CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:20

Ngành dệt may thiếu lao động chất lượng cao

“Cái khó bó cái khôn”

Nhìn vào bản quy hoạch nêu trên thì bình quân mỗi năm ngành dệt may cần thêm khoảng 160.000 lao động, chưa kể phải bổ sung cho số lao động đến tuổi nghỉ hưu và rời bỏ ngành. Đây thực sự là một áp lực rất lớn, trong khi hiện tại lao động ngành này đang rất thiếu và yếu cả về lao động trực tiếp hay chức danh quản lý, kinh doanh và chuyên môn nghiệp vụ.

Nếu không nhanh chóng giải bài toán nguồn nhân lực, thì khi xóa bỏ rào cản thuế quan vào cuối năm 2015, dệt may Việt Nam sẽ khó cạnh tranh được với các nước khác ngay trên sân nhà.

Để đẩy mạnh hơn nữa việc đào tạo nhân lực cho ngành dệt may, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cần đề ra các chính sách hỗ trợ cho hoạt động đào tạo, đưa quy định tỷ lệ phần trăm tái đầu tư cho đào tạo; mở rộng quy mô, đón đầu các cơ hội phát triển sản xuất kinh doanh mang lại cho ngành dệt may từ các hiệp định thương mại tự do FTA, TPP, đòi hỏi các các doanh nghiệp (DN) phải có nhiều lao động. Tuy nhiên, hiện nay các DN ngành dệt may, nhất là khu vực phía Nam phải đối mặt với một thực trạng là sự dịch chuyển nhân lực, khó tuyển được lao động chất lượng cao.

Đặc thù dịch chuyển nhân lực khiến ngành dệt may gặp khó khăn trong đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng.  (Ảnh minh họa).

Lao động trong ngành dệt may hiện đang tăng nhanh, tập trung chủ yếu trong các DN ngoài quốc doanh, sau đó là DN 100% vốn nước ngoài. Hai loại hình DN này hiện đang thu hút 2/3 lao động của toàn ngành dệt may. Do yêu cầu về lao động của ngành này tăng cao nên khả năng đáp ứng của cơ sở đào tạo không theo kịp, dẫn đến tình trạng tranh giành lao động giữa các DN trong ngành tăng lên mức báo động. Khi tình trạng này xảy ra, các DN càng ngại đào tạo người lao động, vì khả năng họ rời bỏ Cty sau khi được đào tạo là quá lớn. Giải pháp được nhiều DN áp dụng là tăng thu nhập để giữ chân người lao động hơn là tập trung đào tạo. “Cái khó bó cái khôn”, đây cũng là nguyên do ngành dệt may mãi loay hoay với bài toán nguồn nhân lực.

Phải đột phá nếu không muốn gia công giá rẻ

Trước thực trạng nêu trên, ông Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, các doanh nghiệp để giữ chân người lao động và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thì cần có các chính sách hỗ trợ để kích thích công nhân tự nâng cao tay nghề, cụ thể là chế độ tiền lương, tiền thưởng vượt định mức phải thiết kế công bằng, hợp lý phù hợp với sự đóng góp của người lao động; thiết lập một chính sách khen thưởng mang tính chất động viên kích thích công nhân.

Tổng nhân lực của ngành dệt may hiện khoảng 2,5 triệu người, nhưng lao động công nghiệp chỉ chiếm khoảng 15%. Nghiêm trọng hơn, trên cả chuỗi cung ứng, trừ những khâu liên quan đến sản xuất may và sợi, thì nhân lực của ngành thiếu toàn diện, gần như không có đơn vị nào đào tạo lực lượng này.

Ông Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghiệp dệt may thời trang Hà Nội, cho biết, mỗi năm cả nước chỉ đào tạo được 20- 30 người ở bậc đại học cho ngành dệt may, vì thế “cơn khát” về nguồn nhân lực chất lượng cao thực sự là bài toán khó giải. Trong khi đó, mỗi năm Việt Nam cần tới 2.500 nhân lực kỹ thuật cho ngành dệt may, và ước tính, nhu cầu cán bộ kỹ thuật cho ngành dệt, sợi, nhuộm khoảng 300 người.

 “Với đội ngũ lao động yếu về kỹ thuật, lực lượng các nhà thiết kế có khả năng sáng tạo cũng thiếu, vì thế dệt may Việt Nam cũng thiếu những thiết kế, mẫu mã tạo được thương hiệu đủ sức cạnh tranh với thời trang các nước. Nếu cứ mãi loay hoay ở trình độ thấp, dệt may Việt Nam đành chịu làm gia công giá rẻ và không thể phát triển được”, ông Hiệp nói.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết: “Theo Quy hoạch, riêng tại TP Hồ Chí Minh đến cuối năm 2015 đã cần tăng thêm khoảng 19.500 lao động cho ngành dệt may, đến năm 2020 cần khoảng 20.250 lao động, trong đó nhu cầu tăng thêm về đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật viên và nhà thiết kế lần lượt là 500 và 1.000 người. Tuy nhiên, khả năng đáp ứng theo như tính toán của TP. Hồ Chí Minh là rất hạn chế”. 

Nguyễn Thanh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh