CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:54

Nghệ An: Những làng tỷ phú nhờ xuất khẩu lao động

Yên Thành có 11 vạn dân trong độ tuổi lao động thì có hơn 2 vạn người đi XKLĐ, đã biến Yên Thành từ một huyện nghèo thành “huyện tỉ phú”. Nhiều làng xã được xây dựng khang trang không kém những khu phố sầm uất ở các đô thị lớn.

Xã Sơn Thành nằm ở phía tây nam huyện Yên Thành, giáp ranh với huyện Nghi Lộc. Trước đây Sơn Thành là một vùng đất cằn đá sỏi, nghèo xác xơ, nhưng giờ đây lại là một trong những xã giàu nhất huyện, thậm chí còn được đánh giá là giàu nhất tỉnh Nghệ An nhờ hiệu quả từ việc người dân rủ nhau đi XKLĐ. Xã có 7.300 nhân khẩu, 3.300 lao động thì có hơn 1.800 người đi XKLĐ. Theo người dân ở đây, nhiều gia đình nhờ có con em đi XKLĐ mà đã có trên 100 tỉ đồng để vào Nam, ra Bắc, hoặc đến Cửa Lò xây khách sạn, nhà hàng. Trong xã tiệm vàng mọc lên như nấm.

Ông Nguyễn Khắc Đào, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Thành phấn khởi: “Khoảng từ năm 1993, một số người mạnh dạn ra đi làm ăn khấm khá nên về đưa anh em, bà con đi cùng. Nhiều gia đình có gần chục người cả con, cháu, dâu, rể cùng đi XKLĐ. Có họ bây giờ có hơn 100 người đang làm ăn ở nhiều nước trên thế giới”.

Nhà cao tầng mọc lên san sát tại xã “tỷ phú” Sơn Thành.

Nổi tiếng giàu trong xã là đại gia đình ông Lê Bình, người có con đi xuất khẩu nhiều nhất ở Sơn Thành với bốn con trai, bốn con dâu, rể. Sau đó, những người con của ông Bình về nước đưa nhiều anh em họ hàng khác sang nước ngoài làm việc.Ở Sơn Thành ngoài đại gia đình ông Lê Bình, còn có gia đình ông Trần Quốc Kiệm, cũng có nhiều con cháu đi XKLĐ. Ông Kiệm có một người con  đi XKLĐ,  sau khi về nước có tiền xây dựng trung tâm thương mại trị giá khoảng 7 tỷ đồng ở xã Bảo Thành kế bên để cho thuê.

Phó Chủ tịch xã Sơn Thành Nguyễn Khắc Đào cho biết thêm: “Nếu chia bình quân thì mỗi hộ ở xã Sơn Thành có hơn 1 người đi lao động ở nước ngoài. Hiện tại gia đình Bí thư, Phó bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã... đều có con, em đi lao động ở nước ngoài. Kiều hối mỗi năm gửi về khoảng 180.000 USD là con số tính được. Có nhà mỗi năm gửi về cả triệu USD.”

Cách Sơn Thành không xa là xã “tỷ phú” Đô Thành, nằm ở phía đông bắc huyện Yên Thành, giáp ranh với huyện Diễn Châu. Xưa vốn là một vùng đất nghèo khó, cuộc sống người dân chủ yếu dựa vào cây lúa. Tuy nhiên, do Đô Thành thuộc vùng đất trũng, quanh năm ngập úng, chua phèn nên thường xuyên mất mùa, cuộc sống vô cùng nghèo khó.

Cuối thập kỷ 1980, đầu 1990, các lao động ở Đô Thành bắt đầu tìm được mối để đi XKLĐ sang các nước như Đức, Ba Lan, Nga... Ban đầu chỉ một vài người đi, về sau thấy làm ăn được nên họ về đưa anh em, họ hàng cùng xuất ngoại. Cứ thế, lượng người đi XKLĐ ngày một tăng lên. Nhờ đó, cuộc sống người dân nơi đây đã đổi thay một cách chóng mặt. Những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát. Hiện tại Đô Thành có hơn 300 tỷ phú có từ 10 tỷ đồng trở lên, khoảng 2000 ngôi nhà tầng và gần 300 xe ô tô các loại.

Ông Nguyễn Văn Xuyên, Chủ tịch UBND xã Đô Thành cho biết: “Ngoài các nước châu Âu đi trước đây thì giờ người dân đi xuất khẩu sang Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia nhiều hơn. Từ năm 2005, có thêm phong trào đi sang Lào, Thái Lan làm ăn, cũng cho thu nhập khá. Lào và Thái Lan thì người dân đi đi, về về thường xuyên”.

Đô Thành hôm nay không kém các khu đô thị sầm uất ở thành phố.

Những năm gần đây, thị trường Lào làm ăn dễ dàng nên một bộ phận lao động ở Đô Thành bắt đầu sang Lào tìm kiếm cơ hội làm giàu, đặc biệt là thế hệ trẻ. Một khu làng Việt kiều Lào với những Công ty, doanh nghiệp được dựng lên bên bờ kênh Vực Bách, trở thành một trong những xóm tỷ phú của xã Đô Thành.

Ông Phan Văn Tuyên, Chủ tịch UBND huyện Yên Thành chia sẻ: “Khoảng 10 năm về trước thì Yên Thành còn rất nghèo. Từ ngày có phong trào XKLĐ nhiều vùng quê đã thoát nghèo, thậm chí trở nên khá và giàu. Những năm gần đây, huyện luôn có đề án về XKLĐ, xem đây là hướng chính để thoát nghèo và làm giàu”.

Cũng theo ông Tuyên,  huyện luôn tuyên truyền để người dân đi XKLĐ bằng các con đường chính thống. Các doanh nghiệp về địa bàn tuyển nhân lực đi XKLĐ đều phải được tỉnh giới thiệu thì huyện mới cho phép.

HOÀNG TÙNG/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh