THỨ HAI, NGÀY 25 THÁNG 11 NĂM 2024 05:55

Thiếu hụt nhân lực chất lượng cao ngành công nghệ thông tin

 

Dự báo lựa chọn ngành nghề để thích ứng

Chia sẻ về nhu cầu nhân lực ngành CNTT, ông Đinh Hồng Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn quản trị doanh nghiệp Tinh Vân cho rằng: Lập trình phần mềm được đánh giá là một trong số ít nghề có khả năng “miễn dịch” với khủng hoảng kinh tế hiện nay, đặc biệt với cuộc cách mạng 4.0. Bởi khi mọi thứ, mọi việc đều có nhu cầu tự động hóa bằng robot, máy móc thì càng không thể thiếu những kỹ sư công nghệ phần mềm lập trình cho những con robot và máy móc này.

Báo cáo tuyển dụng nhân lực trong quý II/2017 của Navigos Search - Công ty tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao thuộc Tập đoàn Navigos Group cũng cho thấy: Các công ty Fintech (các công ty kinh doanh dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ) đang có nhu cầu tuyển dụng rất lớn các kỹ sư CNTT có kinh nghiệm về mảng dữ liệu (data) và có kiến thức về tài chính.

Ngành CNTT, chủ yếu tập trung vào mảng dịch vụ internet trong các công ty liên quan đến sử dụng công nghệ trong lĩnh vực vận tải, bất động sản, lập trình game hay thanh toán trực tuyến có nhu cầu tuyển dụng cao thứ ba. Các ngành có nhu cầu tuyển dụng tiếp theo gồm ngân hàng - tài chính - bảo hiểm, ngành cung cấp các dịch vụ chuyên nghiệp như quảng cáo - giáo dục… ngành chăm sóc sức khỏe, du lịch khách sạn và vận tải...

Tuy nhiên, tại Việt Nam có rất ít các ứng viên có kinh nghiệm đáp ứng được nhu cầu nên các công ty này buộc phải tuyển kỹ sư người nước ngoài sang Việt Nam làm việc và nắm giữ các vị trí đòi hỏi có nhiều kinh nghiệm tương ứng. Thực tế hiện nay do quá thiếu, các công ty Fintech chấp nhận tuyển sinh viên mới ra trường và họ tự đào tạo nguồn lực để có thể đảm đương được các yêu cầu này.

 

Ngành CNTT luôn phát triển với tốc độ cao khiến nhu cầu về nhân lực tăng cao. (Nguồn ảnh: Internet).

 

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực CNTT, ngành Data Technology sẽ rất phát triển trong vòng 3 năm tới. Các công ty trong ngành này đang rất cần tuyển kỹ sư IT trong lĩnh vực xử lý dữ liệu (data processing) và kỹ sư IT có kinh nghiệm liên quan đến machine learning, là một lĩnh vực thuộc trí tuệ nhân tạo liên quan đến việc nghiên cứu và xây dựng các kỹ thuật cho phép các hệ thống “học” tự động từ dữ liệu để giải quyết những vấn đề cụ thể. Trong khi đó, ở Việt Nam, rất ít trường đào tạo bài bản ngành học này. Do vậy, các doanh nghiệp phát triển các sản phẩm và dịch vụ trên nền tảng online đang có nhu cầu tuyển dụng các vị trí kể trên. Tuy nhiên, thị trường chưa có nhiều ứng viên có thể đáp ứng được.

Cũng theo dữ liệu từ thị trường tuyển dụng nhân lực trực tuyến trong quý II/2017, các yêu cầu tuyển dụng cho các vị trí cấp trung, cấp cao của các doanh nghiệp trong mảng sản xuất hiện đang chiếm ưu thế.

Nhu cầu nhân sự CNTT cao nhất trong lịch sử

Những năm gần đây, ngành CNTT luôn phát triển với tốc độ cao khiến cho nhu cầu về nhân lực cũng tăng cao. Theo dự báo của trang tuyển dụng uy tín Vietnamworks, trong năm 2017 và 2018 có gần 80.000 nhân lực CNTT sẽ ra trường nhưng so với nhu cầu tính đến cuối năm 2018, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 70.000 nhân lực ngành này. Theo dự báo của Vietnamworks, với gần 80.000 nhân lực CNTT sẽ ra trường trong năm 2017 và 2018, so với nhu cầu tính đến cuối năm 2018, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 70.000 nhân lực về CNTT.

Theo TS Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng trường Đại học FPT, chất lượng đào tạo thuộc về các trường đại học. Vì vậy, để đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, các trường phải luôn cập nhật chương trình học và cung cấp kỹ năng tự học để sinh viên ra trường luôn sẵn sàng với những thay đổi đang diễn ra. Còn TS Vũ Văn San, Giám đốc Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông cho biết: Nếu đào tạo không nắm bắt được nhu cầu thực tiễn của xã hội, của doanh nghiệp thì sẽ đi chệch hướng. Có khi những thứ doanh nghiệp cần thì không đào tạo mà nhà trường lại đi dạy những cái mà doanh nghiệp không cần. “Nếu doanh nghiệp thực sự cần nguồn nhân lực đáp ứng nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của mình thì nên chủ động trao đổi thường xuyên với nhà trường. Sau khi có sự trao đổi, bàn bạc, nhà trường sẽ tìm cách điều chỉnh chương trình đào tạo cho phù hợp. Một chương trình khung cứng nhắc, không linh hoạt sẽ làm cản trở quá trình phát triển nhất là đối với một ngành như CNTT”, ông San nhấn mạnh.

NGỌC ANH- T.NGỌC

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh