CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:05

Quảng Trị: Làng quê thay đổi nhờ XKLĐ

Gia đình anh Trần Quang Cần, ở thôn Phương Sơn, xã Triệu Sơn (huyện Triệu Phong, Quảng Trị) vốn thuộc diện hộ nghèo của thôn. Sau khi người cha qua đời, rồi người anh trai cũng lập gia đình ra ở riêng, trong nhà chỉ còn hai mẹ con. Nhà nghèo, ít ruộng đã thế vùng quê của anh nói riêng cũng như tỉnh Quảng Trị nói chung lại thường xuyên phải đối mặt với thiên tai, bão lũ nên cái khổ vẫn cứ đeo bám hai mẹ con anh.

Sau khi được tiếp cận những thông tin về XKLĐ cũng như tận mắt nhìn thấy nhiều người cùng quê có cuộc sống khá giả hơn khi đi làm việc ở nước ngoài về, năm 2011, anh Cần quyết định đăng ký vay vốn đi làm việc ở Hàn Quốc, với sự hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước dành cho các gia đình chính sách, hộ nghèo. Mấy năm lao động cần cù ở nơi đất khách quê người, anh Cần đã có nguồn thu nhập ổn định để gửi về quê cho mẹ anh trả khoản vốn vay khi đi XKLĐ và có tiền để tu sửa lại nhà cửa, mua sắm đồ dùng sinh hoạt trong nhà. “Nhờ đi XKLĐ mà con tôi còn lấy được vợ luôn đấy”, mẹ anh Cần hồ hởi khoe. Sau khi hết hạn hợp đồng về nước, đợt vừa rồi cả 2 vợ chồng anh Cần đã quyết định đăng ký quay lại làm việc bên Hàn Quốc. Hiện giờ, cả 2 đã làm việc ổn định và có tiền gửi về quê cho mẹ.

Mẹ và anh trai anh Trần Quang Cần trong căn nhà được trang bị đầy đủ tiện nghi nhờ nguồn tiền vợ chồng anh đi XKLĐ gửi về

Được biết, Triệu Sơn là một trong những xã nằm trong tốp đầu về XKLĐ của huyện. Toàn xã hiện còn 12 người tham gia xuất khẩu lao độngthị trường Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và Malaysia, nhưng lao động từng làm việc ở nước ngoài những năm trước hết hạn hợp đồng trở về quê thì có đến 60 – 70 người. Hầu hết những gia đình có người từng đi XKLĐ đến nay đều có cuộc sống tốt hơn so với trước khi chưa đi XKLĐ.

Một địa phương khác của huyện Triệu Phong cũng làm tốt công tác XKLĐ, góp phần làm thay đổi bộ mặt địa phương là xã Triệu An. Hiện trên địa bàn xã có 84 lao động đang tham gia XKLĐ tại các thị trường Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, trong đó số lao động mới đi năm 2015 này là 25 người. Theo ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu An cho biết, nguồn ngoại tệ từ XKLĐ gửi về địa phương tính từ đầu năm đến nay đạt 15,3 tỷ đồng, bình quân mỗi lao động gửi về hơn 15 triệu đồng/tháng. Ông Phương cho biết: “Là một xã ven biển, người dân quanh năm chỉ biết gắn bó với nghề đánh bắt thủy hải sản rất bấp bênh nên cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ có con em đi XKLĐ mà điều kiện kinh tế của nhiều hộ gia đình đã thay đổi tích cực; tỷ lệ hộ nghèo trong xã cũng giảm đi trông thấy”. Hiện tại ở xã Triệu An có những gia đình có đến 3 – 5 người đi XKLĐ ở Đài Loan và Hàn Quốc.

Nhắc đến địa phương có phong trào XKLĐ mạnh, góp phần làm thay đổi diện mạo quê hương ở Quảng Trị thì không thể không nói đến Gio Linh. Đây là huyện có số lượng người tham gia xuất khẩu lao động đông và có hiệu quả nhất tỉnh. Toàn huyện hiện có gần 800 lao động làm việc ở nước ngoài. Ước tính hàng năm lượng kiều hối do xuất khẩu lao động gửi về cho các gia đình trên địa bàn huyện khoảng 22 tỷ đồng. Nhờ có người đi xuất khẩu lao động mà nhiều gia đình đã xây dựng nhà cửa khang trang và đầu tư sản xuất thay đổi cuộc sống vươn lên thoát khỏi hộ nghèo.

Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị, trong những năm qua, công tác XKLĐ luôn luôn được các cấp, các ngành trong tỉnh Quảng Trị chú trọng quan tâm, tích cực thông tin tuyên truyền. Do đó, số lượng người lao động Quảng Trị đi làm việc ở nước ngoài không ngừng tăng trưởng qua từng năm. Theo thống kê của ngành LĐ – TB&XH tỉnh, từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh có 4.080 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Số lao động đi làm việc ở thị trường Hàn Quốc là 248 người, Nhật Bản 163 người, Đài Loan 327 người, Malaysia 117 người, thị trường khác 73 người, số còn lại làm việc ở Lào. Riêng trong năm 2015, tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 878 người đi XKLĐ.

Có thể nói, với một địa phương nhìn chung vẫn còn gặp nhiều khó khăn như Quảng Trị, nhất là các vùng nông thôn thì XKLĐ chính là một phương thức đúng đắn góp phần xóa đói giảm nghèo hiệu quả. Ở nhiều vùng nông thôn, nhờ làm tốt công tác này mà bộ mặt địa phương đã thay đổi rất tích cực, đời sống người dân ngày một khấm khá. Nhờ có người đi xuất khẩu lao động mà nhiều gia đình đã xây dựng nhà cửa khang trang và dành dụm được khoản vốn nhất định để đầu tư sản xuất thay đổi cuộc sống vươn lên thoát khỏi hộ nghèo.

Không những thế, đối với các vùng nông thôn ở Quảng Trị XKLĐ cũng là cơ hội để người lao động được đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề, đủ khả năng và các điều kiện khác tạo lập một hướng đi riêng cho bản thân sau khi trở về nước, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế địa phương đúng hướng.

THẢO VI/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh