Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo đột phá trong phát triển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ
- Giáo dục nghề nghiệp
- 18:07 - 14/07/2023
Hội nghị đã xác định quan điểm về phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó tập trung tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút, trọng dụng nhân tài; thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Đối với nhiệm vụ phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN), Nghị quyết số 26-NQ/TW và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 chỉ rõ, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35 - 40%. Để đạt được kết quả đề ra, cần tập trung đầu tư cho giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực số, đổi mới GDNN gắn với thế mạnh và định hướng phát triển vùng, coi đây là một trong những khâu đột phá cho phát triển vùng. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng hoạt động một số trường đại học lớn ở Vinh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Nha Trang trở thành những trung tâm đào tạo uy tín trong khu vực và thế giới, trong đó Đại học Đà Nẵng, Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia. Rà soát, sắp xếp lại mạng lưới GDNN. Tập trung ưu tiên đầu tư cho 1 - 2 trường GDNN trong vùng để thực hiện chức năng trung tâm quốc gia, vùng về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao.
Theo quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ chiếm khoảng 26% cơ sở GDNN trong cả nước, tập trung đào tạo các ngành, nghề theo quy hoạch vùng được phê duyệt. Trong đó, có 1- 2 trường thực hiện chức năng trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao; 1 - 2 trường thực hiện chức năng trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng cho biết, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ gồm 14 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương từ Thanh Hoá đến Bình Thuận. Theo thống kê năm 2021, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của vùng khoảng 10.462,3 nghìn người; quy mô lao động của vùng đứng thứ 2 cả nước, sau vùng Đồng bằng sông Hồng. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ tăng từ 11% năm 2005 lên 22,7% năm 2020.
Theo Thứ trưởng, tính đến năm 2021, toàn vùng có 402 cơ sở GDNN, bao gồm: 85 trường cao đẳng, 85 trường trung cấp, 232 trung tâm GDNN (chiếm khoảng 21,11% tổng số cơ sở GDNN cả nước). Bên cạnh đó, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ có 137 cơ sở GDNN ngoài công lập và đầu tư nước ngoài. Tổng số giáo viên đang làm việc trong các cơ sở GDNN của vùng là khoảng hơn 12 nghìn người. Toàn vùng có 11 trường được lựa chọn để đầu tư đồng bộ thành trường chất lượng cao đến năm 2020 trong tổng số 45 trường của cả nước; có 98 trường cao đẳng, trung cấp công lập được lựa chọn 366 lượt ngành, nghề trọng điểm, gồm: 94 lượt ngành, nghề cấp độ quốc tế, 66 lượt ngành, nghề khu vực ASEAN và 206 lượt ngành, nghề cấp độ quốc gia. Trong vùng có 8 trường cao đẳng trên địa bàn 6 tỉnh tham gia đào tạo thí điểm chương trình chuyển giao của Úc và 11 trường cao đẳng tại 7 tỉnh tham gia đào tạo thí điểm chương trình chuyển giao của CHLB Đức.
Các cơ sở GDNN trong vùng đã tuyển sinh được 354.368 người, trong đó tuyển mới trình độ cao đẳng, trung cấp chiếm 17,94% tổng số, thấp hơn bình quân chung cả nước (19,5%), chủ yếu đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng. Giai đoạn 2010 - 2020, có 2.305.359 người trong vùng được đào tạo theo Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Kết quả đào tạo của vùng cao nhất so với các vùng trong cả nước.
Thứ Trưởng Lê Tấn Dũng cho biết, Bộ LĐ-TBXH phối hợp với các Bộ, ban, ngành Trung ương, các tỉnh, thành trong vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đã cụ thể hoá, tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển vùng, nâng cao chất lượng GDNN đến năm 2030, tầm nhìn 2045, với 9 nhiệm vụ, 9 giải pháp trọng tâm. Với thế mạnh của vùng là giáp biển, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với các địa phương tổ chức đào tạo nhân lực thuỷ sản theo chỉ tiêu nâng cao tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực thuỷ sản được đào tạo các trình độ tăng từ 28,4% năm 2010 lên khoảng 45% năm 2015 và khoảng 68% năm 2020. Tổ chức thí điểm đào tạo nghề Máy trưởng, Thuyền trưởng hạng IV cho ngư dân 10 địa phương trong vùng và đã tổng kết, chỉ đạo nhân rộng ở các tỉnh ven biển. Lựa chọn 5 trường đào tạo các nghề lĩnh vực thuỷ sản và 25 trường đào tạo các nghề liên quan phát triển kinh tế biển.
Bên cạnh kết quả đạt được, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cũng chỉ ra một số điểm còn tồn tại, hạn chế trong phát triển GDNN của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ. Theo Thứ trưởng, quy mô tuyển sinh đào tạo hàng năm có tăng nhưng chưa cao so với tiềm năng và nhu cầu của doanh nghiệp trong vùng. Cơ cấu trình độ đào tạo chưa hợp lý. Công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT và học nghề triển khai còn nhiều bất cập dẫn đến tuyển sinh đầu vào học nghề ở trình độ cao đẳng, trung cấp ở mức thấp. Chất lượng đào tạo của một số cơ sở GDNN còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, nhất là các lĩnh vực, ngành, nghề đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật cao. Tỷ lệ cơ sở GDNN xã hội hoá của vùng còn thấp hơn mức bình quân chung của cả nước. Hầu hết các địa phương trong vùng chưa bố trí quỹ đất hoặc đất có đủ cơ sở hạ tầng để thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hoá. Cơ sở vật chất một số cơ sở GDNN chưa đạt chuẩn theo quy định; thiết bị đào tạo còn thiếu về số lượng, chủng loại theo quy định danh mục thiết bị đào tạo tối thiểu.
Trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đề nghị các địa phương trong vùng thực hiện việc rà soát, sắp xếp cơ sở GDNN công lập bảo đảm phù hợp với chiến lược, quy hoạch các cấp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả, từng bước tự chủ theo lộ trình, đồng thời bảo đảm quy mô đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực của địa phương, vùng trong từng thời kỳ. Các địa phương cần đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh tốt nghiệp THPT, THCS; bố trí quỹ đất để phát triển cơ sở GDNN bảo đảm phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia; bố trí nguồn lực ngân sách địa phương đầu tư cho các cơ sở GDNN; đẩy mạnh thông tin thị trường lao động, nhất là thông tin việc làm gắn với nhu cầu nhân lực qua đào tạo.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH thực hiện có hiệu quả công tác phân luồng học sinh tốt nghiệp THPT, THCS theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.