THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:25

Ngày Độc Lập trong ký ức những nhà văn mặc áo lính

 

Nhà văn Sương Nguyệt Minh:Giành tự do không phải bằng tiệc sâm panh trên bàn thương lượng

Trước mùa Thu năm 1945, Việt Nam nước mất nhà tan, bị nô lệ, áp bức, có một bộ phận dân tộc yếu hèn bạc nhược. Đất nước không phát triển, không chịu tiến hóa, khiến nhà thơ Tản Đà phải chán ngán, ngậm ngùi, than thở: “Dân hai mươi triệu ai người lớn. Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con”. 

Nhà văn George Bernard Shaw đoạt Giải thưởng Nobel Văn học nói rằng: “Tự do là hơi thở sinh mệnh của mỗi quốc gia”. Sinh mệnh quốc gia cũng là sinh mệnh người dân được hoặc mất tự do. Mất tự do sẽ thành nô lệ. Nô lệ sẽ trở thành hàng hóa, mua bán; cho ăn thì ăn, được uống thì uống. Bắt chết cũng phải chết. Người già trên dưới 80 tuổi ở châu thổ sông Hồng đến nay vẫn hãi hùng và ám ảnh nạn đói tháng giáp hạt năm Ất Dậu khiến hơn 2 triệu đồng bào ta chết bởi quân xâm lược Nhật - Pháp. Lúc đồng bào ta chết đói thì bọn thực dân đế quốc đã nhổ lúa trồng đay, đốt thóc gạo chạy nồi hơi nước tàu hỏa... Các hình ảnh chết đói la liệt thê lương, mà cụ Võ An Ninh ghi được bằng hình ảnh đen trắng tại cây số 3 Thái Bình, và những làng quê Bắc bộ là bằng chứng độc ác của quân xâm lược. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi viết: “Vào đầu năm 1945, đời sống của Hà Nội rất thê thảm. Cả nội ngoại thành người chết đói la liệt. Tôi chưa nhìn thấy cảnh đó bao giờ. Chúng tôi chưa đến nỗi chết, nhưng cũng đói vàng mắt, mềm người”. Lịch sử Việt Nam chưa bao giờ bị nạn đói hoành hành... dữ dội, khủng khiếp, thê lương như thế! Nếu không có Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9/1945, thì dân tộc Việt Nam sẽ ra sao?

Vladimir Ilic Lenin đã nói rằng: “Chính quyền là vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng xã hội”. Ngài Tổng thống Franklin D. Roosevelt - một trong ba tổng thống kiệt xuất của Hoa Kỳ cũng viết: “Với ý nghĩa chân thực nhất, tự do không thể được ban tặng; nó phải được giành lấy”. Người mất tự do mới hiểu cái giá của độc lập tự do. Mùa Thu, khởi nghĩa tháng 8/1945 cướp chính quyền, và ngày 2/9 Tuyên ngôn lập nên Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu không phải bằng đại tiệc sâm panh thương lượng trên nghị trường, mà bằng mồ hôi, nước mắt và máu của dân tộc ta.

Ngày nay, dân tộc ta đang sống trong một thế giới phẳng, hội nhập toàn cầu và phát triển. Thời mùa Thu cách mạng 1945, nhân dân cướp chính quyền bằng súng kíp, tầm vông, giáo mác; bây giờ quân đội ta hùng mạnh được trang bị vũ khí: Máy bay tiêm kích Su-30, tàu ngầm lớp kilo 636, tên lửa đất đối không... để bảo vệ Tổ quốc và gìn giữ hòa bình. Mỗi ngày lại thêm một công trình các đường cao tốc và cầu vượt sông Hồng, sông Tiền, sông Hậu thay cho cảnh đò giang chen chúc. Đường xi măng đến từng ngõ ngách làng quê và ô tô, xe máy... thay cho gánh gồng trên đường làng lầy lội mùa mưa. Mỗi sáng sớm mai nghe tiếng trống trường điểm náo nức thay tiếng trống thúc sưu thuế “sân đình máu chảy, đường thôn lính đầy”. Cả quốc gia đã phổ cập giáo dục tiểu học, các đoàn học sinh đoạt giải thưởng Toán, Lý quốc tế và giáo sư Ngô Bảo Châu đoạt Giải thưởng Toán học Fields là những điều lớn lao, mà thời trước năm 1945 dân tộc hơn 90% mù chữ cũng chưa bao giờ dám mơ.   

Nhà văn Chu Lai: Đây là lúc chúng ta phải trả lời những câu hỏi về sự phát triển, vươn mình trong tương lai

Cả thế hệ của chúng tôi đã gắn với vận mệnh dân tộc từ những ngày lập quốc - 2/9/1945.  Theo tiếng gọi của Tổ quốc, chúng tôi đã khoác ba lô lên vai, tạm xếp  lại phía sau những hoài bão của tuổi trẻ để bước chân vào chiến trường. 5 năm chủ lực, 5 năm là lính đặc công ở vùng ven Sài Gòn, tôi và đồng đội đã phải sống và chiến đấu trong hoàn cảnh hết sức ngặt nghèo. Buổi sáng thức dậy, cho hết tư trang vào thùng đại liên Mỹ rồi nhấn chìm xuống lòng sông Sài Gòn để cất giấu, sau đó ngồi ôm súng yên lặng dưới những bụi cây rậm rạp, trong khi dưới sông thì tàu địch tuần tiễu, còn trên bờ, cách chỉ chục mét là những toán thám báo, biệt kích đối phương lăm lăm súng đi tuần.

Giữa khói lửa đạn bom, ngày nào cũng có đồng đội ngã xuống. Chúng tôi phải gắng gượng để tồn tại, chiến đấu với tất cả lòng tự trọng và sự lãng mạn của người lính cho đến ngày thắng lợi cuối cùng. Nơi chiến trường, những khái niệm cơ bản như ngày giỗ, tết, sinh nhật và thậm chí là Quốc khánh cũng nhòa đi trong bom đạn, đau thương và chết chóc. Thậm chí, trong ngày mất của Bác, nỗi đau cũng chỉ nhói lên, buốt giá rồi lại nhanh chóng lặn vào tim. Nỗi đau không kịp kéo dài bởi ngay sau đó, những người lính đã phải cầm súng chiến đấu với một đoàn quân đối phương ào vào căn cứ. Giữa chiến tranh mịt mù, mọi nỗi buồn, niềm vui đều ào đến rồi qua đi rất nhanh. Không có thời gian, cơ hội để con người có thể nhấm nháp. Thế nhưng, cứ mỗi dịp Quốc khánh, những người lính đều được nghe lại những bài ca bất hủ như “Nắng Ba Đình”, nghe vang vọng lời nói của Bác “Tôi nói đồng bào nghe rõ không” khi Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập trên sóng phát thanh. Đó như một hơi thở, một sự khích lệ mơ hồ nhưng rất cụ thể để những người lính chúng tôi đứng vững trong cuộc chiến khốc liệt với kẻ địch.

10 năm làm lính đặc công luôn đối mặt với cái chết, nhưng chưa khi nào tôi phải rơi nước mắt, kể cả hàng trăm lần tự tay chôn đồng đội bởi tôi quan niệm, chiến tranh là ngày nào cũng chôn nhau nhưng chưa đến lượt chôn mình. Với tôi, mỗi cái chết của đồng đội đều nặng nề, im lìm, không còn có thể khóc được nữa vì nỗi đau lặn vào trong, vì suy nghĩ nhuốm một chút ngang tàng lính chiến mày chết hôm nay thì mai đến lượt tao, bình thường, khóc khiếc gì, vớ vẩn!

Vậy mà đêm hoà bình đầu tiên sau ngày 30/4/1975, vào đến Sài Gòn, một mình trên võng nằm giữa phố đông tôi đã khóc. Khóc cho những đồng đội đêm nay đang nằm cô quạnh giữa rừng già. Đêm ấy, lần đầu tiên sau suốt 10 năm cầm súng, căng mình để sống, để chiến đấu, để tồn tại bằng tất cả bản năng tự vệ, tôi đã bị... ốm. Còn khi đặt chân vào “Sài Gòn - Hòn ngọc Viễn đông”, tôi vô cùng lạ lẫm khi thấy hình ảnh một khuôn mặt Tây đen choán hết bức tường 7 tầng nhà giữa trung tâm thành phố, phía dưới là hàng chữ “Thuốc đánh răng Hynos” mà không biết đấy là hình ảnh của một cơ chế thị trường trong tương lai dân tộc phải đi đến...

Khi tôi ra đi, Hà Nội này nghèo nàn và hắt hiu bùn đất. Khi tôi trở về, Hà Nội vẫn nghèo nàn, nhưng từ đó đến nay, sau hơn 40 năm tạm ngưng tiếng súng thì tất cả những thành phố,  những nông thôn, bản làng trên dẻo đất hình chữ S đã  thay đổi đến mức mà trước đây, có mơ cũng không thể hình dung ra được.

Trước đây, mỗi lần đi nước ngoài, trở về đến sân bay, tôi cảm thấy tủi vì cảnh lam lũ, nghèo khó vẫn hiện hữu hai bên đường dẫn từ sân bay về nội thành. Thế nhưng, năm ngoái, tôi có dịp sang Wasington DC (New York), khi trở về, nhìn thấy đường cao tốc Nhật Tân, đại lộ Võ Nguyên Giáp, lòng tôi bỗng yên tâm hơn.  Như vậy là xương máu của các thế hệ cha anh và của chính chúng tôi đổ xuống đã không vô nghĩa. Dù chưa thật cao nhưng Việt Nam đã cất cánh.

Cùng với niềm tự hào dân tộc và khát vọng hòa bình, đây cũng là lúc chúng ta phải trả lời những câu hỏi về sự phát triển, vươn mình trong tương lai. Hành trình đã qua là cuộc trường chinh “sáng chắn bão giông, chiều che nắng lửa”. Tự do có rồi, độc lập đã giành được, nhưng phải làm sao để sự ấm no, hạnh phúc được đảm bảo trong một đà đi lên mạnh mẽ. Đó là câu hỏi mà 90 triệu con dân Việt Nam phải siết chặt tay trả lời...

DA (ghi)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh