THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:21

Chọn đúng ngành học để không bị tụt hậu

 

Nên ưu tiên chọn một ngành học mà làm được nhiều nghề, hoặc tích hợp nhiều ngành để làm một nghề.

 

Đại học không phải là con đường duy nhất để lập nghiệp 

PGS,TS Trần Thị Kim Xuyến, trường ĐH Văn Hiến cho biết: “Theo dự báo, đến năm 2020, Việt Nam sẽ mất 5 triệu việc làm do chất lượng nhân lực hạn chế về trình độ ngoại ngữ và kỹ năng mềm. Thống kê cho biết có 8 nhóm ngành ở nước ta cần nguồn nhân lực trong giai đoạn tới bao gồm: Khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, công nghệ kỹ thuật, kinh tế dịch vụ, chăm sóc sức khỏe, văn hóa - thể dục - thể thao, công nghệ cao trong công nghiệp. Tuy thế CMCN 4.0 với sự phát triển của robot và trí tuệ nhân tạo vẫn không thay thế được con người. Do đó, không tác động nhiều đến khối ngành khoa học xã hội”.

Theo ông Phùng Quán, trường Đại học Khoa học tự nhiên TP. Hồ Chí Minh, hiện có nhiều sự lựa chọn cho học sinh. Tuy nhiên, hãy cân nhắc kỹ trước khi chọn ngành học. Cụ thể, nên ưu tiên chọn một ngành mà làm được nhiều nghề, hoặc tích hợp nhiều ngành để làm một nghề. Các chuyên gia cũng cho rằng, vào đại học không phải là con đường duy nhất để lập thân lập nghiệp. Nếu bình tĩnh nhìn nhận sẽ thấy sau khi tốt nghiệp THPT mà chọn học ngay một nghề “hot” thì tương lai cũng rất tốt; nếu nghề phù hợp với năng lực bản thân thì sẽ có sự ổn định. Một số ngành được coi là có nhiều khả năng dễ tìm được việc làm, thu nhập ổn định có thể kể đến: Sửa chữa ôtô, cầu đường, ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nhật), sửa chữa và lái tàu biển, hộ lý chăm sóc người già, người bệnh, xây dựng dân dụng, chế biến rau củ quả, đầu bếp, nuôi trồng thủy sản...

Tuy nhiên, cuộc CMCN 4.0 sẽ đòi hỏi nhiều hơn thế, vì đã dần xuất hiện robot thay thế con người trong nhiều công việc. Theo các chuyên gia, để đón đầu xu thế cũng như hội nhập tự tin, biến thách thức thành cơ hội nghề nghiệp cho bản thân, ngay từ bây giờ người học cần chú ý những điểm cần thiết như phải thành thạo ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh vì ngôn ngữ này đã trở nên phổ biến ở rất nhiều quốc gia.

“Cuộc CMCN 4.0 về bản chất là sự thay đổi mạnh mẽ về công việc, cách làm việc. Nếu không có nền tảng nghề nghiệp vững vàng sẽ khó có cơ hội. Cũng cần chuẩn bị tác phong công nghiệp gồm rất nhiều kỹ năng mềm như: Thuyết trình, giao tiếp, giờ giấc, thích ứng với môi trường công sở, tinh thần làm việc…”, bà Xuyến cho biết thêm.

Đừng hỏi ngành nào “hot”, hãy hỏi mình có “hot” không

Nhiều người dự báo chừng 2 thập kỷ nữa, robot sẽ tràn ngập ở Việt Nam, khi đó 28% lao động sẽ thất nghiệp. Thực tế thời gian tới, những công việc giản đơn (lái xe, giao hàng, bán hàng...) do robot thực hiện thay thế con người. “Giải tỏa” nỗi lo này của nhiều người, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh cho biết: Ở thời đại 4.0, thanh niên cần thay đổi quan điểm, tác phong lao động và thay đổi công việc. Đối với thế hệ trước đây, lao động giỏi chuyên môn, tay nghề giỏi là có thể thành công, nhưng ngày nay hai điều đó chỉ một phần, quan trọng nhất là phải phát triển năng lực, biến mình trở thành người có tư duy, sáng tạo gắn liền với công nghệ. Các ngành nghề luôn hiện hữu và chuyển đổi, phát triển nên đòi hỏi người lao động phải sáng tạo. Vì vậy, các bạn trẻ đừng hỏi ngành nghề nào hot, mà hãy hỏi mình có hot không", ông Tuấn nhấn mạnh.

Cũng theo ông Tuấn, thời gian tới, các bạn trẻ cần lưu ý 5 yếu tố: Có nghề nghiệp; việc làm thời kỳ này theo xu hướng mở; lao động phải có kỹ năng; người lao động phải nắm được công nghệ thông tin (CNTT); phải giỏi ngoại ngữ. "Các ngành nghề sẽ chuyển đổi cùng với sự phát triển của CNTT nhưng đều cần nhân lực chất lượng cao, cần người giỏi kỹ năng, do đó chọn ngành đúng, học giỏi chắc chắn thành công", ông Tuấn khẳng định.

Đồng quan điểm, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, việc đào tạo lao động tay nghề cao luôn là thách thức không chỉ trong cuộc CMCN 4.0, vì vậy, rất cần sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp để đào tạo cho học viên tay nghề phù hợp với yêu cầu cụ thể của doanh nghiệp. “Mặt khác, các nhà tuyển dụng cũng phải ra được yêu cầu rõ ràng về chất lượng lao động trong quá trình hợp tác đó. Cuộc CMCN 4.0 là quá trình đan xen các công nghệ mới trong nền sản xuất chứ không phải là thay thế hoàn toàn bằng máy móc tự động hóa. Sử dụng robot, các nhà máy sẽ giảm thiểu được các lao động nặng nhọc, độc hại, vì thế phải đào tạo được công nhân biết sử dụng, vận hành robot. Riêng với ngành dệt may, máy may công nghiệp cũng chưa thể thay thế hoàn toàn được công nhân và điều đó vẫn là lợi thế của Việt Nam. Tuy nhiên, bản thân lao động cũng cần chủ động trong việc tiếp nhận học hỏi các kiến thức mới để phù hợp hơn với công việc”, ông Cẩm nói.

THANH NHUNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh