Góp phần nâng cao chất lượng lao động Việt Nam
- Bài thuốc hay
- 13:14 - 24/04/2015
Bài 2: những tranh cãi về Luật Giáo dục nghề nghiệp
Nghịch lý phân cấp
Theo Luật Dạy nghề, Luật Giáo dục, bậc dưới đại học phân làm hai hệ, gồm: CĐ chính quy, trung cấp chuyên nghiệp (do Bộ GD&ĐT quản lý cấp bằng); còn CĐ nghề, trung cấp nghề (do Bộ LĐ-TB&XH quản lý, cấp bằng).Với việc phân loại rõ ràng giữa hai hệ như đã nêu, các chế độ chính sách, cách gọi, bậc lương, bằng cấp... của giảng viên, giáo viên và HS-SV dạy, học tại hai hệ này hoàn toàn khác nhau.
Cụ thể, nếu dạy tại trường CĐ chính quy sẽ được gọi là giảng viên, nếu dạy ở trường CĐ nghề chỉ được gọi là giáo viên. Với học viên cũng vậy, nếu học hệ chính quy sinh viên tốt nghiệp được cấp bằng cử nhân, kỹ sư, còn học hệ CĐ nghề, học sinh tốt nghiệp được cấp bằng CĐ nghề, trung cấp nghề.
Hiện, chưa có bằng chứng hay kết quả khảo sát độc lập nào chứng minh giữa HS-SV học tại trường chính quy, chuyên nghiệp và CĐ nghề, trung cấp nghề có sự khác nhau về trình độ, tay nghề. Tuy nhiên, có một thực tế, những em theo học hai hệ này luôn bị thiệt hơn bởi khi ra trường được xếp lương theo thang bậc công nhân.
Trao đổi với chúng tôi, thầy Phạm Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Cơ điện xây dựng Việt Xô (Ninh Bình) chia sẻ, do lịch sử nhà trường được sáp nhập từ rất nhiều đơn vị khác nhau nên hiện có tới 3 Bộ quản lý. Trong đó, Bộ NN&PTNT là cơ quan chủ quản, Bộ LĐ-TB&XH quản lý dạy nghề các cấp, còn Bộ GD&ĐT quản lý hệ trung cấp chuyên nghiệp.
Việc có quá nhiều đầu mối quản lí như hiện tại khiến các thủ tục hành chính, giấy tờ của nhà trường rất rườm rà, mất nhiều thời gian. Cũng theo thầy Bình, các chế độ tiền lương và cách gọi khiến các giáo viên làm công tác giảng dạy tại trường nghề gặp rất nhiều thiệt thòi. Nếu như dạy hệ CĐ chính quy được gọi là giảng viên, được thi giảng viên chính, giảng viên cao cấp và kèm theo đó là chế độ về tiền lương, còn dạy tại trường CĐ nghề lương giáo viên được áp theo hệ THPT.
Theo khảo sát của chúng tôi, phần do quy định của Nhà nước, phần do tâm lý của xã hội thích học ra để “làm thầy hơn làm thợ” nên suốt thời gian dài hệ CĐ nghề, trung cấp nghề luôn bị “lép vế” hơn so với hệ CĐ chính quy hay trung cấp chuyên nghiệp. Bằng chứng là sau mỗi kỳ thi, hầu hết các em học sinh sau khi xét tuyển hết nguyện vọng 1, nguyện vọng 2, thậm chí nguyện vọng 3 không đỗ mới quay sang đi học trường nghề. Chính sự mất cân bằng này khiến thời gian gần đây thị trường lao động rơi vào cảnh “thừa thầy, thiếu thợ” hoặc người học phải làm trái ngành trái nghề với tỷ lệ rất lớn.
Thiếu sân chơi bình đẳng
Giữa lúc các chuyên gia, nhà quản lý đã từng và đang công tác tại Bộ GD&ĐT và Bộ LĐ-TB&XH vẫn còn đang tranh luận về một số nội dung trong Luật GDNN, chúng tôi tiến hành khảo sát nhanh một loạt các trường CĐ nghề thì đều nhận được sự đồng thuận rất cao về Luật số 74/2014/QH13 do Quốc hội khóa XIII ban hành.
Thầy Lại Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế công nghệ và chế biến lâm sản (Hà Nam) đánh giá: “Luật GDNN có nhiều điểm mới tiến bộ khi cấu trúc lại hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam, làm thay đổi toàn diện cấu trúc hệ thống giáo dục nghề nghiệp.
Theo đó, hệ thống giáo dục nghề nghiệp mới, bao gồm 3 cấp: Sơ cấp, trung cấp, cao đẳng. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp bao gồm Trung tâm GDNN; Trường TC; Trường CĐ nghề được tổ chức theo 3 loại hình: Cơ sở GDNN công lập, cơ sở tư thục và cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài, không còn phân biệt chính quy, chuyên nghiệp với dạy nghề nữa.
Bên cạnh đó, trước đây đào tạo nghề chỉ có phương thức đào tạo theo niên chế, bây giờ Luật quy định rõ trong tổ chức quản lý đào tạo có thêm 2 phương thức đào tạo mới theo tích lũy mô đun và tích lũy tín chỉ. Các cơ sở GDNN có quyền lựa chọn phương thức đào tạo theo điều kiện của từng cơ sở. Người học được coi là trung tâm của quá trình đào tạo, được học theo năng lực, điều kiện, hoàn cảnh cá nhân, có thể học nhiều nội dung trong cùng thời gian và được công nhận theo hình thức tích lũy các năng lực.
Ngoài ra, người học có thể học rút ngắn hoặc kéo dài thời gian học tập hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực, điều kiện, hoàn cảnh.Thầy Nguyễn Đức Thắng, Hiệu trưởng Trường CĐN Cơ điện Tây Bắc (Hòa Bình) cho rằng, Luật mới rất linh hoạt về thời gian đào tạo trình độ trung cấp đối với người có bằng tốt nghiệp THCS trở lên chỉ còn từ 1 - 2 năm học tùy theo nghề đào tạo khi học theo niên chế.
Đối với người có bằng tốt nghiệp THCS, nếu có nguyện vọng tiếp tục học lên trình độ cao hơn thì phải tích lũy thêm nội dung văn hóa THPT. Đây là nội dung mang tính tự chọn và rất tiến bộ, phù hợp với xu thế phát triển, bởi nội dung văn hóa THPT không trở thành nội dung bắt buộc đối với người học như quy định của Luật Dạy nghề, Luật Giáo dục hiện hành.
Đồng quan điểm, thầy Nguyễn Hồng Nam, Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Cơ điện xây dựng Bắc Ninh, khẳng định: “Những điểm mới trong Luật GDNN giúp cho các trường nghề thuận lợi hơn trong công tác tuyển sinh, thu hút người học. Hiện nay, nhu cầu tuyển lao động qua đào tạo nghề của các DN là rất lớn, trong khi đó các cơ sở dạy nghề lại đáp ứng được yêu cầu này.
Chính vì vậy, chúng tôi tự tin rằng, đầu ra của HS-SV tại các trường nghề (kỹ sư thực hành) sẽ thuận lợi hơn rất nhiều so với trường hàn lâm trước kia.”
Luật GDNN cấu trúc lại hệ thống giáo dục quốc dân, làm thay đổi toàn diện cấu trúc hệ thống GDNN theo hướng thống nhất. Các cấp trình độ đào tạo cao đẳng, trung cấp, sơ cấp tương thích với hệ thống giáo dục nghề nghiệp của các nước trong khu vực ASEAN, thế giới và đảm bảo tính hội nhập quốc tế trong đào tạo và phù hợp với các nguyên tắc Việt Nam đã ký kết với các nước trong khu vực ASEAN, tiến tới hình thành Cộng đồng ASEAN vào cuối năm nay. |