CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:10

Lao động nữ ngành công nghệ thông tin “lép vế” trước đồng nghiệp nam

 

Lao động nữ trong ngành công nghệ thông tin chiếm 30%

Trong xã hội hiện đại, công nghệ thông tin (CNTT) đã và đang giúp mọi người tiếp cận nền giáo dục tiên tiến hơn, học hỏi kĩ năng mới cần thiết cho công việc hoặc mở đường cho quá trình khởi nghiệp thành công. CNTT còn là yếu tố quan trọng giúp các tổ chức và doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu cộng đồng nhờ mở rộng cơ hội tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, giáo dục, ngân hàng vi mô và các dịch vụ thiết yếu khác.

Theo ông Vũ Minh Trí, Tổng Giám Đốc Microsoft Việt Nam, ngành CNTT đang có những bước phát triển như vũ bão với các xu hướng thiết bị cá nhân, điện toán đám mây và Big data. Trong thế giới toàn cầu hóa như hiện nay, CNTT đang từng bước trở thành một lĩnh vực trọng yếu, hứa hẹn sẽ mang lại giá trị kinh tế lớn và là điểm tựa cho sự phát triển của mỗi quốc gia. Ở Việt Nam, người tiêu dùng và doanh nghiệp cũng từng ngày hội nhập với những xu hướng chung của thế giới. Từ đó, tạo nên một nhu cầu nhân lực rộng lớn và cơ hội làm việc, thăng tiến cao.

Tuy nhiên, một thực tế mà những ai làm trong ngành CNTT lâu năm đều có thể nhận ra, đó là có quá ít nữ giới đang làm việc trong lĩnh vực này. Theo báo cáo nhân sự của 11 công ty công nghệ lớn nhất thế giới như Intel, Microsoft, Samsung... tỷ lệ nữ giới làm việc tại những công ty này chỉ chiếm khoảng 30%.

 

 

Tại Hội thảo “Tương lai việc làm và tác động đối với thị trường lao động”  bà Nguyễn Phương Mai - Giám đốc điều hành của Navigos Search cho rằng, lĩnh vực công nghệ thông tin tạo nhiều cơ hội việc làm cho lao động nữ. Tuy nhiên, do những hạn chế của nội dung và phương thức đào tạo, cũng như những hạn chế nội tại của lực lượng lao động, nên thời gian qua, tỷ lệ lao động nữ được tuyển dụng trong lĩnh vực này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, số nhân sự trung – cao cấp là phụ nữ hiện chỉ chiếm tỷ lệ dưới 20%. Thực trạng đó cần phải sớm thay đổi bằng nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó cần quán triệt sâu sắc các nguyên tắc về bình đẳng giới trong đào tạo và tuyển dụng. “Mất cân bằng giới tính là vấn đề tồn tại nhiều năm trong ngành Công nghệ Thông tin. Những định kiến về vai trò của nữ giới trong lĩnh vực công nghệ cần được phá bỏ, đặc biệt trong thời đại kỷ nguyên số và tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0” – bà Nguyễn Phương Mai đề xuất.

Cơ hội và thách thức

Theo các chuyên gia, việc mất cân bằng giới tính (khoảng 70% nam – 30% nữ) trong ngành Công nghệ Thông tin hoàn toàn xuất phát từ định kiến xã hội, suy nghĩ cá nhân chứ không phải do năng lực hạn chế của nữ giới. Thậm chí, nữ giới còn có nhiều thế mạnh nổi trội hơn nam giới trong công việc: xử lý vấn đề mềm mỏng, giao tiếp khéo léo, có khả năng giải quyết nhiều việc cùng lúc, tư duy tổng hợp và óc sáng tạo tốt. Nữ giới có kỹ năng ngôn ngữ tự nhiên, khả năng làm việc nhóm hiệu quả. Các bạn nữ nên tự tin hơn vào bản thân, phát huy thế mạnh để củng cố vị trí làm việc và tăng hiệu quả công việc.

 

 

Bà Dương Quỳnh Hương, Đồng sáng lập và điều hành Fablab Saigon & Getspaces cho rằng, những định kiến như ngành CNTT thường buồn chán và tẻ nhạt hay nam giới có cơ hội thăng tiến tốt hơn nữ giới giờ đây không còn phù hợp, thậm chí hoàn toàn sai. Theo bà Hương, ngành CNTT hiện nay đang có hai hướng đi để các bạn sinh viên lựa chọn, đó là làm việc trong môi trường thuần công nghệ và ứng dụng công nghệ để phục vụ cho công việc của mình. Trong đó, hướng đi thứ hai mở ra rất nhiều cơ hội cho nữ giới như bán hàng, dịch vụ khách hàng, khởi nghiệp... “Bản thân tôi, tuy tốt nghiệp Thạc sĩ thiết kế và phát triển vi mạch tại Pháp, nhưng cũng chưa bao giờ giới hạn mình trong những khuôn khổ của máy tính hay phòng thí nghiệm”.

Trong khi đó, bà Phạm Thị Tuyết Loan, Giám đốc công nghệ tại Harvey Nash Vietnam cho rằng, nữ giới hoàn toàn hoàn toàn có thể sánh ngang nam giới về khả năng học tập, làm việc cũng như thăng tiến trong lĩnh vực công nghệ. Được biết, sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ tại Pháp và gắn bó 20 với ngành CNTT, bà Loan đã trở thành một trong những nữ giám đốc công nghệ hiếm hoi tại Việt Nam.

“Trong một môi trường làm việc, sự cân bằng giới tính giữa nam và nữ sẽ tạo ra một động lực đáng kể để thúc đẩy năng suất lao động tăng cao. Khi sự mềm dẻo, nhạy cảm, đa năng và bền bỉ của nữ giới sẽ bổ khuyết cho sự thô cứng, vô tâm của nam giới. Từ đó, tạo nên mối quan hệ tương hỗ, giúp đỡ nhau trong công việc, thúc đẩy quá trình sáng tạo. Chính vì vậy, đối với các công ty, tập đoàn lớn đang hoạt động trong một số những lĩnh vực như CNTT, điện tử, viễn thông... việc tuyển dụng các nhân viên là nữ đang được chú trọng rất nhiều. Thậm chí có nơi, nữ giới còn được nhiều ưu đãi hơn so với nam giới khi làm việc”, một chuyên gia về phân tích thị trường lao động cho biết.

 

Theo nghiên cứu của Ủy ban Băng Thông Rộng Liên hiệp quốc với tên gọi Nhân đôi cơ hội số: Tăng cường sự tham gia của nữ giới vào xã hội thông tin, trong 2,8 tỉ người dùng Internet trên toàn thế giới, chỉ có 1,3 tỉ là phụ nữ, trong khi có đến 1,5 tỉ người dùng lại là nam giới. Thêm vào đó, số lượng phụ nữ sở hữu điện thoại di động ít hơn 21% so với nam giới. Bảng nghiên cứu này cũng đặc biệt cho biết, tại những quốc gia đang phát triển, cứ mỗi 10% gia tăng lượng truy cập băng thông rộng sẽ giúp GDP tăng thêm 1,38%. Điều đó cho thấy, nếu mang truy cập đến cho khoảng 600 triệu phụ nữ sẽ đồng nghĩa với việc giúp gia tăng khoảng 18 tỉ đô la GDP toàn cầu.

CHÂU ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh