CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:54

Nâng cao chất lượng nguồn lao động: Yếu tố hàng đầu để phát triển kinh tế

PV Báo LĐ&XH có cuộc trao đổi với Cục trưởng Cục Việc làm Nguyễn Thị Hải Vân xung quanh vấn đề này.

Bà có thể khái quát chung về tình hình giải quyết việc làm năm 2016 vừa qua?

- Giải quyết việc làm cho người lao động là một trong những chính sách quan trọng đối với mỗi quốc gia, đặc biệt đối với các nước đang phát triển có lực lượng lao động lớn như Việt Nam.

Kinh tế xã hội nước ta năm 2016 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng chậm, trong nước, kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức bởi diễn biến phức tạp của thời tiết, biến đổi khí hậu. Trước tình hình đó, Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung thực hiện đồng bộ có hiệu quả các nhiệm vụ, giải quyết những vấn đề cấp bách, khắc phục khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân. Kinh tế - xã hội nước ta đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, đó là một trong những nhân tố quan trọng trong việc hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động (trên 80% tổng số việc tạo ra hằng năm).

Năm 2016 thông qua Quỹ quốc gia về việc làm góp phần hỗ trợ giải quyết việc làm cho khoảng 100.000 lao động (bằng 100% kế hoạch năm 2016). Quỹ quốc gia về việc làm đã tạo điều kiện cho các nhóm đối tượng yếu thế như lao động là người tàn tật, lao động là người dân tộc, lao động vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp có cơ hội vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho bản thân và cộng đồng.

Bà Nguyễn Thị Hải Vân.

Bên cạnh việc đẩy mạnh giải quyết việc làm trong nước, năm 2016 cũng được xem là năm thành công đối với hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Ước năm 2016 có khoảng 120 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (bằng 120% kế hoạch năm 2016), góp phần quan trọng trong giải quyết việc làm cho người lao động, xóa đói giảm nghèo và đem lại cơ hội lớn trong việc tiếp thu khoa học kỹ thuật tiên tiến của nước ngoài.

Ước năm 2016 có khoảng 1.635.000 lao động được tạo việc làm (bằng 102,2% kế hoạch năm 2016), trong đó, số lao động được tạo việc làm trong nước khoảng 1.515.000 người, đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh kinh tế - xã hội nước ta còn nhiều khó khăn thách thức trong năm 2016.

Năm 2017, việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng ngày càng tăng năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế sẽ có tác động đến việc giải quyết việc làm như thế nào, thưa bà?

- Chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong quá trình cải cách và phát triển kinh tế khi nền kinh tế luôn duy trì ở mức tăng trưởng cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tăng tỷ trọng trong GDP các ngành công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp,... góp phần quan trọng trong giải quyết việc làm cho người lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Tuy nhiên, tăng trưởng chủ yếu theo chiều rộng, dựa vào lợi thế sẵn có, tài nguyên nhiên thiên, dựa vào vốn đầu tư để phát triển kinh tế, gia tăng lao động chủ yếu dựa vào cơ cấu dân số vàng. Do đó, việc tái cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế sẽ tác động lớn đến việc làm của người lao động. 

Thứ nhất, tái cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng năng suất lao động. Trong khi năng suất lao động ở nước ta mặc dù đã được cải thiện đáng kể nhưng vẫn còn thấp, phần lớn lao động ở khu vực nông thôn làm những công việc chưa đòi hỏi trình độ cao, việc áp dụng những tiến bộ khoa học còn hạn chế, năng suất lao động thấp,... đòi hỏi phải có nỗ lực để tạo ra những cơ hội việc làm có năng suất cao hơn ở khu vực nông thôn phù hợp với điều kiện của từ địa phương, từng vùng.

Thứ hai, tái cơ cấu gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng sẽ thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế giữa các ngành, nội bộ các ngành và toàn bộ nền kinh tế, kéo theo đó là chuyển dịch lao động. Tuy nhiên chất lượng lao động còn hạn chế sẽ trở thành lực cản đối với quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động, đặc biệt là chuyển dịch từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ, là rào cản hướng tới việc làm năng suất, việc làm bền vững cho lao động. Do đó, nâng cao chất lượng nguồn lao động là vấn đề đặt ra hàng đầu để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thứ ba, tái cơ cấu kinh tế gắn với việc các ngành sử dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao từng bước thay thế các ngành công nghệ thấp, thâm dụng lao động và giá trị gia tăng thấp để trở thành những ngành kinh tế chủ lực của nền kinh tế. Do đó những lao động đang làm trong các ngành thâm dụng nhiều lao động sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm, gây sức ép tới vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động, đồng thời đòi hỏi người lao động không ngừng vận động để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp để có thể thay đổi hoặc tìm kiếm việc làm mới.

Thứ tư, tái cơ cấu nền kinh tế sẽ gắn liền với quá trình mở cửa và hội nhập quốc tế. Việc hội nhập quốc tế giúp Việt Nam có cơ hội thu hút đầu tư, góp phần tạo nhiều việc làm mới trong nước cho người lao động, đồng thời lao động được tự do di chuyển, tạo nhiều cơ hội việc làm cho lao động, đặc biệt là lao động có kỹ năng, ngoại ngữ. Tuy nhiên, hội nhập, tự do di chuyển lao động cũng sẽ tạo nên môi trường cạnh tranh gay gắt, càng góp phần gia tăng sự mất cân đối trong cung - cầu lao động trong nước, đặc biệt là nguồn cung về lao động có kỹ năng, trình độ cao.

Chất lượng nguồn lao động - yếu tố hàng đầu để phát triển kinh tế.  Ảnh: T.L    

Để ổn định và thúc đẩy phát triển việc làm cho người lao động trong thời gian tới, theo bà cần chú trọng nhóm giải pháp nào? Đâu là giải pháp trọng tâm?

- Để thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm, cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân, hướng tới mục tiêu việc làm bền vững cho người lao động, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó phát triển kinh tế mang tính quyết định. Cụ thể:Thứ nhất, tiếp tục thực hiện các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh cải cách kinh tế, tái cơ cấu nền kinh tế; phát triển hài hoà, bền vững các vùng, thúc đẩy phát triển các vùng kinh tế trọng điểm để tận dụng lợi thế cạnh tranh của đất nước, thu hút và giải quyết việc làm cho lao động;

Thứ hai, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật: Hoàn thiện thể chế, chính sách về việc làm, thị trường lao động phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh hội nhập; xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho các đối tượng yếu thế, các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội, lao động di cư;

Thứ ba, thực hiện các chính sách ổn định việc làm để bảo đảm việc làm, việc làm bền vững cho người lao động: Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước tạo thêm việc làm có năng suất, chất lượng và hiệu quả. Đẩy mạnh việc thực hiện các chính sách và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tăng cường quản lý, bảo vệ quyền lợi người lao động làm việc ở nước ngoài...;

Thứ tư, nâng cao chất lượng việc làm: Nâng cao chất lượng việc làm thông qua việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động; hỗ trợ chuyển dịch việc làm khu vực nông thôn; nâng cao và cải thiện điều kiện làm việc cho lao động trong khu vực phi chính thức, thúc đẩy chuyển dịch sang khu vực chính thức;

Thứ năm, hỗ trợ phát triển thị trường lao động: Tăng cường vai trò của nhà nước trong việc giám sát và điều tiết quan hệ cung - cầu lao động trên thị trường lao động; nâng cao năng lực hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm trong tư vấn, giới thiệu việc làm và thu thập thông tin thị trường lao động; nghiên cứu chuyển đổi mô hình quản lý hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm đáp ứng yêu cầu; hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động; thu thập, cập nhật, phân tích và xử lý thông tin thị trường lao động kịp thời, đầy đủ, chính xác; dự báo thị trường lao động trong ngắn hạn và dài hạn.

Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi!  

THIỀU VĂN LÝ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh