CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:40

Nguyên Hồng – nhà văn tự đời thường

 

Kem bôi mặt dân dã

Cuối năm 1972, bố mẹ tôi ở Bắc Ninh, qua nhà văn Đỗ Chu, có mời nhà văn Nguyên Hồng, lúc đó đang thăm người con dâu dạy học ở trường cấp III Hàn Thuyên đến dự bữa cơm thân mật với gia đình. Tính ông vốn ngại những cuộc tiếp xúc như thế, nhất là những gia đình ông ít có quan hệ, nhưng nể anh Đỗ Chu, ông đành nhận lời. Không hiểu sao câu chuyện trong bữa cơm lại hướng sang chuyện trang điểm của phụ nữ. Nhà văn Nguyên Hồng có kể về “kem bôi mặt” qua kinh nghiệm dân gian: Các cụ bà ngày xưa lúc xuân sắc cũng hay làm “đỏm” lắm nhé! Cách làm đỏm có khác bây giờ! Kem bôi mặt chỉ có mịn và “tôn” màu da lên thôi, chứ không như thứ kem chế bằng hóa chất, bôi nhiều làm da mặt xạm đi. Ông trầm ngâm một lúc rồi chỉ ra phía sau vườn. - Đơn giản thế này thôi! Các cụ bà giã nhỏ củ đậu ra rồi hòa với lòng trắng trứng gà dùng làm kem bôi mặt. Thật tuyệt, kem vừa giữ cho da mặt được mịn, vừa xóa đi cảm giác “không thật” của kem hóa chất. Chỉ một “chi tiết” ấy, tôi ngẫm thấy nhà văn Nguyên Hồng phải sống đằm với đời sống dân dã như thế nào mới có được những nhận xét tinh tế như thế.

“Gần mũi xa mồm”

Có một lần nhà văn Nguyên Hồng và tôi đi qua chợ Nhớn (Bắc Ninh). Giữa tiếng chí chát chặt thịt của dao thớt, giữa mùi thơm xào nấu thức ăn ngào ngạt của mấy quán ăn hàng chợ, chợt nghe thấy có tiếng cất lên the thé của một bà ngồi ở quầy vải: “Mới sáng bảnh mắt ra, đứa nào xào nấu món gì thơm thế! Gần mũi xa mồm thế này chỉ làm khổ cái dạ dày và làm ruột gan rối tinh rối mù lên thôi”. Đang đi, mắt nhà văn Nguyên Hồng chợt sáng lên. Ông vội ngồi thụp xuống bên hè phố, lấy cuốn sổ tay nhỏ sờn cả mép giấy ghi vội ghi vàng như sợ nó biến mất.

Sau đó lúc đi dọc đường, Nguyên Hồng vừa vân vê mấy sợi râu vừa giảng giải cho tôi cái “thần” của câu nói đó” “Cái con mẹ ấy khéo thế. Mùi thơm xào nấu nó chỉ được ngửi, chứ không được ăn. Nhưng cách nói ấy gợi quá. Diễn đạt cảm giác này không thể có cách nói nào hơn được đâu!”. Thế mới biết, mỗi chi tiết trong đời sống dù nhỏ đến đâu đối với người viết đều là những hạt vàng quý giá.

 Luyện thơ có như luyện võ?

Nhà văn Nguyên Hồng có lần tâm sự với anh em làm thơ trẻ: - Mỗi người làm thơ phải luyện cho mình một ngón độc - “độc nhất vô nhị”. Trình Giảo Kim ngón độc là búa. Lý Nguyên Bá có cặp chùy đồng… Ra trận, đối phương nghe thấy khiếp vía, vào trận chỉ có bỏ mạng. Chữ thì phải có hồn chữ, phần máu thịt nhất của nhà thơ hiện lên trang giấy. Chữ nghĩa run rẩy, phập phồng tươi mới như sự sống, nếu không chỉ là các chữ vô hồn, thứ chữ ép thì chẳng làm rung động được ai. Chỉ có điều khác là luyện võ thì dùng để đánh người (hay là tự vệ), còn luyện thơ là thứ nghệ thuật “đánh” vào lòng người, nhưng trong ý hướng nâng đỡ.

 Núi Án mờ mờ hơi sương

“Núi Án trước mặt mờ mờ hơi sương, như hương hồn người yêu nước hiển hiện đâu đây. Máy chém thực dân lạnh lùng ánh thép không át nổi khí thiêng sông núi giao hòa. Càng ngời lên khuôn mặt quắc thước cương nghị Hoàng Hoa Thám với chòm râu phơ phất gió mai… Hố Chuối, Phồn Xương, Dĩnh Thép, Luộc Hạ, Cầu Gồ… những địa danh sáng truyền trong lịch sử, vang vọng trong tâm tưởng bao người”.

Nhà văn Nguyên Hồng bước dọc bờ Hồ Gươm, sương sớm lạnh khiến ông khép vạt áo bông cũ sờn. Những chao đèn đung đưa trong gió xuân. Núi Án ám ảnh ông, lay động tâm thức ông. Ấp Cầu Đen - một thời cơ quan Văn hóa Cứu quốc đã gắn bó với ông như từng hơi thở. Ngô Tất Tố, Nguyễn Huy Tưởng, Kim Lân, Nguyễn Đình Thi, Đỗ Nhuận, Trần Văn Cẩn, Tạ Thúc Bình… những khuôn mặt bạn bè lướt qua như một cuốn phim quay chậm. Đồi hoang. Lau rậm. Bếp lửa. Củ sắn lùi. Men rượu nồng. Những trang giấy trắng. Giọng đọc bản thảo ấm trong đêm. Những khung toan, mùi sơn mới… Sao gần gũi, sao thiết tha đến vậy?

“… Núi Án trước mặt mờ mờ hơi sương. Suối khe lượt vòng án ngữ vành đai, đồn Hậu thế núi trập trùng giăng mắc. Đồn Tiền thấp thoáng ngàn lau rậm trắng. Càng ngời lên khuôn mặt quắc thước cương nghị Hoàng Hoa Thám với chòm râu phơ phất gió mai… Canh Nậu, Na Lương, Mỏ Trạng, Nhã Nam… những địa danh lưu truyền sáng danh trong lịch sử với người nông dân chân đất áo vải một thời đánh Pháp, vang vọng trong tâm tưởng bao người…”.

“Phải viết một cái gì đó về mảnh đất ngoan cường này. Cỡ trường thiên tiểu thuyết, một pho sử biên niên sống động. Ý nghĩa đầy xúc cảm của nhà văn làm hai bên thái dương mạch máu đập dồn - Cái dự định tốt đẹp, món nợ tinh thần không hiểu có trả được trong đời ta không, nhưng cũng không thể không trang trải được?”.

Và nhà văn Nguyên Hồng quyết định đưa cả gia đình về lại ấp Cầu Đen - nơi ông đã sống và gắn bó một thời.

 Nhà văn Nguyên Hồng với việc học của các con

Nhà văn Nguyên Hồng rất chú trọng đến việc học hành của các con. Ông chẳng nề hà bất cứ việc gì, cốt để dành nhiều thì giờ cho các con ông làm bài, ôn bài đầy đủ trước khi đến lớp. Có một lần, nhà có khách. Khách lấy làm ái ngại khi thấy ông nhễ nhại mồ hôi chạy ra chạy vào khuân củi vào bếp, mặt mũi đỏ bừng, quần áo dính đầy bồ hóng… Trong khi ấy, mấy đứa con ông mỗi đứa ngồi mỗi góc chăm chú đọc sách, như không hề thấy cảnh ông tất bật gần đấy. Khi nghe khách nhắc ông về việc này. Nguyên Hồng chỉ tủm tỉm cười, vuốt nhẹ mấy sợi râu lưa thưa: “Chả giấu gì bác, hồi nhỏ tôi học hành cũng chịu nhiều thiệt thòi! Bây giờ, mình cứ cố được việc gì quý việc ấy. Rảnh ra cho các cháu nó học. Đừng để phân tán việc học hành của bọn trẻ, sau này mình hối cũng không kịp nữa đâu…”.

Và có lẽ chẳng thiếu lần nào của các kỳ thi cuối cấp hoặc thi vào đại học, nhà văn Nguyên Hồng đều đưa bằng được các con lên tận nơi dự thi.

 Ông ấy là… nhà văn ư?

Mấy hôm nay, thầy giáo Mai có bạn dạy học ở Trường đại học Sư phạm Việt Bắc về chơi. Hai người đang ngồi nói chuyện thì thấy có một người dáng thấp bé cởi trần, râu lưa thưa, quần ống cao ống thấp đang đi ngoài sân. Thấy trong nhà có khách, ông già vội rẽ sang phía dốc rồi về nhà mình. Thấy Mai nói với bạn: Nhà văn Nguyên Hồng về ở và sáng tác ở ấp này đó!”. Ông khách cãi lại: “Anh trông nhầm thế nào ấy chứ! Tôi đã đọc văn Nguyên Hồng nhiều rồi. Tôi hình dung nhà văn khác cơ! Người viết văn sao lại ăn mặc quá tuềnh toàng vậy. Chắc lại có một lão nông xuống mượn anh cái gì đó thôi!”. Biết không thể thuyết phục được bạn, thầy Mai đành im lặng.

Một lát sau, nhà văn Nguyên Hồng tươm tất trong bộ quần áo nâu bạc đi xuống nhà. Thầy Mai lại giới thiệu với ông bạn: “Nhà văn Nguyên Hồng, bạn hàng xóm của tôi đấy!”. Nguyên Hồng xin lỗi khách và trao đổi với thầy Mai vài việc riêng. Xong ông đứng dậy, chắp tay trước ngực nói: “Xin phép hai thầy, vì mắc chút việc, tôi về…”.

Ông khách thực sự ngạc nhiên… một nhà văn lớn như vậy sao lại giản dị đến không thể tưởng tượng nổi.

 Tính bác vốn vậy rồi!

Ở cơ quan Hội Văn nghệ Hà Bắc vào một buổi sáng, nhà văn Nguyên Hồng xuềnh xoàng trong bộ quần áo nâu bạc đến nhận bản đánh máy cuốn Thù nhà nợ nước trong bộ ba tiểu thuyết Núi rừng Yên Thế của ông viết về Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân Yên Thế. Nhà văn Nguyên Hồng đọc xong chương đầu, sau một lúc im lặng, ngẩng lên, dáng vẻ bần thần. Ông nheo mắt nói với cậu đánh máy: “Các ông làm ăn thế này thì gay quá! Mới có một chương thôi mà quá nhiều lỗi. Nhưng tôi thông cảm vì trong này có nhiều từ địa phương”. Ông lật gấp các trang bản thảo” “Thôi, thế này nhá: Hội in thế nào cũng được, kể cả trang giấy đen như giấy cuốn thuốc lào. Nhưng bản đánh máy, mình phải tự tay sửa lỗi. Và bao giờ có bản mo-rát chuyển cho mình đọc lại. Các ông nên tôn trọng bạn đọc. Nghề này mà để người ta nghĩ mình làm ăn ẩu thì thật chẳng ra sao”.

Và trong gần một tháng, nhà văn Nguyên Hồng “xoay trần” ra đọc bản đánh máy ở cơ quan Hội Văn nghệ Hà Bắc vào những ngày nóng nhất trong năm. Sau khi sách in ra, ông ngồi một mình trong phòng nâng niu, ngắm nghía cuốn sách trong tay với vẻ hài lòng. Ông thưởng rượu cho họa sĩ trình bày bìa, ma-két và người sửa bản in. Chén rượu đầy nhất, ông trao cho cậu đánh máy: “Mọi sự cháu bỏ quá cho bác. Tính bác nó vốn vậy rồi mà!”.

 Câu đùa của tác giả “Bỉ vỏ”

Nhà văn Nguyên Hồng rất hay đùa, khiên bất cứ ai khi tiếp xúc với ông đều cảm thấy gần gũi. Nhân hội nghị những người viết văn trẻ lần thứ hai, vào một buổi tối, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam (Hà Nội) có tổ chức cuộc gặp mặt giữa các thế hệ nhà văn. Không khí tiếp xúc vui vẻ, ấm cúng, bớt trang nghiêm như trên diễn đàn hội nghị. Không hiểu sao có người nói sang chuyện Prômêtê lấy cắp lửa của thần Dớt đem cho loài người bị xiềng dưới chân núi cho nắng trời thiêu đốt và con diều hâu ban ngày lao xuống móc tim (hình phạt của thần Dớt trong thần thoại Hy Lạp). Ai nấy đắm chìm trong không khí thương cảm thì nghe thấy có tiếng người cất lên oang oang:

- Cẩn thận. Con diều hâu có móc tim đâu mà nó “móc tiền” đấy!

Mọi người sửng sốt nhìn ra sân. Hóa ra, cái dáng người thấp bé, chòm râu vểnh ngược, ôm khư khư cái cặp da cũ sờn đang đi vào là nhà văn Nguyên Hồng, tác giả của cuốn tiểu thuyết Bỉ vỏ nổi tiếng. Tất cả được mẻ cười rộ lên vui vẻ.

 Tìm đâu cũng không thấy nữa

Nhà văn Nguyên Hồng rất ưa hoạt động, trong các môn thể thao, ông rất mê môn bóng đá. Hồi trẻ, ông đã từng giữ chân cầu thủ trong nhiều năm. Cậu con trai nhà văn có kể lại một chuyện về người cha thân yêu của mình - Hồi sinh thời, Nguyên Hồng có đưa cậu đi xem trận bóng đá ở sân Hàng Đẫy - Hà Nội. Hình như là đội Cảng Hải Phòng gặp đội Công an Hà Nội. Suốt buổi xem, ông cổ động rất hăng hái, hò hét, tay chân vung lên; thậm chí nói cười đến… chảy nước mắt. Có điều, ông rất ít chú trọng đến kỹ thuật đá bóng, mà thiên về nhận xét tính cách của cầu thủ: - Thằng hậu vệ này “hỗn” quá, cản bóng không được, cứ giò người ta mà nện. Đến nước ấy chỉ có thể tống cổ ra khỏi bãi mới yên được!”. Một pha bắt bóng của thủ thành ở cạnh “góc chết” khi chịu quả phạt đền, ông reo lên như con trẻ. “Chà, một pha tuyệt đẹp. Nghệ thuật cũng chỉ đến thế là cùng!”.

Xong buổi bóng đá, Nguyên Hồng kéo cậu con trai xuống bãi, bắt tay từng cầu thủ. Riêng thủ thành, không những ông bắt tay, mà còn ôm hôn hồi lâu cảm động. “Tuyệt quá, hay quá. Thỏa quá… Trận này không có cậu cứu nguy cú sút hiểm thì… đội này hôm nay thua “trắng rốn” rồi còn gì!”. Mọi người còn đang ngơ ngác vì một cổ động viên quá nhiệt tình và hơi kỳ quặc như vậy. Khi hỏi ra biết ông là nhà văn Nguyên Hồng, định kéo ông chụp ảnh chung kỷ niệm với đội thì ông và cậu con trai đã đi tự hồi nào, tìm đâu cũng không thấy nữa.

 “Lao động”… lưỡi

Nhà văn Nguyên Hồng rất ghét những kẻ cơ hội, bợ đỡ và vụ lợi, những kẻ không sống bằng lao động của chính mình. Ông thường nói với anh em viết trẻ chúng tôi: “Trên đời có hai loại lao động: lao động trí óc và lao động chân tay. Các loại lao động trên là đương nhiên rồi. Không hiểu sao bây giờ lại sinh ra loại người sống bằng “lao động”… lưỡi. Tạo hóa kể cũng lạ thật, cái thứ người này ở đâu cũng có, chẳng có tài cán gì cả, mà ký sinh đủ kiểu len lách, bợ đỡ, nịnh hót, chẳng phải hao tốn máu tim và đổ mồ hôi sôi nước mắt, uốn lưỡi cho dẻo là… là… “Nguyên Hồng nheo mắt cười cười, cặp mắt sắc nhọn ánh lên tinh nhanh”… là lên như diều. Mà lại sống đàng hoàng hơn những người khác nữa mới lạ chứ!”. Ông lắc đầu. “Đến nước ấy thì khó quá, gay quá, cực nhục quá. Thật chẳng còn ra làm sao nữa!”.

Nguyên Hồng bỏ ra đứng ngoài cửa hồi lâu. Mãi sau mới thấy ông vào lại nhà, vẻ mặt nom cứ đăm chiêu thế nào ấy.

 Nhuận bút ấy sử dụng sao cho ý nghĩa?

Nhà giáo ưu tú Khuất Chi Mai (nguyên là hiệu trưởng phòng PTCS xã Quang Tiến - huyện Tân Yên - Hà Bắc) cho tôi biết: “Hồi sinh thời, nhà văn Nguyên Hồng có đưa cho thầy số tiền nhuận bút cuốn sách vừa in xong tặng nhà trường mà thầy cứ băn khoăn mãi. Hai người vốn là hàng xóm nên chẳng còn lạ gì gia cảnh của nhau. Nhà văn có ấm trà ngon cũng bảo con mời thầy sang chơi. Khi đi xa về, có chuyện gì nhà văn cũng kể với thầy. Tuy chênh lệch về tuổi đời nhưng Nguyên Hồng coi thầy như bạn tâm giao. Thời gian này, nhà văn rất eo hẹp về kinh tế gia đình - thầy Mai bảo thế - nhà neo bấn, các con đi học xa. Chẳng hiểu nhuận bút cuốn Sóng gầm được bao nhiêu, mà sử dụng số tiền vào nhà trường sao cho có ý nghĩa. Thật khó quá!”. Nghĩ đi nghĩ lại, thầy Mai cất công đạp xe xuống tận xí nghiệp ngói bến Tuần đặt vấn đề mua ngói cho nhà trường. Nghe thầy Mai trình bày và khi biết số tiền thầy Mai mang theo là nhuận bút của nhà văn Nguyên Hồng, các đồng chí trong Ban giám đốc xí nghiệp đã ưu tiên cho nhà trường mua ngói loại 1, giá cung cấp. Hai phòng học đầu của trường PTCS xã Quang Tiến được lợp ngói. Cảm kích trước tấm lòng của nhà văn Nguyên Hồng, cán bộ và nhân dân xã Quang Tiến đã ngói hóa toàn bộ các lớp học của nhà trường chỉ sau một thời gian ngắn.

 Ước nguyện chưa thành

Nam Bộ là nỗi day dứt trong tâm khảm nhà văn Nguyên Hồng, chả thế ông đã từng viết bài thơ Cửu Long giang ta ơi với bao nhiêu hoài vọng nung nấu. Sau năm 1975, bạn bè thường nhắc ông nên đi Nam Bộ khi nhà nước đã thống nhất. Nguyên Hồng cứ cười khà khà: “Ừ, cũng phải đi một chuyến chứ. Nhưng bận quá, tiểu thuyết về quan Đề Thám và nghĩa quân Yên Thế chưa “tha” mình, khổ thế; xong bộ ba này thì quyết đi thôi, không thể nấn ná mãi được!”. Và ông ở liền trên ấp Cầu Đen, tắm mình trong không khí sử thi không dứt ra được, có khi cả tháng cũng không về cơ quan Hội Nhà văn Việt Nam ở Hà Nội. Và Nguyên Hồng đã vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất ngổn ngang những dự định chưa thành, tận dâng tận hiến cho sứ mệnh nghệ thuật - đó là lẽ sống suốt đời ông.

Có lẽ lúc sinh thời, Nguyên Hồng cũng không ngờ rằng: một đường phố ở Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh) được mang tên ông như ghi nhận một đời sáng tạo của nhà văn, mặc dù ông lại chưa một lần đặt chân đến mảnh đất ông từng yêu mến và khao khát đến đó.

NGUYỄN THANH KIM / Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh