CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:10

Nghệ An: Nhiều hoạt động “Bức tử” các dòng sông

 Bài 3: Các nhà máy xả thải giết dần hệ sinh thái

Nhà máy đường Sông Lam, xả gì ra sông.

Các nhà máy xả gì ra sông

Lần theo phản ánh của người dân, chúng tôi có mặt tại nhà máy đường Sông Lam, thuộc Công ty CP mía đường Sông Lam. Đóng trên địa bàn xã Đỉnh Sơn, H.Anh Sơn-Nghệ An. Gần trưa, phía sau nhà máy, đoạn giáp với sông Lam, Một đường ống cỡ lớn đang xả nước ầm ầm ra sông Lam. Quan sát thấy trên mặt nước nổi lên một dòng bọt trắng như bọt xà phòng, lênh láng khắp mặt sông.

Còn nước chảy ra chìm phía dưới có màu đen, thỉnh thoảng có màu đục vàng. Một người dân tên Loan, thường chăn trâu ở bãi ven sông này cho biết: “Ngày mô cũng thấy họ xả ra như rứa, có biết là nước chi mô. Nỏ thấy ai kiểm tra… Sợ nước độc trâu uống chết nên không bao giờ cho trâu uống nước ni cả”. Nhà máy đường Sông Lam nằm ngay bên QL7 phía sau sát ngay bờ sông Lam nên rất kín đáo. Việc xả thải của nhà máy này chỉ một số ít ngư dân và nông dân hoạt động trên sông và sát sông mới có thể thấy. Chúng tôi len lỏi mãi trong các bụi rậm mới tiếp cận được cống xả thải. Tại đây xuất hiện một mùi hôi, hắc rất khó chịu: “Trước đây họ hay xả vào những ngày mưa to. Còn bây giừ thấy hầu như ngày mô cũng xả. Nhiều bữa xả nước đen ngòm, mùi thối hoắc”- ngư dân tên Quang cho hay. Lý giải về việc xả thải này, ông Lê Viết Quý, Giám đốc sản xuất nhà máy đường Sông Lam, khẳng định: “Dân họ không hiểu nên phản ánh thế thôi. Làm gì có chuyện đó. Hằng năm chúng tôi vẫn thuê làm quan trắc hai lần. Cơ quan chức năng đến kiểm tra đều đánh giá là đủ tiêu chuẩn xả thải. Các giấy tờ đầy đủ cả mà”. Nhưng khi chúng tôi, mở cho ông Quý xem đoạn video chúng tôi vừa quay thì ông Quý, phân trần: “À đây không phải là nước thải sản xuất đâu. Đây là nước anh em vệ sinh máy móc tràn ra thôi”(!?).

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Sáng, Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn, rất ngạc nhiên: “Tôi chưa bao giờ nghe báo cáo hay phản ánh chuyện này. Tôi sẽ cho anh em kiểm tra ngay và sẽ có biện pháp xử lí”. Tiếp tục ngược theo QL7, chúng tôi có mặt tại nhà máy chế biến gỗ, thuộc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Con Cuông. Nhà máy gỗ này đóng trân địa bàn xã Bồng Khê, H.Con Cuông. Theo người dân phản ánh, nước thải từ nhà máy này xả ra khe Diêm (Một khe nước chảy ra hợp lưu với sông Lam), không qua một công đoạn xử lí nào: “Ống nước xả của họ được chôn xuống giữa lòng khe Diêm, đứng trên bờ không thấy được mô. Bữa nay họ xả có lẽ hết cá rồi, chứ mấy ngày trước họ xả ra cá chết trắng mà”, ông trung một người dân Bồng Khê ngao ngán. Theo Quan sát của chúng tôi, hai bên bờ khe Diêm, cỏ cây thực vật chết rũ, không có sức sống. Nước giữa lòng khe đục ngầu, đáy khe có màu đen kịt. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Lam, Giám đốc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Con Cuông, cho biết: “Xí nghiệp này được thành lập từ năm 2000, Công suất thì 1000 tấn/năm, xả thải là 28m3/ngày, đêm. Hồ sơ thì đầy đủ, nhưng mà làm ăn phập phù lắm, không hiệu quả. Lúc có nguyên liệu, lúc không nên việc xả thải nó cũng có nhiều cái bất cập”. Ông Vi Văn Sơn, Chủ tịch UBND huyện Con Cuông, ngạc nhiên: “Thế à, tưởng lâu nay họ không làm nữa, lâu nay có thấy làm đâu. Tôi sẽ cho anh em kiểm tra xử lí”.

Nước thải ra từ nhà máy đường Sông Lam, có bọt trắng nổi trên 

Không chỉ có nhà máy đường Sông Lam và nhà máy gỗ Con Cuông mà theo người dân phản ánh hàng loạt các nhà máy như nhà máy mía đường Sông Con(H. Tân Kỳ), nhà máy cao su cà phê (Thị xã Thái Hòa và H.Nghĩa Đàn), Các nhà máy tinh bột sắn ở xã Nghĩa Đức, Nghĩa An, Nghĩa Khánh (H.Nghĩa Đàn), đều có tình trạng xả thải như trên. Đặc biệt các xưởng cưa xẻ đá của các hộ gia đình và nhiều doanh nghiệp ở xã Đồng hợp, Tam Hợp, Thọ Hợp, H. Quỳ Hợp đã xả trực tiếp nước từ các xưởng cưa không qua xử lí ra sông Hiếu và sông Nậm Tôn (một hợp lưu của sông Hiếu).

Cần có quy hoạch và xử lí

Nước từ xưởng chế biến đá thuộc khu chế biến đá tập trung ở Xã Đồng Hợp, H.Quỳ Hợp, xả thẳng ra sông Hiếu mà chưa qua bất kỳ một công đoạn xử lí nào.

Vụ việc vỡ đập chứa bùn thải tại xí nghiệp khai thiếc Suối Bắc, thuộc Công ty CP Kim Loại Màu Nghệ Tĩnh, đã gây ra nhiều hệ lụy về môi trường. Nước nhiễm hóa chất tràn ra ruộng, ao của dân khiến lúa hoa màu và cá bị chết hàng loạt. Sau đó tràn ra sông Dinh (Hợp lưu của sông Hiếu). Việc nước nhiễm hóa chất tràn ra sông Dinh, nơi nguồn nước vào của nhà máy nước sạch quỳ Hợp. Hơn 2400 hộ dân vô cùng lo lắng vì sợ nước nhiễm Asen. Ông Vinh, một người dân thị trấn Quỳ Hợp, lo lắng: “Ai mà dám dùng nước ni nữa chú. Tỉnh có về kiểm tra và nói nước đã đạt yên cầu nhưng tui nghĩ khó lắm. Vì hóa chất chìm dưới đáy có chảy đi được mô. Giừ chỉ có dời đường ống lấy nước sang nơi khác thì mới dám dùng chú ạ”. Không chỉ ông Vinh mà nhiều hộ dân khác cùng chung tâm trạng như vậy. Ngoài việc này ra thì tại huyện quỳ Hợp hiện có 6 cụm công nghiệp và 4 khu chế biến đá tập trung. Được quy hoạch là vậy tuy nhiên hệ thống xử lí nước thải và rác thải rắn lại không được đầu tư đúng mức. Chính vì thế tất cả hầu như nước thải khi ra môi trường đều chưa đạt yêu cầu. Tại xã Đồng Hợp, H.Quỳ Hợp, có 3 khu chế biến đã tập trung. Đây cũng là điểm được UBND tỉnh Nghệ An, phê duyệt quy hoạch (Có hỗ trợ đường, điện, nước và môi trường). Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại việc đầu tư cho quy hoạch này không được thực hiện vì thiếu tiền. Tất cả nguồn nước thải của các khu chế biến đá tập trung này đều xả thẳng ra sông Hiếu mà không qua bất kỳ một khâu xử lí nào. Ông Vi Thanh Tường, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp, cho biết: “Vì chưa có tiền xây dựng theo quy hoạch, nên huyện yêu cầu doanh nghiệp nào tự xử lí doanh nghiệp đó. Nếu để nước ra ngoài bờ rào, sẽ bị phạt ngay. Chúng tôi đã phát hiện và xử lí nhiều rồi. Cảm ơn nhà báo, ngày mai tôi sẽ cho anh em lên kiểm tra ngay, nếu có như thế sẽ tiến hành xử lí ngay”.

Việc xả thải gần như ngang nhiên mà chính quyền bất lực

Không chỉ riêng huyện Quỳ Hợp, mà trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Cần phải có quy hoạch cho các khu công nghiệp nhỏ như khu công nghiệp nhỏ Diễn Hồng, H.Diễn Châu. Các làng nghề bún bánh, dưa cà ở Nam Đàn, các khu tập trung chế biến bột cá ở Diễn Châu, Nghi Lộc…Để có khu xử lí nước thải thải tập trung như thế mới hạn chế được việc ô nhiễm môi trường các dòng sông và hệ sinh thái. Việc những công ty, đơn vị xả thải chưa qua xử lí hoặc xử lí chưa đạt yên cầu mà xả thải, cần phải có biện pháp mạnh tay hơn. Nếu cần thiết thì phải đình chỉ hoạt động ngay. Như thế mới có thể có sức răn đe.

HOÀNG TÙNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh