THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 07:50

ĐB Quốc hội đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định dạy văn hóa trong các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Đoàn Thái Bình): Cần quan tâm hơn đến giáo dục nghề nghiệp

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Đoàn Thái Bình): Cần quan tâm hơn đến giáo dục nghề nghiệp

Ngày 31/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

"Gỡ khó" cho các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp: Chưa được giải quyết dứt điểm

Cho rằng cần quan tâm hơn đến giáo dục nghề nghiệp, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Đoàn Thái Bình) nêu từ năm 2020, hoạt động giáo dục nghề nghiệp có dạy văn hóa tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế. Do đó, nhiều học sinh đã không chọn lựa chọn hình thức chọn học giáo dục nghề nghiệp… 

Đại biểu Dung khẳng định: Từ nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm đến việc hướng nghiệp, phân luồng liên thông và phát triển giáo dục nghề nghiệp. Một trong những chính sách đó là tổ chức cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, vừa học nghề, vừa học văn hóa trung học phổ thông theo hình thức giáo dục thường xuyên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Vấn đề này cũng đã được quy định cụ thể trong Luật Giáo dục và Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Tuy nhiên, từ năm từ năm 2019 trở về trước đã có gần 300 trường trung cấp, cao đẳng vừa tổ chức dạy nghề, vừa dạy chương trình văn hóa trung học phổ thông theo hình thức giáo dục thường xuyên cho học sinh học nghề ngay tại trường.

Mỗi năm, hệ thống giáo dục nghề nghiệp giảng dạy cho khoảng 350.000 học sinh, góp phần đẩy mạnh phân luồng người học sau trung học cơ sở và giáo dục nghề nghiệp. Thế nhưng, từ năm 2020, hoạt động này tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thì đã bị dừng lại. Ý kiến này cũng đã được gửi tới Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như Thủ tướng Chính phủ để giải quyết dứt điểm.

"Vấn đề này cũng đã được đưa vào Nghị quyết chất vấn tại Quốc hội khóa XIV nhưng cho đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm", đại biểu nói.

Ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo lắng nghe ý kiến đại biểu Quốc hội

Ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo lắng nghe ý kiến đại biểu Quốc hội

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng ban hành Thông tư 15, trong đó hướng dẫn việc dạy văn hóa, khối lượng văn hóa phổ thông trung học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên cũng chưa giải quyết được vấn đề, chưa tháo gỡ được cái nút thắt này.

Do là Thông tư này chỉ có quy định là cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp dạy 4 môn văn hóa mà không phải là dạy 7 môn để các cái học sinh học ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn tham gia được vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông cũng như là có điều điều kiện để thi tiếp lên đại học sau khi học chương trình trung cấp, cao đẳng.

Bởi bất cập này, nhiều học sinh đã không chọn học vừa học nghề, vừa học trung học phổ thông tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Bởi vì có sự khó khăn trong việc đi học, sự phối hợp giữa hai cơ sở giáo dục nghề nghiệp và trung tâm giáo dục thường xuyên không được thuận lợi.

Trước bất cập trên, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo dứt điểm, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng phải ban hành quy định dạy văn hóa trung học phổ thông và là hình thức giáo dục thường xuyên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (đoàn Hải Dương) quan tâm đến các vấn đề an sinh xã hội, và người lao động

Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (đoàn Hải Dương) quan tâm đến các vấn đề an sinh xã hội, và người lao động

 

Đề xuất Chính phủ nghiên cứu, xây dựng quỹ dự phòng an sinh xã hội

Quan tâm đến vấn đề bảo đảm quyền an sinh xã hội cho người lao động, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Hải Dương) nhìn nhận, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong thời gian qua đã làm cho thị trường lao động Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề. Tình trạng sụt giảm sản xuất của các doanh nghiệp dẫn đến hàng trăm nghìn người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm, nhất là tại các khu công nghiệp, gây ảnh hưởng tới đời sống và quyền an sinh xã hội của người lao động.

"Họ không còn hoặc khó có khả năng chi trả cho các nhu cầu thiết yếu như chăm sóc sức khỏe, y tế, lương thực phẩm, v.v.. kéo theo nhiều hệ lụy cho xã hội, như bạo lực, bỏ học hay tệ nạn xã hội", đại biểu nói.

Bà Dung băn khoăn, “liệu rằng Chính phủ đã dự liệu giải pháp kịp thời và dài hạn cho những rủi ro đó hay chưa, bởi điều này không chỉ ảnh hưởng tới doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng tới cả nền kinh tế quốc gia”.

Từ đó đại biểu Dung cho rằng, tại thời điểm này, người dân và doanh nghiệp đang rất cần những quyết sách thiết thực để duy trì và bảo đảm an sinh xã hội. Ngoài việc cần thiết tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách xã hội theo hướng xử lý kịp thời và hiệu quả các rủi ro, người làm chính sách cần đặt người lao động ở vị trí trung tâm của chính sách và lấy quyền an sinh xã hội của họ làm tiêu chí đánh giá chất lượng và hiệu quả của chính sách khi đi vào thực tiễn cuộc sống.

“Bên cạnh đó, Chính phủ nên nghiên cứu và triển khai xây dựng quỹ dự phòng an sinh xã hội với tầm nhìn dài hạn nhằm hỗ trợ người lao động mất việc làm, ứng phó với những khó khăn, rủi ro đột ngột. Việc thiết lập quỹ dự phòng sẽ góp phần giảm tải gánh nặng cho các quỹ an sinh xã hội truyền thống, như Quỹ bảo hiểm xã hội, Quỹ bảo hiểm y tế, qua đó bảo đảm tốt nhất quyền lợi và lợi ích của người lao động, góp phần củng cố mức độ an toàn và bền vững của hệ thống an sinh xã hội nước ta”, đại biểu Dung đề xuất.

 

Thanh Nhung

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh