CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:32

Ngành học nào có tỷ lệ “chọi” cao nhất?

 

Năm 2019, An ninh quốc phòng vẫn là một trong những ngành học có tỷ lệ chọi cao.

 

Dựa vào tổng chỉ tiêu và tổng số nguyện vọng thí sinh đăng ký, Bộ GD&ĐT đã đưa ra tỷ lệ “chọi” của các khối ngành. Đây là một trong những cơ sở để thí sinh tham khảo trước khi đặt bút thay đổi nguyện vọng xét tuyển.

Kết quả thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, khối ngành VII (nhân văn, khoa học xã hội và hành vi, báo chí và thông tin, dịch vụ xã hội, khách sạn - du lịch - thể thao và dịch vụ cá nhân, dịch vụ vận tải, môi trường và bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng) tuyển 104.769 chỉ tiêu mà có đến 739.587 nguyện vọng đăng ký xét tuyển, đạt tỷ lệ “chọi” 1/7.

Tiếp sau đó là khối ngành III (kinh doanh, quản lý và pháp luật) với tỉ lệ “chọi” là 1/6,5; khối ngành VI (sức khỏe) là 1/5,8. Một số khối ngành còn lại như: Khối ngành I (khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên), khối ngành II (nghệ thuật) và khối ngành IV (Khoa học sự sống, khoa học tự nhiên), khối ngành V (Toán và thống kê, Kiến trúc - xây dựng, nông lâm thủy sản, thú y) có tỷ lệ “chọi” thấp hơn, trung bình khoảng từ 1/2,4 - 1/3,5.

Sở dĩ khối ngành VII dẫn đầu về tỉ lệ “chọi” do trong đó có các ngành nhóm An ninh, quốc phòng, tuy chỉ tiêu ít nhưng số nguyện vọng đăng ký thường rất cao nên kéo tỉ lệ “chọi” chung của khối ngành cao lên. Tương tự, khối ngành sức khỏe tuy tổng số nguyện vọng đăng ký không nhiều với khoảng 199.573 nguyện vọng, nhưng do chỉ tiêu ít, chỉ khoảng 34.352 nên tỉ lệ chọi cũng rất cao.

Về phía các trường, thống kê ban đầu cho thấy có nhiều trường nhận được số lượng hồ sơ đăng ký vào trường cao vượt trội so với chỉ tiêu. Đơn cử như Trường ĐH Y Hà Nội - một trong những trường ĐH top đầu, năm nay có khoảng 17.600 thí sinh đăng ký xét tuyển, trong khi chỉ tiêu của trường là 1.120 sinh viên. Như vậy, tỉ lệ “chọi” trung bình xấp xỉ 1/16. Trong số này, ngành Y đa khoa vẫn tiếp tục dẫn đầu về tỷ lệ “chọi” do chỉ tiêu ít nhưng nguyện vọng đăng ký xét tuyển cao gấp nhiều lần.

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội năm nay cũng có khoảng 33.000 thí sinh đăng ký xét tuyển, cao hơn năm 2018 là 9.000 thí sinh. Nếu so số lượng thí sinh đăng ký với lượng chỉ tiêu là 6.680 thì năm 2019 có tỷ lệ chọi trung bình vào trường là 1/5. Còn theo số lượng đăng ký vào ĐH Kinh tế quốc dân, năm nay học sinh đăng ký tăng khoảng 30% trong khi chỉ tiêu ổn định như năm 2018 nên tỷ lệ chọi vào trường năm nay cũng cao hơn.

Theo các chuyên gia tư vấn tuyển sinh, tỉ lệ “chọi” là một yếu tố quan trọng để thí sinh biết về ngành nghề, về trường mình có nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Đây cũng là một trong những kênh để thí sinh tham khảo trước khi đặt bút điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển, để tăng cơ hội trúng tuyển vào các ngành yêu thích. Tuy vậy, nếu không tìm hiểu kỹ, đây cũng có thể là “con dao hai lưỡi” khiến học sinh dễ bị “nhiễu” thông tin.

Thực tế cho thấy, tại một số nhóm ngành đào tạo hoặc các trường ĐH cụ thể, chỉ có một số ngành "hot" là có tỷ lệ chọi quá cao và chính các ngành học này đã đẩy tỷ lệ chọi chung của trường lên cao. Chẳng hạn như ĐH Y Hà Nội, 2 ngành có tỷ lệ chọi rất cao luôn là Y đa khoa và Bác sĩ răng hàm mặt, còn một số ngành học khác như điều dưỡng, y tế công cộng thì tỷ lệ chọi lại thấp. Do vậy, thí sinh cần tham khảo tỷ lệ riêng của từng ngành để đưa ra lựa chọn sáng suốt.

TS Lê Viết Khuyến, Trưởng ban Hỗ trợ tuyển sinh (Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam) cho biết: Không phải tỉ lệ “chọi” cao sẽ khó đỗ, cũng như không phải lúc nào tỷ lệ “chọi” thấp cũng dễ trúng tuyển.

Do đó, thí sinh không nên quá lo lắng không có cơ hội khi đăng ký vào các trường có tỉ lệ “chọi” cao. Đặc biệt, cùng với tỷ lệ chọi, phổ điểm các môn thi trong tổ hợp xét tuyển chính là kênh thông tin mà thí sinh cần tham khảo. Sau khi Bộ GD&ĐT công bố điểm thi, thí sinh có thể dựa vào phổ điểm để điều chỉnh nguyện vọng đã đăng ký cho phù hợp.

PV (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh