THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:10

Ngày xuân nhớ tác giả bài thơ “Ông đồ”

 

Và đến khi thày vào dạy ở khoa Văn trường Đại học Tổng hợp, chương Nguyễn Đình Chiểu thì tràng vỗ tay của chúng tôi đã thay cho lời giới thiệu của Khoa và lời tự giới thiệu của thày. Và chúng tôi cứ đắm vào trong lời giảng của thày về Nguyễn Đình Chiểu, về Lục Vân Tiên đến mức chúng tôi cảm thấy như thầy đã hóa thân vào hai con người ấy, tác giả và nhân vật (sau này tôi mới ngộ ra rằng hai con người ấy chính là hiện thân của lý tưởng và nhân cách của thày).

Tốt nghiệp đại học, đi dạy THPT, tôi lại giảng Nguyễn Đình Chiểu, Lục Vân Tiên và hình ảnh thày Vũ Đình Liên lại hiện lên trong đầu. Tuy nhiên phải đến những năm 90 của thế kỷ XX, khi văn học lãng mạn 1930 - 1945 được đưa trở lại chương trình, tôi mới được giảng “Ông đồ”. Và tôi không ngờ học sinh lứa tuổi 7X, 8X lại say sưa nghe giảng bài thơ đến thế. Lúc đó còn chưa có các ông đồ cũ hoặc mới viết chữ Hán ngày tết trên vỉa hè Trần Hưng Đạo hay trong Văn Miếu như sau này, tôi phải tìm một bức ảnh chụp một cụ già khăn xếp, áo the đang ngồi viết chữ cho một thiếu nữ tân thời để cho học sinh xem.

 

Nhà thơ Vũ Đình Liên (giữa) cùng họa sĩ Bùi Văn Phái (phải) và Trần Văn Lưu (trái).   Ảnh: TL 

Mấy năm sau, các học sinh của tôi kéo nhau ra chợ tết xin chữ. Chữ các em xin không phải là “phúc, lộc, thọ” mà là chữ “Tiến”, chữ “Đạt”. Đáng lẽ các em phải xin chữ Nhân trước mới đúng. Vì “Tiến” hay “Đạt” thực ra cũng phải trên cơ sở chữ Nhân, vì phải lấy Nhân làm gốc. Những điều này có một phần lỗi của tôi vì khi   giảng “Ông đồ”, tôi thường nhấn mạnh vào nỗi hoài niệm nền văn hóa dân tộc hơn là lòng thương xót một kiếp người đang tàn tạ, đang bị thời thế bỏ lại... Điều mà Hoài Thanh trong “Thi nhân Việt Nam” đã sáng suốt nhận định: “... hai nguồn thi cảm chính của Vũ Đình Liên là lòng thương người và tính hoài cổ. Người thương những kiếp thân tàn ma dại, người nhớ những cảnh cũ, người xưa. Có một lần hai nguồn cảm hứng ấy đã gặp nhau và để lại cho chúng ta một kiệt tác: Ông đồ”.

Thiếu sót này tôi đã sửa, khi Đài Truyền hình Việt Nam trong ngày 20/11 đã mời tôi mở đầu chương trình thơ Nhà giáo bằng việc yêu cầu tôi bình giảng bài thơ “Ông đồ” của Vũ Đình Liên. Lúc này tôi đã hiểu bài thơ hơn, hiểu nhà thơ hơn. Tôi đã được nghe kể nhiều giai thoại về thày, về thơ thày, đặc biệt về bài thơ về người đàn bà điên gặp ở ga Lưu Xá của thày. Một người đàn bà xa lạ, rách rưới, điên dại đã làm thày xúc động lòng xót thương một con người, nỗi xúc động đã thành ba bài thơ. Bài thứ nhất khi lần đầu tiên gặp, bài thứ hai khi tình cờ gặp lại và bài thứ ba gặp ở nhà thày, khi người ấy đã trở nên sang trọng, tìm đến cảm ơn nhà thơ. Tôi mới hiểu nhà thơ, nhà giáo Vũ Đình Liên không những xót thương mà còn hy vọng và tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Ra trường gần ba chục năm, tôi đã không tìm gặp thày, chỉ đến khi giảng về Vũ Trọng Phụng, tôi mới nhớ đến thày. Tôi biết thày và nhà văn Vũ Trọng Phụng xưa là bạn tâm giao. Tôi đến gặp con gái nhà văn Vũ Trọng Phụng, ngỏ ý muốn đưa học sinh đến thăm mộ Vũ Trọng Phụng và kính nhờ nhà thơ Vũ Đình Liên nói chuyện với các em. Nhà thơ quá thân với gia đình mà lại rất quý mến học trò, nên chị bảo tôi cứ đưa các em tới. Đúng ngày giờ, giáo sư, nhà thơ đã có mặt và tôi - đứa học trò bất nghĩa đã được gặp lại thày, được xưng danh và tạ lỗi với thày, nhưng thày cười bao dung và hỏi ngay tình hình học tập của các em. Thày lúc này đã gần 80 tuổi, nhưng tiếng nói vẫn rành rõ, ấm áp. Tôi hiểu sức hấp dẫn của lời thày là ở sự chân thành của tình cảm và sự chân thực của ký ức... Đặc biệt một điều thày làm cho các em thấy rõ là Vũ Trọng Phụng viết về những cái xấu, cái đồi bại nhưng ông có một cuộc đời trong sạch, một nhân cách đúng đắn, ông - người con hiếu thảo, người chồng thủy chung, người cha rất thương con. Những điều ông viết ra là xuất phát từ lòng căm ghét, khinh bỉ đối với cái xã hội thực dân phong kiến, tư sản, địa chủ, độc ác, thối nát, để đưa ma nó và cách mạng tháng Tám mấy năm sau đã vĩnh viễn chôn vùi nó.

Nghe giảng xong, gia đình và thày Vũ Đình Liên cùng thày trò chúng tôi ra mặc niệm trước mộ nhà văn Vũ Trọng Phụng.

Tại đây, chúng tôi có ghi lại vài bức hình lưu niệm. Mấy năm sau khi con gái nhà văn Vũ Trọng Phụng, rồi thày Vũ Đình Liên mất, tôi mới đến nhà lưu niệm Vũ Trọng Phụng do con rể nhà văn trông coi tặng mấy bức hình, hiện vẫn còn trưng bày cùng nhiều hình ảnh, hiện vật khác. 

Xin chữ đầu xuân - nét văn hóa của người Việt. Ảnh: TL 

Một điều tôi vẫn còn ân hận là do tiếp cận với tài liệu chậm nên tôi đã không giảng được cho học sinh vì sao giáo sư, nhà thơ Vũ Đình Liên lại thích Baudelaire. Cuốn Thơ Baudelaire do thày Vũ Đình Liên dịch, năm 1995 mới xuất bản trước khi thày qua đời một năm. Trước đó, tôi cũng đã đọc thơ Baudelaire nhưng không hiểu lắm, đến khi đọc lời thơ dịch của thày mới hiểu hơn, nhưng thày đã qua đời và bài thơ “Ông đồ” cũng không còn giảng chính ở chương trình nữa và cho đến nay tôi vẫn suy ngẫm vì sao một người nho nhã, nề nếp như Vũ Đình Liên lại mê thơ Baudelaire, và tôi đã tự giải đáp như sau:

- Thứ nhất phải bỏ thành kiến với Baudelaire, nhất là thơ của ông.

- Thứ hai thơ Baudelaire căn bản là thơ lãng mạn, về sau thơ ông có ngả sang tượng trưng nhưng vẫn gần với lãng mạn hơn Rimbaud,   Mallarmé. Vũ Đình Liên cũng là một nhà thơ lãng mạn, vì thế ông dễ cảm hiểu và đồng điệu với Baudelaire. Vũ Đình Liên, trong thâm tâm cũng quan tâm đến những vấn đề muôn thuở của con người như cõi hư vô, cái chết, tình yêu cuộc sống, nỗi buồn.

- Nhưng cái cơ bản  nhất  đã khiến Vũ Đình Liên yêu Baudelaire và ảnh hưởng những yếu tố của thi pháp Baudelaire đối với ông, đó là sự kết hợp giữa lý trí sáng suốt với cảm xúc dạt dào, đặng đưa thơ đến độ cao của sự thuần khiết. Mặt khác Vũ Đình Liên cũng như Baudelaire vừa băn khoăn về cái siêu thời gian, mộng tưởng, vừa khẳng định ý nghĩa của tính hiện đại của cuộc sống, thể hiện ở cái đã thoảng qua và đang hiển hiện và cả những nghịch lý như sự tồn tại cùng một nơi, một lúc giữa cái xấu và cái đẹp... (giữa hình hài xấu xí của người đàn bà điên và vẻ đẹp của chị ta, và vẻ đẹp của tình thương con người của chính tác giả). Tôi không dám nói gì thêm vì sự thất lễ với thày do sự cạn hẹp của mình mà nay thày Vũ Đình Liên mất rồi, không còn xin chỉ giáo được nữa, chỉ xin mạo muội đôi lời để tỏ lòng tôn kính, biết ơn của con và các thế hệ học sinh và nguyện suốt đời học tập gương lao động miệt mài và đạo đức nhân nghĩa cao cả của thầy.

ĐẶNG HIỂN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh