THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:50

Nghệ nhân Thạch Tư: Người thổi hồn vào những pho tượng chùa Khmer Nam Bộ

 

Sinh ra trong một gia đình Khmer nghèo ở khóm 4, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, cậu bé Thạch Tư chỉ học hết bậc tiểu học thì nghỉ. Năm lên 14 tuổi, Thạch Tư được cha gửi theo một người thân quen vào học nghề ở Trường Mỹ nghệ thực hàng Gia Định (Sài Gòn). Nhưng chỉ theo học được gần 2 năm, thì năm 1963 (Thạch Tư lúc này tròn 16 tuổi) phải trở về nhà để vào chùa Kompong Chrây (chùa Hang) ở thị trấn Châu Thành để tu học, theo phong tục truyền thống của người Khmer Nam Bộ. Đó cũng là thời gian chùa Hang bắt đầu trùng tu, nên có mời nghệ nhân điêu khắc nổi danh Nguyễn Ngọc Chấn ở xã Đại An, huyện Trà Cú (Trà Vinh) về tạc tượng Phật và các vị thần, vẽ hoa văn họa tiết… Là người có năng khiếu, đam mê nghệ thuật điêu khắc, hội họa, từng theo học một thời gian ngắn ở Trường Mỹ thuật thực hành Gia Định, chàng trai Thạch Tư đã mạnh dạn xin thầy Nguyễn Ngọc Chấn cho làm đệ tử học nghề.

Thấy chàng trai có lòng đam mê và có năng khiếu về nghệ thuật điêu khắc, hội họa, nghệ nhân Nguyễn Ngọc Chấn đã nhận lời truyền dạy, dìu dắt vào nghề. Bước ngặt cuộc đời và sự nghiệp của chàng trai Khmer Thạch Tư khởi từ đây. Sau 4 năm theo thầy Chấn vừa học, vừa làm Thạch Tư đã thạo nghề và xin hoàn tục trở về nhà bắt đầu dấn thân vào cuộc mưu sinh bằng chính nghề mà mình đã đam mê học được trong thời gian tu học tại chùa Hang. Với đôi bàn tay khéo léo và sự đam mê nghệ thuật cháy bỏng, chỉ vài năm hành nghề, khi chưa đầy 30 tuổi Thạch Tư đã trở thành một nghệ nhân điêu khắc, đắp tượng Phật nổi tiếng trong cộng đồng Khmer khắp vùng Tây Nam Bộ. 

 Nghệ nhân Thạch Tư bên những pho tượng ông đang tạo tác, hoàn thiện tại cơ sở điêu khắc của mình                         

 

Ban đầu cơ sở điêu khắc, đắp tượng của ông chủ yếu nhận các đơn đặt hàng của các ngôi chùa trong tỉnh Trà Vinh, nhưng rồi tiếng lành đồn xa, với uy tín về chất lượng, tính mỹ thuật cao, giàu sáng tạo và phong phú về kiểu dáng, kích thước của những pho tượng do ông tạo tác đã vang xa khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tùy theo yêu cầu của các nhà chùa, nghệ nhân Thạch Tư có thể tạc, đắp đến 8 tư thế khác nhau của tượng Phật, từ năm nghiêng, tọa thiền và nhiều tư thế khác rất sinh động, mà vẫn luôn tuân thủ tính truyền thống với nhiều kích cỡ. Theo vị sư cả chùa Hang, ông Thạch Suôl cho biết, tính đến nay nghệ nhân Thạch Tư đã đắp, tạc trên 200 pho tượng Phật Thích Ca và hàng trăm các tác phẩm điêu khắc về các vị thần, tứ linh, 12 con giáp cho các chánh điện của các ngôi chùa Khmer vùng Tây Nam Bộ. Ngoài đắp, tạc tượng, ông cũng là một người có biệt tài và nổi tiếng về nâng cao, trùng tu, đắp sửa những pho tượng cổ với tuổi đời hàng trăm năm trong những ngôi chùa Khmer cổ.

Theo đức tin của người Khmer Nam Bộ, những ngôi chùa cổ có thể được trùng tu nâng cấp, mở rộng diện tích để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng ngày càng phát triển, nhưng tuyệt đối không được phá bỏ tượng Phật cũ, mà phải khéo léo nâng lên, để đắp mới y như tượng cũ. Theo ông, đây là một công việc khó hơn cả đắp, tạc pho tượng mới, vì nhiều pho tượng cổ có trọng lượng hàng chục tấn, với chất liệu chỉ là mật mía, vôi, đất rất dễ vỡ, do đó đòi hỏi sự công phu, tính toán thật tỷ mỷ, chính xác từng ly, nếu không sẽ làm tượng cổ bị sứt mẻ, gãy đổ ảnh hưởng đến vần đề tâm linh. Người nâng tượng trùng tu cũng phải là người am tường thuần thục về đắp tượng để chỉnh sủa tượng được cân đối, hoặc đắp mới trên hình hài pho tượng cũ, có trình độ về Phật học để đảm bảo những đường nét vẽ, đắp, khắc vừa đảm bảo thẩm mỹ, vừa đậm nét thiền truyền thống.

Với biệt tài giống như một “thần đèn”, nghệ nhân Thạch Tư đã nâng, đắp thành công mỹ mãn hàng trăm pho tượng cổ ở các chùa Khmer Tây Nam Bộ. Trong đó, pho tượng đầu tiên ông nâng lên trùng tu là pho tượng Phật Thích Ca nặng trên 10 tấn, thờ ở chánh điện chùa Hang vào năm 1971, khi ông còn rất trẻ. Nay tuy đã ngoài 60 tuổi, nhưng ông và hai con cùng hai cháu của ông vẫn là một ê kíp được nhiều nhà chùa mời đến nâng tượng mỗi khi trùng tu chùa. Theo ông, cả nhóm miệt mài với công việc thì thời gian nâng sửa một phong tượng cũng phải mất từ 3 - 4 tháng. Có thể nói, ông là một nghệ nhân đa tài, ngoài việc nâng, đắp, tạc tượng, vẽ những bức tranh tường, hoa văn, họa tiết trong chùa Khmer, ông còn say mê chế tác rất nhiều loại nhạc cụ Khmer truyền thống, được các đội văn nghệ ở các nhà chùa, các đoàn nghệ thuật trong và ngoài tỉnh tin dùng vì kiểu dáng đẹp, âm sắc chuẩn. 

LƯƠNG ĐỊNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh