CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 10:32

Nghệ An: Nhiều hoạt động “Bức tử” các dòng sông

Dòng sông đã bồi đắp nên nhiều làng mạc trù phú, có lẽ vì thế mà từ bao đời nay hai chữ “Sông Lam” đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân xứ Nghệ như một phần máu thịt của mình. Tiếc thay, mấy năm gần đây dòng sông đang chết dần chết mòn bởi chính sự thờ ơ, vô cảm và sự tàn nhẫn của con người. 

 Thủy điện mọc lên như nấm

Thủy điện Chi Khê (H.Con Cuông) đang xây dựng nhưng đã ảnh hưởng không nhỏ đến hệ sinh thái.

Chỉ mấy năm trở lại đây, dự án thủy điện ở thượng nguồn dòng Lam mọc lên như nấm sau mưa. Việc quy hoạch xây dựng quá nhiều dự án thủy điện đang trở thành một gánh nặng không nhỏ cho môi trường về lâu về dài.

Báo cáo từ Phòng Quản lý Năng lượng - Sở Công thương Nghệ An, trên địa bàn tỉnh này hiện có 33 dự án thủy điện với tổng công suất 1.414 MW đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Nhiều dự án đã hoạt động phát điện, nhiều dự án đang xây dựng và nhiều dự án đang khảo sát xin cấp phép đầu tư. Không thể phủ nhận các dự án thủy điện này đã góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và tăng thu ngân sách cho tỉnh nhà, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động trên địa bàn. Tuy nhiên, việc ồ ạt xây dựng các dự án thủy điện cũng như công tác quản lý, quy hoạch đã để lại những hệ lụy, đe dọa trực tiếp đến đời sống của người dân và môi trường sinh thái.

Được biết, trước đây, theo quy hoạch được Chính phủ, Bộ Công thương và UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt, Nghệ An có 54 dự án thủy điện với tổng công suất 1.659,2 MW, trong đó có 8 dự án quy hoạch tiềm năng và 1 dự án thủy điện Bản Cánh được xây dựng từ trước khi tiến hành quy hoạch. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, UBND tỉnh Nghệ An và Bộ Công thương đã đưa ra khỏi quy hoạch 22 dự án thủy điện với các lý do chưa phù hợp, chưa hiệu quả; không có tính khả thi; triển khai chậm; gây ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái.

Trong số 33 dự án thủy điện tại địa phương hiện nay có 24 dự án thủy điện đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng mức đầu tư gần 25.000 tỉ đồng và đã được triển khai xây dựng.

Hiện nay, 24 dự án này đã và đang tiến hành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (hiện có 02 dự án đang tạm dừng triển khai là dự án Thủy điện Ca Lôi ở Kỳ Sơn và Thủy điện Xốp Cốc ở Tương Dương). Để phục vụ các dự án này việc di dân tái định cư với diện tích đất thu hồi thực hiện các dự án là 8.310,4 ha (trong đó, đặc biệt phải kể đến là đất rừng, lâm nghiệp chiếm tới 5.687 ha; đất sản xuất 1.733,3 ha, còn lại đất khác).

Hiện nay, toàn tỉnh Nghệ An có 11 hồ đập thủy điện được cấp phép với dung tích gần 2,57 tỉ m3, lượng nước trong hồ thường đạt khoảng 60%. Mặc dù các hồ đập đều có quy trình vận hành hồ chứa cụ thể, tuy nhiên các nhà máy thủy điện mới chỉ quan tâm đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Huyện miền núi Quế Phong có 11 dự án (07 dự án đang xây dựng), Kỳ Sơn có 8 dự án, Tương Dương có 6 dự án, Con Cuông và Quỳ Châu mỗi huyện 02 dự án. Đặc biệt, trên 1km dòng sông Nậm Mộ, đoạn qua xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn (một nhánh lớn của sông Lam) có đến 3 dự án đã đi vào hoạt động và 1 dự án chủ đầu tư đang khảo sát xin cấp phép đầu tư. Đó là các nhà máy thủy điện Nậm Cắn, thủy điện Nậm Mô và thủy điện Bản Cánh với tổng công suất 38Mw.

Sông Lam vùng hạ du thủy điện Chi Khê đang cạn dần vì thủy điện.

Sông chết khát

Việc một con sông có lưu lượng dòng chảy trung bình như sông Nậm Mộ nhưng “gánh” hàng loạt dự án thủy điện như trên khiến cho con sông lúc nào cũng ở trong tình trạng “đói” nước. Đứng trên cao nhìn những cồn cát, đá sỏi chiếm lĩnh toàn dòng sông trước đây xanh biếc khiến cho ai từng chứng kiến cảnh này cảm thấy xót xa, tiếc nuối.

“Trước đây sông chảy hiền hòa lắm, nước xanh biếc tề, từ khi có thủy điện thì sông coi như “chết” rồi. Nước thì bị các nhà máy thủy điện chắn hết. tôm cá có sống được mô. Muốn bắt con cá, con cua ăn cũng nỏ có. …”, ông Kha Một người dân ở Bản Cánh, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, xót xa.

Dọc tuyến sông Lam, đoạn thượng nguồn bắt đầu từ các con suối bị chặn bởi chi chít thủy điện lớn nhỏ. Cụ thể, đoạn qua địa phận huyện Tương Dương có 3 nhà máy thủy điện, bao gồm: Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ, công suất 320MW; Nhà máy Thủy điện Khe Bố, công suất 100MW; Nhà máy Thủy điện Yên Thắng, nằm trên nhánh sông Hội Nguyên, công suất 11MW.

Khi Nhà máy thủy điện Bản Vẽ mọc lên, gần 3.000 hộ dân phải di dời, mất gần 5.500 ha diện tích đất, nhấn chìm địa bàn 6 xã dưới lòng hồ thủy điện. Trong số diện tích bị thủy điện nói trên “nuốt”, phần nhiều là đất rừng và lâm nghiệp, điều này cũng đồng nghĩa với thảm thực vật giữ nước cho hạ nguồn đã không còn tồn tại.

Được biết, trong một lần tiếp xúc cử tri tại huyện miền núi Con Cuông, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An phải thốt lên rằng: Có nơi chỉ 1km đường sông thôi nhưng có đến 2 dự án thủy điện. Thủy điện là hướng đi đúng, nhưng quá nhiều sẽ gây ra nhiều hệ lụy như mất đất, mất rừng, lũ ống, lũ quét và tái định cư cho người dân”.

Quá trình xây dựng, vận hành các công trình thủy điện trên địa bàn đã gây ra nhiều khó khăn trong sinh hoạt, sản xuất của người dân, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, gia tăng tác hại của hạn hán, lũ lụt. Bởi xây dựng nhà máy thủy điện đi cùng với việc xây dựng các hồ đập để tích nước, dẫn đến mất rừng, mất đất sản xuất; phù sa bị giữ lại lòng hồ tạo nên “dòng nước trong” đổ về hạ lưu, là tác nhân gây ra xói lở lòng sông, bờ sông. Vào mùa khô, thuỷ điện tích nước dẫn đến lưu lượng nước ở các sông, suối thấp, người dân vùng hạ lưu thiếu nước sinh hoạt, sản xuất; ngược lại, mùa mưa thì xả lũ gây ra tình trạng ngập lụt, sạt lở. Vì vậy, để đảm bảo dòng chảy cơ bản của dòng sông, các nhà máy cần phải có quy trình vận hành khoa học.

Sông Giăng (một hợp lưu của sông Lam) giờ chỉ còn là một lạch nước nhỏ.

Rõ ràng, những hiệu quả đem lại từ các dự án thủy điện là không thể phủ nhận, tuy nhiên, hệ lụy từ những dự án này đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sinh thái và cuộc sống của hàng nghìn hộ dân.

Các cấp, ngành cần khảo sát, đánh giá toàn diện các dự án thuỷ điện trên địa bàn, trên cơ sở đó kịp thời đưa ra khỏi quy hoạch, rút giấy phép đầu tư các dự án không khả thi, hiệu quả thấp, triển khai chậm tiến độ hoặc chưa triển khai, ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái. Có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác quy hoạch, quản lý các dự án thủy điện; đôn đốc chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc các quy định trong xây dựng, quản lý, vận hành công trình thủy điện cũng như xây dựng các điểm tái định cư. Có như thế, những công trình thủy điện trên địa bàn mới thực sự phát huy được hiệu quả trong phát triển kinh tế, hạn chế thấp nhất những hậu quả có thể xảy đến, đảm bảo cuộc sống ổn định cho người dân.

Bài 2: “Cát tặc” làm lệch dòng chảy

 

HOÀNG TÙNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh