THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:15

Thanh Hóa: Đẩy mạnh XKLĐ để giảm nghèo bền vững

 

* Xin ông cho biết kết quả công tác XKLĐ của tỉnh Thanh Hóa trong năm 2015?

- Năm 2015, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh; các ngành, các cấp nên công tác XKLĐ của tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều khởi sắc. Bên cạnh đó, các thị trường truyền thống như: Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Ả Rập Xê út, Malaysia, Nhật Bản... mở cửa tiếp nhận lao động Việt Nam trở lại, một số thị trường truyền thống như Đài Loan, Hàn Quốc tiếp nhận số lượng lớn lao động Việt Nam. Đây là điều kiện thuận lợi để hơn 1.000 lao động của tỉnh Thanh Hóa hoàn chỉnh hồ sơ gia hạn, tiếp tục sang làm việc. Ngành LĐ-TB&XH Thanh Hóa cũng đã tích cực phối hợp với các cấp, ban, ngành, đẩy mạnh công tác tuyên truyền XKLĐ bằng nhiều hình thức đến từng thôn, xóm, bản làng.

Nhờ vậy năm 2015, toàn tỉnh Thanh Hóa đã tuyển chọn và đào tạo được hơn 17.000 lao động và đưa được 9.925 lao động xuất cảnh (đạt 99,2% kế hoạch năm và bằng 110% so với cùng kỳ năm 2014), góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị xuống 3,6%, tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực nông thôn còn 6,5%; chuyển dịch cơ cấu lao động: nông - lâm - ngư nghiệp xuống 47,9%; công nghiệp - xây dựng lên 27,5% và dịch vụ lên 24,6%. Kết quả trên đã góp phần quan trọng giúp hàng trăm lao động trên địa bàn không chỉ thoát nghèo bền vững, mà còn có điều kiện vươn lên làm giàu…

Lớp học định hướng cho lao động đi XKLĐ tại Trường trung cấp Nghề miền núi Thanh Hóa.

* Kinh nghiệm được rút ra trong công tác XKLĐ của tỉnh Thanh Hóa như thế nào, thưa ông?

- Xác định XKLĐ là một trong những giải pháp quan trọng để giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; giảm nghèo bền vững. Ngay từ đầu năm, Thường trực Ban Chỉ đạo công tác XKLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Các cơ quan báo chí của tỉnh, của Trung ương đóng trên địa bàn và hệ thống đài phát thanh huyện, xã, thôn đều tích cực vào cuộc tuyên truyền vận động lao động trong độ tuổi chủ động tích cực đăng ký tham gia đi làm việc ở nước ngoài.

Ngành LĐ-TB&XH Thanh Hóa cũng tạo các điều kiện thuận lợi, ưu tiên giúp các doanh nghiệp chuyên XKLĐ có đơn hàng tốt giới thiệu về tuyển dụng; phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố và các trung tâm giới thiệu việc làm để tuyển lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực XKLĐ cho cán bộ cấp xã, cấp thôn về XKLĐ; mở rộng việc tuyển chọn lao động thông qua sàn giao dịch việc làm vào ngày 1 và 15 hàng tháng, giúp người lao động có thêm nhiều thông tin và phương thức để liên hệ với các doanh nghiệp XKLĐ.

Ngoài ra, chính quyền cơ sở đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, qua đó góp phần ngăn chặn kịp thời các hiện tượng tiêu cực, cò mồi, thông tin sai lệch làm ảnh hưởng đến hoạt động XKLĐ. Đặc biệt, tỉnh đã cương quyết không tiếp nhận các doanh nghiệp chưa chấp hành đúng quy định về hoạt động XKLĐ của Nhà nước, làm ảnh hưởng đến niềm tin của của người lao động.

* Để đạt mục tiêu đưa từ 10.000 người đi XKLĐ trong năm 2016, tỉnh Thanh Hóa sẽ triển khai các nhóm giải pháp nào, thưa ông?

- Năm 2016, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu đưa từ 10.000 lao động trở lên đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài (7 huyện nghèo 30a phấn đấu đưa được khoảng 1.000 lao động). Để hoàn thành mục tiêu trên, chúng tôi đang tập trung triển khai nhóm các giải pháp: Tăng cường công tác chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố thực hiện đồng bộ các giải pháp đã đề ra; tích cực kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện, yêu cầu lãnh đạo cấp ủy chính quyền cấp xã, phường, thị trấn phải vào cuộc, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp tuyển dụng XKLĐ, tăng cường quản lý chặt chẽ  hoạt động XKLĐ trên địa bàn. Các huyện nghèo 30 tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tổ chức thực hiện Đề án 71 “Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh XKLĐ, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2009 - 2020” của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, ngành LĐ-TB&XH Thanh Hóa sẽ tổ chức nhiều cuộc tham vấn trực tiếp tại các xã, cung cấp thông tin tuyên truyền, vận động gia đình  có người đi XKLĐ hiểu các chính sách quy định đối với lao động đã hoàn thành hợp đồng về nước, để người dân biết vận động con em về nước đúng hạn; chú trọng đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho người lao động, giúp họ thuận lợi trong việc tìm kiếm thị trường có mức thu nhập cao như Nhật Bản, CHLB Đức; các huyện, thị xã, thành phố tập trung tuyên truyền vận động những lao động hết hạn hợp đồng, về nước đúng thời hạn, đồng thời thực hiện nghiêm túc việc xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ đối với lao động vi phạm hợp đồng; tăng cường quản lý nhà nước về lao động - việc làm ở các cấp, các ngành, nhất là ở cơ sở; thường xuyên hướng dẫn, giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện mục tiêu giải quyết việc làm XKLĐ, giải quyết kịp thời những vướng mắc, tháo gỡ những khó khăn trong quá trình thực hiện tuyển chọn và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

HOÀNG MINH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh