THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:36

Nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nữ

 

41,1% lao động nữ làm những công việc giản đơn

Kết quả điều tra LĐ việc làm quý III năm 2016 của Tổng cục Thống kê, cả nước có 53,27 triệu LĐ có việc làm; trong đó, 25,8 triệu LĐ nữ có việc làm (chiếm 48,48%). Những năm qua, việc nâng cao nguồn nhân lực, tạo việc làm cho phụ nữ là một trong những mục tiêu quan trọng được ưu tiên hàng đầu.

Quỹ quốc gia về việc làm tiếp tục phát huy vai trò hỗ trợ tạo việc làm cho người LĐ, nhất là LĐ nữ khu vực nông thôn. Tính đến tháng 11/2016, tổng nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm đạt trên 5.040 tỷ đồng, doanh số cho vay hàng năm từ 2.000 - 2.500 tỷ đồng, góp phần hỗ trợ giải quyết việc làm cho khoảng 100.000 LĐ mỗi năm (năm 2016 hỗ trợ tạo việc làm cho khoảng 105.000 LĐ), trong đó LĐ nữ chiếm khoảng 60%. Ngoài ra, năm 2016, Quỹ quốc gia về việc làm còn dành riêng một kênh quản lý nguồn vốn cho Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam để giải quyết việc làm cho các hội viên với tổng nguồn Quỹ là 62 tỷ đồng, hỗ trợ tạo việc làm cho trên 1.000 hội viên. Nhiều mô hình tạo việc làm, nâng cao tay nghề như: Câu lạc bộ phụ nữ; tổ vay vốn; phụ nữ yêu khoa học; phụ nữ liên kết với doanh nghiệp... đã góp phần tăng cường sự tham gia của LĐ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Bên cạnh đó, việc hỗ trợ LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được đẩy mạnh. Từ năm 2011 đến nay, mỗi năm, Việt Nam đưa từ 80.000 -100.000 LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; trong đó, 35 - 40% là nữ giới, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững; tạo điều kiện cho LĐ nữ có cơ hội học hỏi kinh nghiệm, hội nhập và rèn luyện tác phong công nghiệp, kỷ luật trong LĐ sản xuất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Theo số liệu báo cáo của Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH), lương bình quân hàng tháng của LĐ nữ làm công có hưởng lương khoảng 4,58 triệu đồng/tháng, thấp hơn so với LĐ nam là 5,19 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, tỷ lệ LĐ nữ trong khu vực phi chính thức khá cao, khoảng 62,4% LĐ nữ làm việc trong gia đình, không hưởng lương và tự làm. Có tới 41,1% LĐ nữ làm những công việc giản đơn; 43,6% LĐ nữ làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp.

 

 

Tăng cơ hội tiếp cận thông tin thị trường với LĐ nữ

Trong giai đoạn 2011 - 2015, đã tuyển sinh đào tạo trên 10,8 triệu người. Trong đó, đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng chiếm 32,5%; đào tạo sơ cấp và thường xuyên chiếm 67,5%; số LĐ nữ chiếm 25,6%, không đạt chỉ tiêu 40% của chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Hỗ trợ đào tạo nghề cho LĐ nông thôn theo chính sách của Đề án 1956 cho trên 2,4 triệu người; trong đó, phụ nữ chiếm 45,8%, vượt chỉ tiêu đề ra. Từ đó, góp phần nâng tỉ lệ LĐ qua đào tạo từ 40% năm 2010 lên 52% năm 2015, trong đó, số có văn bằng, chứng chỉ từ sơ cấp trở lên đạt 20,5%.

Mục tiêu 5 năm (2016 - 2020) là đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp cho khoảng 3,2 triệu người; đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên khoảng 8,8 triệu người. Tăng nhanh tỉ lệ LĐ nữ tham gia đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng; phấn đấu đạt tỉ lệ 40% học sinh, sinh viên học nghề là nữ. Góp phần nâng tỉ lệ LĐ qua đào tạo đạt 65 - 70%, trong đó, tỉ lệ LĐ có bằng, chứng chỉ từ sơ cấp trở lên đạt 25% năm 2020.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm cho biết, đổi mới công tác quản lý về giáo dục nghề nghiệp được coi là một trong hai giải pháp đột phá của Bộ LĐ-TB&XH. Trong đó, tập trung xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục nghề nghiệp; rà soát, ban hành đầy đủ các chuẩn, định mức kỹ thuật trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp để quản lý và vận hành hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo chuẩn; hoàn thiện, nâng cao năng lực bộ máy quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng được yêu cầu quản lý thông qua việc chuẩn hóa cán bộ quản lý các cấp.

Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với tạo việc làm; xã hội hóa công tác dạy nghề, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề cho người LĐ, nhất là LĐ nữ nông thôn lớn tuổi; đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, nhất là sàn giao dịch việc làm, tổ chức thường xuyên phiên giao dịch việc làm lưu động đến các vùng nông thôn, tăng cơ hội tiếp cận thông tin việc làm phù hợp với trình độ và khả năng cho LĐ nữ. Tăng cường lồng ghép nội dung bình đẳng giới, quan tâm giải quyết việc làm cho LĐ nữ, nhất là ở khu vực nông thôn, thông qua các Chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp, việc làm và an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2016 - 2020.

CHÂU ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh