THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:46

Năng suất lao động giảm 50% do môi trường làm việc nóng lên

Trước vấn đề nóng vốn đang gây nhiều nhức nhối đối với các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn TP. Đà Nẵng, Hội thảo tham vấn và đối thoại với các doanh nghiệp về quy trình chuẩn thực hành gánh nặng nhiệt đã thực sự nóng lên với nhiều ý kiến phản ánh của chính các nhà chủ sử dụng lao động.

Gánh nặng nhiệt, mối lo ngại của nhiều doanh nghiệp

Ông Hà Giang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường, có trụ sở tại quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng chia sẻ: “ Với đặc thù ngành nghề là cơ khí, nhiều máy móc hoạt động liên tục, trong khi nhà xưởng lại lợp tôn nên không khí nơi làm việc của các công nhân tại xưởng luôn nóng hơn rất nhiều so với nhiệt độ ngoài trời. Thời điểm nắng nóng như thời gian vừa qua, cứ tầm từ 9 giờ sáng đến 3 giờ chiều thì nhiệt độ trong nhà xưởng càng nóng thêm”.

 Công nhân bỏ ăn, sức khỏe bị ảnh hưởng, năng suất lao động giảm đáng kể. Để cải thiện điều kiện lao động cho công nhân, ông Hà Giang cho biết, đành phải khắc phục bằng biện pháp thủ công, cứ 1,5 tiếng đồng hồ lại cho bơm nước lên mái tôn nhằm hạ nhiệt trong nhà xưởng. Tuy nhiên, theo ông đây cũng chỉ là biện pháp tạm thời.

Xây dựng là một trong hững ngành nghề đang phải chịu gánh nặng nhiệt cao 

Biến đổi khí hậu đang diễn ra và ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực trên phạm vi toàn cầu. Tại TP. Đà Nẵng, số ngày nắng nóng trong năm kéo dài từ tháng 3 đến tháng 10 hàng năm, theo bà Trần Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Trung tâm COHED, những nghiên cứu gần đây cho thấy, thời gian nắng nóng ở Đà Nẵng đã kéo dài hơn nhiều so với trước, tình trạng nắng nóng cũng diễn tiến cực đoan hơn. Chính điều này đã có những tác động tiêu cực đến sức khỏe của người lao động, làm giảm năng suất lao động, thậm chí có nguy cơ gây tai nạn lao động, suy giảm sức khỏe...

Bà Trần Thị Lan Anh cũng cho biết, gánh nặng nhiệt không chỉ là mối lo ngại đối với chính bản thân người lao động nữa mà nó đã gián tiếp ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, thậm chí bao trùm cả nhiều lĩnh vực lớn như vấn đề sức khỏe, cơ sở hạ tầng, hệ sinh thái, năng suất lao động, nông sản...

Ông Trần Đình Tạo, Giám đốc Công ty Công nghiệp hóa chất mỏ Trung Trung Bộ cho rằng:  Đã đến lúc cần phải có một giải pháp cụ thể, khả thi hơn nhằm ứng phó với gánh nặng nhiệt như hiện nay, nhất là đối với những ngành nghề có nguy cơ cao, thường xuyên phải làm việc dưới ánh nắng mặt trời như xây dựng, cơ khí, khai thác mỏ...

Quần áo chống nhiệt là giải pháp khả thi

Bảo vệ sức khỏe người lao động khỏi các tác động của nhiệt độ cao trong môi trường lao động, Dự án “Nâng cao năng lực ứng phó với gánh nặng nhiệt của người lao động tại nơi làm việc” trên địa bàn TP. Đà Nẵng đã được Trung tâm COHED phối hợp với Sở LĐ-TB&XH TP. Đà Nẵng triển khai thí điểm tại 3 đơn vị gồm:  Công ty CP thép Đà Nẵng, Công ty Công nghiệp hóa chất mỏ Trung Trung Bộ và Công ty CP Vinaconex 25, bước đầu cho thấy những kết quả khả quan.

Ông Phạm Xuân Nam, cán bộ An toàn lao động, Công ty CP Vinaconex 25 cho biết, thời gian qua với việc áp dụng biện pháp tuyên truyền bằng hình thức phát thanh cho người lao động, đã tạo được sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức cũng như cách ứng phó với gánh nặng nhiệt của chính bản thân người lao động.

Ông Nam dẫn chứng: “Trước đây khi làm việc dưới môi trường nắng nóng, công nhân vẫn cố gắng làm việc để được hưởng ngày công, tuy nhiên từ khi có những buổi phát thanh tuyên truyền trước giờ vào làm việc 30 phút, hiện nay mỗi khi thời tiết nắng nóng hoặc môi trường làm việc không đảm bảo, công nhân đều gọi điện xin ý kiến để biết có được nghỉ hay không”.

Chiếc áo chống nhiệt được Trung tâm COHED giới thiệu 

Trước áp lực gánh nặng nhiệt tại các doanh nghiệp, ý tưởng sản xuất quần áo chống nhiệt để giảm bớt gánh nặng nhiệt cho người lao động đã ra đời và rất có thẻ sẽ là giải pháp khả thi nếu như được triển khai đồng loạt.

Anh Phạm Văn Phú, cán bộ Dự án, Trung tâm COHED cho biết: “Chúng tôi mới đặt sản xuất 4 bộ quần áo chống nhiệt do Nhật Bản sản xuất, giá trị mỗi bộ áo quần này gần 4 triệu đồng. Ngoài chất liệu chống nhiệt, chống nóng, cả quần và áo còn được lắp đặt 2 chiếc quạt gió chạy bằng pin. Tuy nhiên theo nhiều người có mặt tại Hội thảo, giá thành bộ quần áo chống nhiệt này quá cao, khó có thể triển khai đồng loạt.

Anh  Phú cho biết, hiện tại sẽ gửi mẫu áo quần này cho các doanh nghiệp thí điểm mặc đề xin ý kiến, rút kinh nghiệm cũng như có những góp ý để bộ quần áo chống nhiệt có thể phù hợp hơn. Đồng thời sẽ liên kết với các nhà sản xuất thiết kế nhằm giảm giá thành để sản phẩm sẽ là lựa chọn tối ưu cho người lao động cũng như các doanh nghiệp khi ứng phó với gánh nặng nhiệt ngày càng gia tăng như hiện nay. 


Bùi Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh