Việt Nam có ngành học lọt tốp 400 thế giới
- Giáo dục nghề nghiệp
- 20:59 - 27/02/2019
Theo Lao động: Ngày 27/2, tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds - QS (Vương quốc Anh) vừa công bố kết quả Bảng xếp hạng QS thế giới theo 48 ngành, nhóm ngành đào tạo thuộc 5 lĩnh vực cho các cơ sở giáo dục đại học từ 153 quốc gia trên thế giới. Trong đó, năm 2019, chỉ 1222 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng theo nhóm ngành.
Tin từ Giaoducthoidai.vn cho hay: Nguồn tin từ Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, năm 2019 chỉ 1222 cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) được xếp hạng theo nhóm ngành. Trường ĐHBK Hà Nội có 3 nhóm ngành thuộc lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ là Kỹ thuật Cơ khí, Hàng không và Chế tạo; Kỹ thuật Điện - Điện tử; Khoa học máy tính và Hệ thống thông tin đứng đầu Việt Nam được lọt vào tốp 400 - 550 thế giới.
Cũng thông tin từ Lao động: Cụ thể, nhóm ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử được xếp hạng tốp 401-450 thế giới (có ER đạt 61,9/100 điểm). Nhóm ngành Kỹ thuật cơ khí, Hàng không và Chế tạo đứng trong nhóm 451-500 (có ER đạt 61,3/100 điểm). Nhóm ngành Khoa học máy tính và Hệ thống thông tin (Công nghệ thông tin) thuộc nhóm 501-550 (có ER đạt 56,3/100 điểm).
Sinh viên khoa CNTT, Trường ĐHBK Hà Nội.
Trước đó, trong bảng xếp hạng các trường đại học Châu Á (QS Asia) 2018 – 2019, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã xếp ở vị trí 261 – 270, vươn lên 30 bậc so với năm 2018.
Bảng xếp hạng các trường đại học trên thế giới theo lĩnh vực của tổ chức QS (QS World University Rankings by Subject – viết tắt là QS WRU by Subject) được đánh giá là bảng xếp hạng rất uy tín.
Bảng xếp hạng QS được xây dựng dựa trên 4 tiêu chí, bao gồm: uy tín trong giới hàn lâm (Academic Reputation - AR), uy tín với nhà tuyển dụng (Employer Reputation - ER), tỉ lệ trích dẫn trung bình trên một bài báo (Citations per paper) và chỉ số H-index đo lường năng suất và mức độ tác động của các công bố khoa học của đội ngũ giảng viên. Tùy theo từng lĩnh vực, trọng số của các tiêu chí sẽ khác nhau.
Như vậy, tiêu chí xếp hạng của QS nhấn mạnh vào đóng góp và tác động của chất lượng đào tạo của một ngành, lĩnh vực đào tạo đối với xã hội (thông qua đánh giá của doanh nghiệp, đội ngũ hàn lâm) và các đóng góp cho hoạt động nghiên cứu khoa học (thông qua mức độ trích dẫn và chỉ số H-index).