Đổi mới đào tạo nghề cho phụ nữ nông thôn
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 19:50 - 16/08/2016
Hơn 70% LĐ nữ nông thôn không có khả năng tiếp cận đào tạo nghề Theo khảo sát từ Cơ quan Phụ nữ Liên hợp quốc (UN Women) và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), hiện nay hơn 70% LĐ nữ nông thôn ở Việt Nam không có khả năng tiếp cận đào tạo nghề do hạn chế về trình độ văn hóa, kỹ năng nghề nghiệp...
Phỏng vấn 10 phụ nữ hiện đang sống tại thị trấn Hồ (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) được biết, do cách suy nghĩ của bố mẹ, con gái không cần học nhiều, nên họ càng khó tìm việc làm. Không chỉ có vậy, nếp suy nghĩ bảo thủ ấy là nguyên nhân khiến tỷ lệ phụ nữ nông thôn tiếp cận với chương trình đào tạo nghề thấp hơn so với nam giới, cũng như có rất ít phụ nữ đang giữ các vị trí ra quyết định trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Những yếu tố về cơ cấu ngành nghề cũng góp phần làm gia tăng khoảng cách về lương theo giới ở Việt Nam, bởi phụ nữ chiếm số đông trong các ngành sản xuất mặt hàng xuất khẩu bị ảnh hưởng trực tiếp khi kinh tế gặp khủng hoảng.
Thêm vào đó, tốc độ đô thị hóa nhanh và sức ép của việc thu hẹp đất đai canh tác, không có nghề phụ đã khiến cho mức di cư từ nông thôn ra thành thị ngày càng tăng lên, dù chỉ là di cư tạm thời. Theo thống kê, LĐ nữ di cư ở Việt Nam có độ tuổi khá trẻ với hơn 60% phụ nữ có độ tuổi từ 15 đến 29; và 1/3 phụ nữ di cư lần đầu tiên khi còn ở độ tuổi 15-19.
Mặc dù vậy, hơn một nửa phụ nữ LĐ di cư đã có gia đình, chủ yếu là tại nơi xuất cư. Chính vì vậy, có đến 62% phụ nữ LĐ di cư đã có con cái và khoảng 40% đang sống cùng với con cái của họ tại điểm đến. Điểm chú ý là phụ nữ LĐ di cư hầu như chưa được qua đào tạo nghề hay chuyên môn nghiệp vụ gì. Chỉ có dưới 10% được đào tạo ở bậc trung cấp, số còn lại mới chỉ tốt nghiệp phổ thông.
Do đó, việc làm cho LĐ nữ nói chung và LĐ nữ nông thôn nói riêng là việc làm cấp thiết, không chỉ để bảo đảm các mục tiêu kinh tế - xã hội trước mắt mà còn bảo đảm các điều kiện để phát triển bền vững.
Hình thức dạy nghề phải đa dạng, gắn với tạo việc làm
Tính đến nay, Chính phủ đã ban hành cơ bản hoàn thành nền tảng pháp lý cho vấn đề giải quyết việc làm cho phụ nữ nông thôn. Đây cũng là nội dung được Hội LHPN Việt Nam chọn làm khâu đột phá trong chương trình hành động. “Tuy nhiên, giải quyết việc làm cho LĐ nữ còn được thúc đẩy thông qua thực thi quyền bình đẳng giới. Cần đến chính sách ưu tiên LĐ tại chỗ cho phụ nữ tại các vùng chịu áp lực lớn như bị thu hồi đất, vùng không có đất sản xuất, dân số đông... Xét về dài hạn, cần lồng ghép chính sách này vào chiến lược và quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn của địa phương”, Chủ tịch LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cho biết.
Theo đó, bà Hà khẳng định, các địa phương cần tăng cường thực hiện các Đề án hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2015 - 2020, phát triển các hình thức dạy nghề đa dạng, linh hoạt, gắn với tạo việc làm cho LĐ nữ; Thúc đẩy tiếp cận bình đẳng giới trong giáo dục và đào tạo có chất lượng, tạo việc làm cho LĐ nữ, cũng như mở rộng hợp tác quốc tế để chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, đồng thời mở ra nhiều cơ hội học tập, việc làm hơn nữa cho phụ nữ.
Đơn cử tỉnh Bắc Kạn những năm qua, không chỉ làm tốt công tác dạy nghề, Trung tâm Hỗ trợ phụ nữ phát triển, Hội LHPN tỉnh Bắc Kạn còn phối hợp với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho học viên. Tính đến nay, Trung tâm đã tổ chức đào tạo nghề cho hơn 6.000 lượt phụ nữ, trong đó nhiều chị đã vươn lên, học hỏi thêm và trở thành những người có tay nghề khá và giỏi ở địa phương. Theo Phó Giám đốc Trung tâm Hà Thị Thuý Chiều, thời gian tới Trung tâm sẽ tiếp tục nắm bắt, bám sát nhu cầu của phụ nữ để phối hợp với Sở LĐ-TB&XH thực hiện có hiệu quả hơn nữa việc đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho phụ nữ vùng nông thôn và dân tộc thiểu số.
Hay như tỉnh Bắc Ninh, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh trong 5 năm qua đã mở 647 lớp với 18.253 phụ nữ được học nghề, trong đó có 12.770 phụ nữ có việc làm với mức thu nhập bình quân từ 2,5 - 4 triệu đồng/người/tháng, góp phần không nhỏ trong việc chuyển đổi cơ cấu LĐ nữ nông thôn, giải quyết việc làm tại chỗ, cung cấp LĐ cho các khu công nghiệp. Đặc biệt các nghề may công nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, trồng nấm, nấu cỗ, chăn nuôi thú y... thu hút nhiều LĐ nữ, giúp chị em chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm tại chỗ và tăng thu nhập cho gia đình. Ngoài việc tổ chức các lớp đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Bắc Ninh còn tập trung khai thác các nguồn vốn trong nước và quốc tế cho chị em vay đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi, bình quân mỗi năm trên 100 tỷ đồng. Qua đó, chị em có vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống, tạo nhiều việc làm cho chị em trong lúc nông nhàn...
Do đó, với các địa phương khi biết gắn kết chính sách hỗ trợ học nghề, với giải quyết việc làm, đã tạo một luồng gió mới giúp cho đời sống chị em phụ nữ, nhất là LĐ nữ nông thôn ổn định hơn, nâng cao nhận thức, năng lực và vai trò của mình trong xã hội. Góp phần cùng các cấp, các ngành thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.
Chính phủ đã ban hành Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2015, đào tạo nghề gắn với tư vấn nghề, góp phần tạo công ăn việc làm, tạo thu nhập bền vững, xóa đói, giảm nghèo cho hội viên phụ nữ ở cơ sở; Quyết định 295/QĐ-TTg “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm” giai đoạn 2010 - 2015; Quyết định 1956/QĐ-TTg “Đào tạo nghề cho LĐ nông thôn đến năm 2020”... tạo nền tảng pháp lý để giải quyết việc làm, đặc biệt cho LĐ nữ nông thôn. |