Ngành LĐ -TB&XH nhiều bứt phá, và dấu ấn của Tư lệnh Hành động
- Giáo dục nghề nghiệp
- 15:21 - 31/12/2019
Từ thông điệp "truyền lửa", đến những con số "biết nói"
Ngay từ sơ kết giữa năm 2019, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung với thông điệp: "Bứt phá, bứt phá hiệu quả, không điều chỉnh bất cứ chỉ tiêu nào! Phấn đấu vượt các chỉ tiêu đề ra. Dứt khoát như thế”, đã "truyền lửa" đến toàn ngành.
Từ quyết tâm này, toàn ngành đã "tăng tốc", tập trung 3 chỉ tiêu Quốc hội giao; quyết liệt hơn những chỉ tiêu của ngành, để khép lại một năm với kết quả cao nhất, đều đạt và vượt, đúng như đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đánh giá "một số chỉ tiêu vượt xa hơn mong muốn của chúng ta".
Điểm qua vài con số để thấy, năm 2019 đánh dấu 4 năm liên tiếp, Bộ hoàn thành 100% chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Trên 1,655 triệu lao động có việc làm mới, đạt 103,5% kế hoạch. Tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp có đột phá mạnh, đạt trên 2.338 nghìn người.
Chưa dừng lại ở đấy, năm 2019 vừa qua, ngành LĐ-TB&XH đã hoàn thành toàn diện 3 chỉ tiêu Quốc hội đề ra: Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi lao động ở khu vực thành thị khoảng 3,12%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 62%; Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1,3% so với cuối năm 2018, riêng các huyện nghèo giảm gần 5%. (Theo tiêu chí của Liên hợp quốc, số hộ nghèo chỉ còn 1,45%).
Với những con số vượt trội, "biết nói" đó, tại Hội nghị tổng kết ngành năm 2019 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, ngành LĐ -TB&XH đã hoàn thành tốt 3 mục tiêu đột phá về: Xây dựng thể chế; nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; và phát triển thị trường lao động.
"Đó là kết quả của sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt và sự đoàn kết thống nhất, dân chủ của tập thể lãnh đạo Bộ, trong đó có vai trò của người đứng đầu", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Đánh giá về ngành LĐ-TB&XH một năm qua, các đại biểu Quốc hội cho rằng, năm 2019 là một năm lĩnh vực lao động, người có công và xã hội tiếp tục gặt hái được nhiều kết quả vượt bậc.
Đi vào cụ thể, các đại biểu Quốc hội nêu, đầu tiên, phải kể đến là lĩnh vực xây dựng thể chế. Đây là một trong những trọng tâm đột phá của Bộ trong năm 2019. Bằng chứng rõ nét nhất, điểm nhấn quan trọng nhất là việc Bộ LĐ-TB&XH đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội biểu quyết thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) với tỷ lệ tán thành 90,06%.
Bên cạnh đó, Bộ đã trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc gia nhập Công ước số 98 của ILO. Đây là những sự kiện quan trọng, góp phần đưa EVFTA đi đến chặng cuối cùng.
Nói về quá trình này, Phó Trưởng ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng (đại biểu Quốc hội đoàn Bến Tre) cho hay: "Trong suốt hơn 2 năm xây dựng và hoàn thiện dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) 2019, Bộ LĐ-TB&XH với vai trò là cơ quan chủ trì soạn thảo đã luôn chủ động nghiên cứu, đề xuất các phương án sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu hội nhập, trên tinh thần dám nghĩ, dám làm, đổi mới mạnh mẽ".
Trên nền của dự án Luật này, suốt thời gian qua, đã thu hút sự quan tâm của hàng triệu người, của cử tri cả nước. "Đây là một trong những dự luật nhận được sự tham gia phát biểu nhiều nhất trên nghị trường, trở thành một cuộc sinh hoạt chính trị lớn trong toàn Đảng, toàn dân của chúng ta. Tôi cho rằng đây là những vấn đề thành công", ông Nhưỡng nhận định.
Thực hiện "tổng lực" cuộc "khảo cổ" hồ sơ tồn đọng người có công
Tiếp nối bài học kinh nghiệm và những thành công trong xây dựng Bộ luật Lao động (sửa đổi), Bộ LĐ-TB&XH đang tập trung nghiên cứu, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Pháp lệnh ưu đãi Người có công với cách mạng để chuẩn bị trình Ủy ban thường vụ Quốc hội.
"Đây là vấn đề vô cùng quan trọng - đáp ứng thực tiễn chăm lo người có công hiện nay", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi (đại biểu Quốc hội đoàn Thanh Hóa) khẳng định và nhấn mạnh, "Đây cũng là một trong những điểm sáng của ngành".
Đánh giá tổng thể chặng đường 4 năm qua, trong lĩnh vực người có công, từ thông điệp của tư lệnh Đào Ngọc Dung đưa ra khi nhậm chức: "Quyết tâm chính trị cao để xử lý cơ bản những vấn đề tồn đọng trong việc xác nhận người có công", ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, Bộ trưởng đã chỉ đạo quyết liệt và đột phá trong giải quyết hồ sơ tồn đọng; giải quyết các đơn thư, khiếu nại tố cáo xung quanh lĩnh vực này.
Với trách nhiệm lớn lao và nghĩa tình sâu nặng, trong năm 2019 vừa qua, đã thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 14/7/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng; tổ chức thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ đối với người có công với cách mạng...
Tới nay, cả nước có 8 địa phương giải quyết xong hồ sơ tồn đọng, 14 địa phương không có tồn đọng.
Lĩnh vực người có công, dù không là trọng tâm đột phá của năm 2019 nhưng trong tâm thức, chỉ đạo điều hành luôn là lĩnh vực trọng tâm. Và nhìn nhận kết quả trong suốt 4 năm, như nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã chứng minh cho lời hứa "trả nợ" dân của mình một cách thuyết phục.
"Để đạt được những kết quả vượt bậc đó, tôi cho là không hề đơn giản", ông Bùi Sỹ Lợi nhìn nhận.
Đồng quan điểm, trong lĩnh vực người có công, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, ông rất ấn tượng với sự "dấn thân", quyết liệt của tư lệnh ngành Đào Ngọc Dung, với cách làm đột phá, mạnh mẽ, khoa học, tâm huyết.
"Có thể nói, Bộ đã "tổng lực", thực hiện một cuộc "khảo cổ" hồ sơ tồn đọng người có công. Đưa ra được những quyết sách đột phá, sáng tạo, nhưng không cho phép được để xảy ra sai sót, đã giải quyết cho hàng nghìn trường hợp tưởng như không thể giải quyết được, một cách thấu tình đạt lý, đem đến niềm vui cho biết bao gia đình người có công sau đằng đẵng bao nhiêu năm mòn mỏi đợi chờ", ông Nhưỡng nói.
Bên cạnh đó, vị đại biểu tỉnh Bến Tre cũng không quên đánh giá cao tư lệnh ngành Đào Ngọc Dung rất kiên quyết, kịp thời nhận các phản ánh của cử tri cả nước và chỉ đạo thanh tra, kiểm tra tương đối toàn diện hàng nghìn bộ hồ sơ.
"Nhờ đó, đã loại ra khỏi thực hiện chính sách người có công rất nhiều những người hưởng sai, có hành vi gian dối để hưởng chính sách, tham nhũng về mặt chính sách. Tôi cho đây là những thành công rất lớn và rất quyết liệt", vị Phó trưởng ban Dân Nguyện nhấn mạnh.
Cùng với đó, ông Nhưỡng cũng rất ấn tượng về số lần tiếp công dân định kỳ hàng tháng của người đứng đầu ngành Lao động-TB&XH. Ngay tại buổi làm việc với Bộ LĐ-TB&XH vào tháng 7/2019, chính bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân Nguyện cũng đã lấy làm ngạc nhiên vì sự chuyên tâm, sẵn sàng thu xếp công việc để dành thời gian tiếp công dân 9/12 buổi trong năm của một tư lệnh ngành.
"Đây là kết quả cao nhất trong tất cả các Bộ trưởng về việc tiếp công dân định kỳ hàng tháng. Đồng thời cũng phải khẳng định Bộ trưởng đã dành tâm huyết, đem lại hiệu quả thực sự thì những ngày Bộ trưởng tiếp công dân, người dân mới trông chờ và đến đông như vậy", bà Nguyễn Thanh Hải đánh giá cao.
Việt Nam: tạo ra một câu chuyện huyền thoại về giảm nghèo
Đặc biệt, thành tích giảm nghèo của Việt Nam tiếp tục là một điểm sáng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Với tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,3%, tại "Hội nghị Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp 2019" vừa qua, người đứng đầu Chính phủ vui mừng thông tin, con số ấn tượng đó, khiến nhà lãnh đạo Myanma trong cuộc gặp gỡ mới đây với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đã nhận xét đây là thành quả "đáng kinh ngạc".
"Việt Nam đã tạo ra một câu chuyện huyền thoại về giảm nghèo", ông Đào Xuân Lai, Trợ lý Trưởng Đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) cũng không tiếc lời khen ngợi.
Đáng chú ý, tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục rút xuống còn 1,99%. Đây là tỷ lệ thấp nhất từ trước đến nay. Năm 2018, tỷ lệ này là 2,2%, Việt Nam đứng thứ 8 trong 160 quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất.
Với những con số ấn tượng, nổi bật kể trên, các đại biểu Quốc hội ghi nhận, Bộ đã tập trung xử lý được vấn đề giải quyết việc làm, và mục tiêu về việc làm vẫn đạt được với tốc độ tăng cao hơn. Đặc biệt trong số trên 1,655 triệu lao động có việc làm mới, thì số lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài đạt trên 147 nghìn người. Đây là năm thứ 4 liên tiếp xác lập kỷ lục mới về xuất khẩu lao động, góp phần hoàn thành vượt mức kế hoạch 5 năm 2016- 2020, về đích trước 1 năm một cách ngoạn mục.
"Vấn đề quan trọng là chất lượng, số lượng và thu nhập của người lao động đi làm việc ở nước ngoài cao hơn, đánh giá được sự chuyển hướng của ngành Lao động -TB&XH là xuất khẩu lao động không phải bằng mọi giá! Mà xuất khẩu lao động ở mức có chuyên môn kỹ thuật, và làm những ngành nghề có thu nhập cao và những lãnh thổ có điều kiện tốt hơn, thu nhập cao hơn và an toàn hơn. Đấy là những điều hết sức quan trọng", đại biểu Bùi Sỹ Lợi nói.
Giáo dục nghề nghiệp: Đột phá mạnh mẽ
Chưa hết, chất lượng đào tạo nghề nghiệp Việt Nam năm 2019 được ghi nhận đột phá mạnh mẽ, với mức tăng tới 13 bậc- Việt Nam là nước thăng hạng cao nhất trong khu vực ASEAN, theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).
Với việc tăng 13 bậc, đào tạo nghề nghiệp đã vượt chỉ tiêu Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 (lên từ 20- 25 bậc, năm 2019 ít nhất 5 bậc).
Đáng chú ý, ngay từ đầu năm 2019, người đứng đầu ngành Lao động-TB&XH Đào Ngọc Dung nêu rõ, lĩnh vực lựa chọn đột phá của năm là Giáo dục nghề nghiệp, thì đến nay, đi hết chặng đường một năm, thực tế cho thấy, quyết tâm đấy đã thành hiện thực.
Tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp có đột phá mạnh, đạt 2.338 nghìn người, vượt qua cả năm 2018, vốn là một năm ghi dấu kỷ lục trong lĩnh vực này.
Khi được hỏi "cảm nhận của ông về đột phá này", không ngần ngại, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng khẳng định ông "rất hài lòng", vì trong phiên chất vấn tư lệnh ngành trước Quốc hội, ông đã chất vấn lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp và "Bộ trưởng đã thực hiện lời hứa".
"Hứa là làm, và trả lời bằng chính thành quả. Có thể nói, đến nay hệ thống các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp đã được củng cố rất mạnh mẽ. Tuy mới chuyển giao quản lý Nhà nước về Bộ Lao động - TB&XH được hơn 2 năm, nhưng đã đạt được một số kết quả rất khả quan, rất tích cực", ông Nhưỡng nhìn nhận.
Do đó, các đại biểu Quốc hội cho rằng, không quá bất ngờ khi chỉ số về chất lượng đào tạo nghề nghiệp của Việt Nam được Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) – một tổ chức độc lập, uy tín- chấm 44/100 điểm (tăng 3 điểm), và xếp thứ 102/141 quốc gia, tăng ngoạn mục 13 bậc- mức tăng xếp hạng cao nhất trong các quốc gia ASEAN.
Đây cũng là tưởng thưởng xứng đáng cho vị "nhạc trưởng" Đào Ngọc Dung nói riêng, và toàn ngành Lao động- TB&XH nói chung, trong nỗ lực tạo nên những đột phá trong lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp. Đấy là dấu ấn của việc sắp xếp lại tổ chức hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sau khi Chính phủ giao chức năng thống nhất quản lý nghề nghiệp cho ngành LĐ-TB&XH; sắp xếp lại bộ máy sự nghiệp công lập, trong đó hệ thống các trường dạy nghề, các cơ sở đào tạo nghề của ngành…
"Tôi cho đấy là điểm quyết định của thành công", Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nói.
Trên cơ sở thực tiễn đó, tại Diễn đàn quốc gia Giáo dục nghề nghiệp vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, trong những năm gần đây, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đã có nhiều chuyển biến bước đầu đáng ghi nhận. Theo đó, người đứng đầu Chính phủ khẳng định, việc giao cho Bộ Lao động - TB&XH thống nhất quản lý nhà nước về lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp là "chủ trương đúng đắn nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp".
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Tư lệnh Hành động!
Trước thềm năm mới 2020, nhìn lại kết quả triển khai, thực hiện nhiệm vụ năm 2019 của ngành, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Phú Yên Phạm Thị Minh Hiền (đại biểu Quốc hội đoàn Phú Yên) cho rằng, ở tất cả các lĩnh vực, đều chứng kiến nhiều thay đổi đáng ghi nhận: Các nhiệm vụ về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn vệ sinh lao động, cải thiện quan hệ lao động, bình đẳng giới… đều đạt, vượt kế hoạch, có bước tiến nổi trội so với năm 2018.
Nhấn mạnh, trong kết quả chung của toàn ngành, theo nữ đại biểu Quốc hội đoàn Phú Yên, không thể không nói đến vai trò, trách nhiệm, sự quan tâm, sâu sát cao của người đứng đầu ngành.
"Bộ trưởng Đào Ngọc Dung luôn đưa ra các nhóm giải pháp để giải quyết từng khâu, từng bước rất khoa học và chặt chẽ cho từng lĩnh vực của ngành. Với cách thức lãnh đạo, cũng như tư duy điều hành chỉ đạo như vậy, ngành LĐ-TB&XH chắc chắn sẽ tiếp tục có những đổi mới, hứa hẹn năm 2020 với nhiều mục tiêu cao hơn", bà Phạm Thị Minh Hiền tin tưởng.
Cùng chung quan điểm, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhìn nhận, trong năm 2019 Bộ đã có rất nhiều cố gắng, cải tiến và có nhiều động thái tích cực để triển khai tốt các nhiệm vụ. Mặc dù, còn có những vấn đề khó khăn, như về kinh phí, rồi ứng dụng công nghệ thông tin, "nhưng chúng tôi thấy rằng đồng chí Bộ trưởng đã có những chỉ đạo rất kịp thời, để xử lý những vấn đề này. Ví như 2 năm qua, ứng dụng công nghệ thông tin của Bộ tiến bộ vượt bậc, vượt hẳn lên hàng chục bậc so với ban đầu- đó rõ ràng là dấu ấn điều hành, chỉ đạo tương đối quyết liệt của người đứng đầu", ông Nhưỡng nói.
Đi qua năm 2019, ngành LĐ- TB&XH với nhiều nỗ lực, vượt qua khó khăn, thách thức để đạt được các kết quả nổi bật, góp phần cùng cả nước hoàn thành toàn diện 12/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội cả nước.
Có được kết quả như vậy, xét một cách toàn cục, đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đánh giá: "Ngành LĐ-TB&XH chuyển động mạnh, đổi mới, vượt trội, liên tiếp đạt- vượt chỉ tiêu, xuất phát từ quyết tâm chính trị của người đứng đầu, sự đồng thuận vào cuộc của cả hệ thống chính trị và xã hội…"
Những vấn đề "nóng" của ngành được xã hội quan tâm như: giải quyết chính sách người có công, đẩy mạnh lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp, xuất khẩu lao động… theo các đại biểu Quốc hội, rất cần một bàn tay thúc đẩy hoặc tháo gỡ khó khăn từ người "nhạc trưởng". Nhìn vào kết quả nổi bật trong suốt 4 năm qua, bằng vào những cố gắng, tâm huyết, và quyết tâm không ngừng nghỉ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho thấy, ông đã thể hiện được vai trò "nhạc trưởng" ấy.
Vì thế, theo ông Lợi, nếu để nói một câu ngắn gọn về Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thì đấy là hình ảnh một Tư lệnh Hành động!
Từ thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ quyết tâm nỗ lực xây dựng một Chính phủ Kiến tạo, Liêm chính, Hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân, và suốt quá trình dài với những người theo sát ngành LĐ-TB&XH như ông Bùi Sỹ Lợi, đủ để vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội này đưa ra nhìn nhận: "Ông Đào Ngọc Dung là người rất tâm huyết, bền bỉ, nỗ lực. Đi sâu nghiên cứu thực tiễn, tổng kết đánh giá thực tiễn- nghiên cứu cả lý luận, xử lý cả thực tiễn. Đây là tư lệnh ngành có bản chất Tư lệnh Hành động!".
Một số chỉ tiêu chủ yếu năm 2020
Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm 1-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%.
Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị dưới 4%.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 25%.