Món quà hạnh phúc ngày xuân
- Văn hóa - Giải trí
- 06:24 - 20/02/2015
Trên báo Tuổi Trẻ năm vừa qua có bài viết “Vinh quang trong im lặng”, nói về VĐV khiếm thị Nguyễn Ngọc Hiệp, người mang về tấm HCV đầu tiên cho đoàn Việt Nam trong cuộc thi khu vực tại Myanmar. Hiệp còn rất trẻ, mới 20 tuổi và là một hy vọng cho tương lai. Hiệp chưa lấy Vợ, nghĩa là chưa có hạnh phúc riêng tư. Nhưng năm 2014 Hiệp đã mang lại hạnh phúc cho gia đình mình, trước hết là cho các đấng sinh thành. Đến thăm gia đình Hiệp ở Cẩm Thủy, Thanh Hóa sẽ cảm thấy rõ điều đó.
Hạnh phúc của những cặp đôi khuyết tật
Ông Nguyễn Văn Hùng, bố Hiệp kể: “Đời tôi đã khóc vì cháu hai lần. Lần thứ nhất khi cháu học lớp 6 bị bong võng mạc và mù hẳn. Sau nhiều năm chữa trị cho cháu ở mọi nơi, khi cái tin cuối cùng ấy giáng xuống, tôi như không chịu nổi…”. Ngừng một lát để nuốt nước mắt xuống, ông kể tiếp: “Hiệp ngoan lắm. Cháu luôn nghĩ đến mọi người... Lúc biết bệnh mình không thể cứu được nữa, cháu nói với chúng tôi: "Thôi, bố mẹ gắng sinh một em bé nữa đi, để nó sẽ thay con nối dõi tông đường. Con thế này là hỏng rồi". Đến đây thì người bố nức lên: “Thật ra, chúng tôi vẫn có thể sinh thêm cháu nữa. Nhưng khi Hiệp nói thế mà mình sinh thêm thì chẳng hóa ra mình công nhận là Hiệp đã “hỏng” hay sao?”. Cho nên, vấn đề nối dõi không nằm ở chỗ sinh thêm mà quyết định ở chỗ cùng nhau giúp Hiệp thành đạt. Cái thành đạt trước hết là do nghị lực và tài năng của Hiệp. Khi sự thành đạt ấy hiện hữu, ông Hùng khóc thêm lần nữa: “Khi nghe tin cháu đoạt được HCV, đọc báo rồi nghe đài, tôi mừng quá, lúc thì khóc thành tiếng, lúc thì chỉ ngồi nghĩ mà nước mắt cứ ứa ra”. Nói đến đây ông lại ngồi im, nước mắt lăn trên gò má.
Hiệp đang sống, học tập và tập luyện tại TP.Hồ Chí Minh nơi em có một người cô và ba người chú đang lập nghiệp.
Suốt bảy năm nay, các cô chú luôn giành nhau đón cháu về sống với mình, thương yêu chăm sóc còn hơn con đẻ. Còn Tết này, Hiệp sẽ về ăn Tết ở quê nhà, với ông bà, với bố mẹ và với một cô em gái lúc nào cũng ngóng chờ anh. Bà nội Hiệp bảo: “Các bác đến mà nhà bề bộn quá. Ấy là bầy tui đang sửa nhà để đón cháu về ăn Tết…”. Rồi bà nghẹn lời, lau nước mắt. Chắc bà đang ngậm ngùi nhớ tới lúc tiễn đưa đứa cháu tội nghiệp lên ôtô vào Nam để cháu tìm một con đường cho tương lai.
VĐV khiếm thị Nguyễn Ngọc Hiệp
Tương lai ấy, bây giờ Hiệp đã có, một cách chắc chắn. Một tương lai nghề nghiệp: hiện em đang là sinh viên năm thứ hai Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh Một tương lai thể thao: HLV Đặng Văn Phúc cho biết anh đang có kế hoạch huấn luyện để Hiệp tham gia Paralympic Brazil 2016, cả môn nhảy xa lẫn môn chạy 200m, 400m. Một tương lai được đảm bảo bằng sự thư thái của tinh thần, sự mạnh mẽ về ý chí và lòng tin vào con đường của mình. Với thể thao, Hiệp đã từ nỗi âu lo trở thành niềm tự hào của cả gia đình, từ một vị trí bấp bênh đã có vai trò vững chắc trong xã hội, từ nỗi đau trở thành một niềm hạnh phúc. Đấy là thể thao đích thực, thể thao chân chính.
Hạnh phúc 2
Với tôi, HLV nổi bật nhất trong thể thao Việt Nam năm 2014 là HLV Đổng Quốc Cường: học trò anh đã giành được 7 HCV trong cuộc thi cấp châu Á - Võ Thanh Tùng (5) và Nguyễn Thành Trung (2). Nhưng niềm vui lớn nhất của người thầy tận tụy này lại không nằm trong các cuộc thi đấu. Anh khoe: “Tớ đã làm mối cho cả chục cặp VĐV. Yêu đương, cưới hỏi, sinh con đẻ cái…, tất cả đều đâu ra đấy”. Bởi vì huấn luyện VĐV khuyết tật cũng có nghĩa là phải chăm sóc cho cuộc sống của họ, trên hết là gây dựng hạnh phúc. Cuối năm 2014, anh tổ chức một cuộc gặp gỡ nho nhỏ với các cặp uyên ương của mình. Xin nói ngay để khỏi nhắc lại: tất cả VĐV có mặt trong cuộc kỳ ngộ này đều có HCV ở các cuộc thi trong nước, khu vực hay châu lục, đa số họ giành được huy chương trong nhiều năm. Một đặc điểm chung thứ hai: tất cả con cái họ đều hoàn toàn mạnh khỏe.
HLV Đổng Quốc Cường và VĐV Võ Thanh Tùng
Võ Thanh Tùng đã ăn hỏi và sau Tết này sẽ cưới, Trịnh Bích Như cũng vậy, chỉ còn Lê Tiến Đạt là khá hồn nhiên “con vẫn chưa có gì cả”, trong khi Nguyễn Thành Trung cứ mỉm cười một cách kín đáo. Đám cưới đầu tiên thầy Cường mai mối vào năm 2003 là giữa Trần Đức Thắng và Lê Thị Hiền. Cả hai đều không đi lại được, trong nhà họ phải bò, còn ra đường phải dùng xe lăn. Con trai Trần Tiến Đạt năm nay đã 11 tuổi. Ít nói lắm, có vẻ rất nam nhi - vừa tiến bộ lại vừa thành đạt cơ mà. Anh Cường nói: “Xem chúng nó tắm cho con mới thấy vất vả. Nhưng ngắm gương mặt thì lại thấy rạng rỡ”.
Ra Tết, Võ Thanh Tùng tổ chức đám cưới với người bạn gái
Năm 2009, Nguyễn Quang Vương (quê Quảng Trị) làm đám cưới với Nguyễn Thị Thủy (quê Quảng Bình), nhưng cô con gái của họ lại mang tên Huế do sinh ra ở đất Cố đô. Cả tối, Huế cứ gục vào lòng mẹ mà ngủ. Vương và Thủy là một đôi rất lạc quan. Họ bảo: “Bọn cháu nghèo mà vẫn cứ phải mua hai xe máy vì một người mất tay trái, một người không còn tay phải nên phải có hai xe với tay ga lắp ở hai phía khác nhau”. Khi đi cả nhà thì chồng làm tài xế, chứ đi một mình thì ai dùng xe nấy. Còn sau này, lúc Huế lớn lên, em có thể dùng cả xe của bố lẫn mẹ.
Cặp đôi thứ ba, đám cưới năm 2006, là một trường hợp đặc biệt. Vợ - Nguyễn Thị Minh Lý, bị hỏng hai chân. Chồng - Nguyễn Hoàng Anh, là người hoàn toàn khỏe mạnh. Khi họ yêu nhau, sợ nhất là mẹ chồng không đồng ý. Minh Lý bảo: “Con sợ vì một người mẹ mà hay tin con trai mình yêu một cô gái không đi lại được chắc chắn là phải lo nghĩ lắm”. Họ khắc khoải chờ mong quyết định từ bà mẹ. Bà chưa nói gì nhưng muốn gặp mặt Lý. Lý ở Cai Lậy (Tiền Giang). Khi bà mẹ đi xem mặt cô con dâu tương lai, anh Cường hồi hộp đến mức yêu cầu phải bật điện thoại di động thường xuyên để thực hiện cuộc “tường thuật trực tiếp và tại chỗ”. Sau khi gặp mặt, mẹ Hoàng Anh ôm lấy Minh Lý và nói: “Đồng ý thì mẹ thương con trai mẹ vì sợ nó khổ. Nhưng mẹ không đồng ý thì mẹ lại thương con vì con quá khổ. Thôi thì hai đứa lấy nhau, gắng cho thật hạnh phúc”. Nghe tin, thầy Cường ở TP.Hồ Chí Minh thở phào. Đây là ca khó nhất trong “sự nghiệp mai mối” của anh.
Gia đình hạnh phúc Nguyễn Hoàng Anh-Nguyễn Thị Minh Lý
Minh Lý là một phụ nữ đẹp. Cô đang làm việc trong lĩnh vực thẩm mỹ và trang điểm rất kỹ càng: “Mình đã không lành lặn đôi chân thì càng phải trang điểm mặt cho thật đẹp”. Nhưng quan trọng nhất là gương mặt Lý toát ra vẻ hạnh phúc một cách viên mãn. Cô khẳng định: “Hạnh phúc nhất là những đứa con. Đã có lúc con sợ không được làm mẹ. Nhưng chồng con đã cho con tất cả. Con biết ơn chồng con, biết ơn mẹ chồng con, biết ơn thầy Cường”.
Phải nhìn vào cặp mắt to mở rộng của Lý lúc này mới có thể cảm nhận được tấm lòng biết ơn đầy hạnh phúc của cô. Cặp mắt sáng ngời và long lanh ngấn nước. Và hạnh phúc hiển hiện ngay đây: cô con gái Nguyễn Hoàng Minh Châu (8 tuổi) của họ duyên dáng như mẹ, còn cậu con trai Nguyễn Hoàng Minh Ngọc (3 tuổi) thì rắn rỏi như ba. Con gái ngồi giữa ba mẹ, còn con trai lúc nào cũng chạy vòng vòng quanh bể bơi.
Có nhiều con đường để người khuyết tật tìm lại vị trí của mình, hạnh phúc của mình trong cuộc đời này. Thể thao là một con đường đặc biệt. “Nhanh hơn nữa, xa hơn nữa và mạnh hơn nữa” là khẩu hiệu nhắc mỗi người không bao giờ dừng lại. Với thể thao, người khuyết tật làm được nhiều hơn, có được nhiều hơn tất cả những gì mà chúng ta vẫn tưởng.
Hạnh phúc rất riêng tư, cụ thể của mỗi người, của từng gia đình, nhưng đấy cũng là niềm hạnh phúc có sức lan tỏa mạnh mẽ với tất cả mọi người"