CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:15

Nghệ An: Sông Lam đang bị ..."bức tử"

 

Bài 2: “Cát tặc” làm lệch dòng chảy 

“Cát tặc” lộng hành trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An đã làm lệch dòng chảy của dòng Lam và các dòng hợp lưu. Không chỉ gây ra hiện tượng sạt lở bờ sông, mất đất sản xuất, nhiều vụ đuối nước thương tâm do các vực xoáy, ô nhiễm môi trường nguồn nước. Mà “cát tặc” đang gây ra rất nhiều hệ lụy “bức tử” dòng Lam. 

 

Hàng chục địa phương có cát tặc ngang nhiên hút cát nhưng cơ quan chức năng chưa xử lí được

Dân bất bình, chính quyền bất lực

Vụ việc mới đây nhất thể hiện rõ sự bất lực của chính quyền về vấn đề cát tặc đó là vào cuối tháng 3 vừa qua. Hàng trăm người dân xã Nghĩa Thịnh, H. Nghĩa Đàn- Nghệ An, tay không kéo nhau ra bờ sông Hiếu, lập chốt để phản đối “cát tặc” làm lở đất sản xuất. Nếu tính chiều dài dòng Lam từ cầu Bến Thủy (TP Vinh) lên đến các nhánh chính của con sông này như sông Hiếu, sông Nậm Mộ, Nậm Nơn, sông Giăng, sông Con…thì khó có thể liệt kê hết được các điểm khai thác cát trái phép. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ có thể điểm qua những “điểm nóng” nhất về khai thác cát trái phép đang trở nên nhức nhối lâu nay.

Theo phản ánh của người dân cũng như qua điều tra thực tế của PV thì sông Lam, đoạn chảy qua huyện Thanh Chương được xem là nơi “cát tặc” hoạt động mạnh nhất. Tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn huyện này diễn ra ồ ạt và công khai đến mức ông trưởng phòng TN&MT huyện Thanh Chương Trình Văn Bằng có thể đọc vanh vách cho PV tới tận 25 xã có hiện tượng trên. Công khai và ngang nhiên là những hình ảnh thường thấy ở “cát tặc” tại địa phương này. Điển hình và nhức nhối nhất là đoạn eo Rú Nguộc, thuộc xóm 4, xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương. Đây là khu vực có 2 bến cát chưa được cấp phép, bao gồm bến của ông Nguyễn Cảnh Hào và bà Lê Thị Trúc.Đây là những bến cát đã hoạt động nhiều năm nhưng chưa hề được cơ quan chức năng cấp phép theo quy định. Các bến này vẫn thường xuyên đưa tàu hút cát ngay trên sông tại khu vực gần bến bãi nhưng các cơ quan chức năng chưa xử lý được dứt điểm. Trong khoảng hơn 1 tuần điều tra, theo dõi tại khu vực này, hầu như ngày nào cũng có ít nhất 4 đến 6 tàu cát đua nhau khai thác rầm rộ cả ngày lẫn đêm đưa về bến tập kết như chốn không người. “Anh em cũng làm cát nhiều năm ni rồi. Giấy tờ, thủ tục thì đang làm nhưng chưa được việc khai thác vẫn cứ khai thác vì anh em không có công ăn việc làm chi. Vừa rồi xã mới phạt 05 triệu; mới đây huyện lại lập biên bản tiếp nhưng chưa có tiền để nộp phạt. Mãi không được cấp phép nên coi như khai thác trộm bị phạt suốt, giừ chán lắm rồi…” – ông Nguyễn Cảnh Hào, chủ bến cát tỏ ra chán nản.

Ông Nguyễn Văn Công, ngụ thị trấn Dùng, huyện Thanh Chương, cho hay: “Ngày mô đi qua eo Rú Nguộc ni nỏ thấy nhiều tàu cát khai thác cát ầm ầm ngoài sông. Có bữa phải đến 10 cái tàu hoạt động như đại công trường khai thác cát chơ. Việc hút cát trái phép tại đây gần với đường QL46 cũng có nguy cơ ảnh hưởng đến đường nếu không có biện pháp ngăn chặn “cát tặc” kịp thời. Chúng tôi phản ánh tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn đã quá nhiều nhưng không ai xử lý nổi nên gần như cũng đã chán nản rồi”. Xuôi xuống phía dưới là các xã Thanh Long, Võ Liệt, Xuân Tường, Thanh Giang, Thanh Hà “cát tặc” cũng đang ngang nhiên lộng hành nhiều nơi. Cụ thể như đoạn cách cầu Rộ chừng 100m luôn thường xuyên có 2 đến 4 tàu thuyền hoạt động khai thác cát trái phép rồi bơm lên cho 2 bến cát ở hai bên sông sát đó. Có điều lạ là dù ngay sát cầu, sát đường QL46 hàng ngày có hàng nghìn lượt người đi qua, trong đó có cả những nhà chức trách nhưng “cát tặc” vẫn thản nhiên “rút ruột” sông Lam mà không thấy ai nhòm ngó? Ở phía Thanh Hà giáp ranh với Thanh Giang cũng thường xuyên có vài tàu khai thác ngang nhiên đưa lên 2 bến cát gần đó tiêu thụ… 

Tàu hút của “cát tặc”, ngang nhiên khai thác ngay cạnh QL46 và QL7, trước sự bất lực của cơ quan chức năng.

Sông lở loét vì cát tặc

Hầu hết các dòng sông hiện nay đều đang “oằn mình” vì “cát tặc”. Ngoài con sông chính là sông Lam thì các nhánh hợp lưu như sông Hiếu, sông Nậm Mộ, Nậm Nơn…tất cả đều nở rộ hiện tượng khai thác cát trái phép trong thời gian qua.Tại xã Cẩm Sơn (huyện Anh Sơn) từ lâu nay cũng có nhiều đối tượng mua tàu hút tiến hành hút cát trái phép ngay cách QL7 không xa. Thậm chí, họ còn tiến hành xây kè bến bãi kiên cố để cho xe cộ vào ra bến lấy cát một cách ngang nhiên rầm rộ, công khai nhưng chính quyền địa phương lại không hề hay biết. Điều tương tự cũng đang xảy ra tại một số xã khác như xã Đỉnh Sơn, Long Sơn, Khai Sơn…dòng sông cũng ngày đêm đang bị “cát tặc” xâm hại. Nước sông vì thế luôn có màu đục ngầu, dòng chảy bị xói lở nham nhở. Cũng trên sông Lam đoạn qua xã Xá Lượng, H.Tương Dương, công ty TNHH trường Vinh, được nhà máy thủy điện Khe Bố, ủy quyền khai thác tận thu 7000m3 cát trong lòng hồ để phục vụ các công trình trong dự án. Tuy nhiên công ty này lợi dụng việc này đã khai thác nhiều nơi khác nhau mang bán cho các công trình bên ngoài. Trong vai người mua cát, chúng tôi được bà Trung là chủ bên cát của công ty Trường Vinh giới thiệu và gợi ý muốn mua bao nhiêu cũng có và mua bao lâu cũng có. lãnh đạo huyện Tương Dương thì bao biện là do nhu cầu cát nên họ bán trộm huyện không kiểm tra được thường xuyên(?)Tại sông Nậm Mộ (đoạn qua xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn), nơi có lòng hồ thủy điện Nậm Mô cũng không yên với “cát tặc” khi trong thời gian qua địa phương này đã cố tình “làm ngơ” để cho một đơn vị HTX trên địa bàn ngang nhiên rút ruột lòng sông hàng nghìn mét khối cát. Xuôi xuống phía hạ nguồn là hình ảnh những tàu bè và máy hút Đông Phong cũng đang ngang nhiên hút cát lên nhiều xe tải đang chờ sẵn. Dòng sông “oằn mình” vì nước cạn, nay lại thêm khai thác cát khiến cho “vết thương” của những con sông tội nghiệp càng thêm lở loét, quằn quại đến đáng thương.

Ngược sang đường QL48, nơi có dòng sông Hiếu (khi chảy qua huyện Tân Kỳ gọi là sông Con, sau đó hợp vào sông Lam tại xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn, là hợp lưu lớn nhất của sông Lam) cũng đang ngày đêm phải “rên siết” bởi những tên “cát tặc” vô cảm. Người dân huyện Nghĩa Đàn và dư luận cả nước ắt hẳn chưa quên cảnh hàng trăm người dân xóm 5, xã Nghĩa Thịnh nồi niêu, chăn màn ra mắc võng, dừng lều bạt ở bờ sông hàng chục ngày trời để phản đối khai thác cát hồi đầu tháng 4/2017 này. Người dân nơi đây cho rằng, họ phải chịu cảnh mất đất sản xuất do sạt lở, đường sá hỏng và đặc biệt là môi trường nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, quanh năm vẩn đục. Sự việc kéo dài và căng thẳng đến mức một số người dân thề thốt sẽ đưa cả tính mạng của mình ra để bảo vệ dòng sông, bảo vệ đất sản xuất…Cách đó không xa, cũng trên dòng sông Hiếu, tại khu vực giáp ranh giữa hai phường Quang Tiến và Quang Phong (thị xã Thái Hòa), tình trạng “cát tặc” dùng nhiều tàu hút lợi dụng địa điểm cách xa đường sá nên ngày đêm tiến hành hút cát, sỏi trái phép trong sự thờ ơ của chính quyền nơi đây. Người dân sống hai bên bờ sông và các hộ dân khác có đất sản xuất nông nghiệp cứ thế bất lực nhìn tài nguyên bị “đục khoét”, hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn m2 đất nông nghiệp hàng năm cứ thế bị “hà bá” nuốt chửng trong sự tiếc nuối, tức giận của người nông dân.Khi nói đến khai thác cát trái phép trên sông Hiếu thì không thể không nhắc tới đoạn chảy qua xã Đồng Hợp (huyện Quỳ Hợp). Đã từ vài năm nay, tại xóm Bãi Kè và xóm Đồng Cạn của xã này luôn là địa điểm hoạt động khai thác cát trái phép náo nhiệt nhất. Xe cộ nườm nượp vào ra chở cát trên bờ; dưới sông là hàng chục thuyền nốc, máy Dong Phong thình thịch inh ỏi suốt ngày đêm. Nước sông ì ạch len lỏi theo từng cồn cát chảy xuôi, những hầm hố, vũng lầy hình thành như chằng chịt vết thương ngàn năm cũng khó có thể hàn gắn, lành lặn được như cũ.Khi trao đổi với PV về hiện tượng “cát tặc” trên địa bàn, ông Hoàng Xuân Cường – Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thịnh, thừa nhận: “Tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn là có thật. Việc khai thác cát trái phép không chỉ thất thoát tài nguyên, thất thu thuế mà còn gây sạt lở ò sông, mất đất canh tác và đặc biệt là gây ô nhiễm môi trường và thay đổi dòng chảy dòng sông. Chúng tôi cũng thường xuyên lập đoàn kiểm tra, xử lý nhưng chưa thể triệt để được”.Trước tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra rầm rộ ở địa phương mình quản lý, ông Trình Văn Bằng – Trưởng Phòng TN&MT huyện Thanh Chương đã không cần dùng đến sổ sách cũng có thể nhớ và đọc vanh vách 25 xã thường có “cát tặc” lộng hành cho PV. “Thú thật là trên địa bàn huyện có 4 điểm mỏ của 3 đơn vị được cấp giấy phép khai thác nhưng do chưa hoàn thành các thủ tục cần thiết theo quy định nên chưa thể tiến hành khai thác được. Nói thế có nghĩa là cứ có khai thác trên địa bàn huyện Thanh Chương là trái phép. Chúng tôi cũng đã xử lý nhiều lắm rồi nhưng chưa thể triệt để” – ông Bằng thở dài. 

(Còn nữa...)

HOÀNG TÙNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh