận Huy hiệu, Giấy chứng nhận của Chủ tịch nước và tiền thưởng, nghệ nhân có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn được trợ cấp sinh hoạt hằng tháng. Đổi lại, các nghệ nhân có trách nhiệm không ngừng hoàn thiện, phổ biến và truyền dạy tri thức, kỹ năng về di sản cho thế hệ sau. Mong cho những "báu vật sống" ấy sẽ mãi đủ nhiều sức khỏe, nghị lực đưa di sản phát triển.