THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:06

Nâng chất lượng lao động để cân bằng cung – cầu

“Vì lý do đó, tỉnh Sóc Trăng đang vận dụng tốt mô hình tạo việc làm, nâng cao tay nghề người lao động từ các liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn tỉnh, từ đó sẽ đáp ứng được cung - cầu”, ông Lâm Thanh Phong nói trong một cuộc trao đổi mới đây với phóng viên Báo LĐ&XH.

* Công tác dạy nghề, tạo việc làm cho lao động tại gia đình gắn với làng nghề, doanh nghiệp ở Sóc Trăng được xem là một trong những mô hình hay của tỉnh. Tuy nhiên, dường như trong năm 2014 công tác này vẫn chưa đạt được kết quả như kỳ vọng?

  Để tạo việc làm ổn định cho người dân trước mắt là phải có chuyên môn tốt nên việc học nghề được tỉnh quan tâm. Sóc Trăng có hơn 750 000 người trong độ tuổi lao động, chiếm khoảng 59% dân số toàn tỉnh.

Trong đó, chỉ có khoảng 14% lao động qua đào tạo, số lao động nông thôn thiếu việc làm lên đến cả trăm nghìn người. Năm qua, nhiều hộ thất bại trong nuôi tôm sú, phải "treo" ao trong thời gian dài, hàng nghìn người lao động đang làm thuê trong các cơ sở nuôi tôm phải đi tìm việc làm ở nơi khác.

Ông Lâm Thanh Phong, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Sóc Trăng.

Ông Lâm Thanh Phong, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH  Sóc Trăng.

Đến thời điểm này, còn không ít hộ chưa thả tôm giống do thiếu vốn sản xuất. Thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp nông thôn, đã có hơn 70% diện tích lúa được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, khiến hàng nghìn lao động gặt lúa thuê trước đây thiếu việc làm...

Mặc dù nhu cầu lao động cần được đào tạo nghề là rất lớn nhưng qua hai năm thực hiện Đề án 1956, Sóc Trăng chỉ mới mở được 225 lớp, đạt chưa tới 7500 LĐNT được đào tạo nghề.

* Vậy theo ông đâu là những khó khăn chính trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn?

- Việc đào tạo nghề cho LĐNT ở Sóc Trăng chưa gắn kết chặt chẽ giữa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương với quy hoạch phát triển nhân lực và các chương trình dự án khác.

Triển khai công tác dạy nghề thiếu đồng bộ, quyết liệt, trong khi đó, kinh phí đầu tư cho các trung tâm dạy nghề (TTDN) ở từng huyện là tiền tỷ, nhưng chưa đem lại kết quả tương xứng, gây không ít lãng phí.

Có trung tâm chỉ đưa trang thiết bị dạy nghề vào sử dụng được một lần, chưa phát huy được hiệu suất sử dụng. Hầu hết trang thiết bị của các TTDN gần như sử dụng không hiệu quả.

Có nhiều trung tâm không có giáo viên cơ hữu, thiếu cán bộ chuyên trách đào tạo nghề tại địa phương. Các ban chỉ đạo chưa quan tâm phân công các thành viên hoạt động, nên gây ảnh hưởng không nhỏ chất lượng đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho LĐNT.

Điển hình là các cơ sở dạy nghề đào tạo ào ạt nghề may gia dụng, trong khi đó các doanh nghiệp chỉ chú trọng đến số lao động lành nghề, thạo nghề trong các khâu may công nghiệp.

Nhiều người sau khi học nghề chỉ biết may quần áo cho người thân trong gia đình, vì với thời gian học nghề ngắn ngủi, không thể mở tiệm may cạnh tranh với quần áo may sẵn.

Đa số LĐNT là hộ nghèo, kiến thức còn hạn hẹp, nên sau khi học nghề không có vốn, thiếu điều kiện để tổ chức sản xuất phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững.

* Ông đánh giá thế nào về công tác xuất khẩu lao động, tạo công ăn việc làm cho người lao động của Sóc Trăng trong năm vừa qua?

phụ nữ nông thôn giải quyết việc nông nhàn sau khi học nghề.

Phụ nữ nông thôn giải quyết việc nông nhàn sau khi học nghề.

Ngay từ đầu năm 2014, Sở LĐ-TB&XH đã tập trung chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố chủ động triển khai thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ của ngành nên kết quả chỉ tiêu giải quyết việc làm ở các đơn vị đều cơ bản đạt theo kế hoạch.

Công tác XKLĐ được quan tâm trú trọng, tập trung khai thác triệt để thị trường truyền thống Malaysia, bên cạnh đó các địa phương phối hợp cùng với trung tâm DVVL và các doanh nghiệp mở rộng thêm thị trường Nhật Bản, Đài Loan,...

Một số ít lao động tự đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức hợp đồng cá nhân.  Công tác XKLĐ tuy có tăng cao so với cùng kỳ năm trước những vẫn chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Nguồn lao động đăng ký tham gia đi lao động ở nước ngoài tương đối nhiều, nhu cầu vay vốn khá lớn, nhưng đa số không thuộc đối tượng hộ nghèo, gia đình chính sách. Do đó cần có nguồn vốn quỹ việc làm địa phương để giải quyết cho số lao động này vay vốn đi XKLĐ.

Hiện nay, toàn tỉnh có 9 doanh nghiệp đang thực hiện công tác XKLĐ, một số doanh nghiệp như Cty Liên Việt, Incomex, Namico có chính sách hỗ trợ cho lao động (không thuộc diện vay vốn tại NH Chính sách xã hội) vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đây là điều kiện thuận lợi cho lao động có nhu cầu tham gia XKLĐ, đồng thời giải quyết được những khó khăn về mặt vốn vay XKLĐ trong thời gian qua.

* Chúng ta đã nhận diện được những vướng mắc làm ảnh hưởng lớn đến mục tiêu đào tạo nghề, tạo công ăn viêc làm cho người lao động. Vậy trong năm 2015 này, tỉnh có giải pháp gì để tạo cầu nối giữa người lao động và doanh nghiệp?

 Để phát huy hiệu suất sử dụng cơ sở vật chất, nâng cao hiệu quả bộ máy quản lý, tăng cường giáo viên cơ hữu, Sóc Trăng thống nhất sáp nhập TTDN với trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện thành TTDN và giáo dục thường xuyên trực thuộc UBND cấp huyện.

Trung tâm này thực hiện cả ba chức năng: giáo dục thường xuyên, dạy nghề và hướng nghiệp.

Hiện nay, Sóc Trăng đang ráo riết thành lập tổ công tác kiểm tra lại tất cả các TTDN trên địa bàn tỉnh để đánh giá hiệu quả của thiết bị dạy nghề, rà soát các nghề do các trung tâm đã và đang dạy từ trước đến nay nhằm xác định thế mạnh của từng nghề, từ đó vận dụng đào tạo bảo đảm phù hợp với nhu cầu của từng nơi.

Tỉnh đã kiến nghị với Trung ương xem xét, điều chỉnh tăng hỗ trợ học phí và tiền ăn cho các nhóm đối tượng học nghề; triển khai mạnh, đồng bộ Đề án "Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020".

Về phía Sở, sẽ tiếp tục phối hợp Ngân hàng Chính sách Xã hội tháo gỡ khó khăn trong việc để người lao động sau học nghề dễ dàng tiếp cận nguồn vốn; đồng thời tăng cường phối hợp Sở NN&PTNT, trường cao đẳng nghề Sóc Trăng tổ chức thực hiện dạy nghề tại địa phương.

Theo đó, đổi mới và phát triển dạy nghề cho LĐNT, nâng cao hiệu quả đào tạo nghề, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm sau khi đào tạo; củng cố và phát triển mạng lưới dạy nghề công lập từ tỉnh đến huyện, thị xã, thành phố, khuyến khích phát triển các cơ sở dịch vụ dạy nghề, tư vấn việc làm ngoài công lập; tổ chức đào tạo nghề linh hoạt, phong phú về quy mô và số lượng đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu của người học nghề.

Sóc Trăng cần chú trọng hơn nữa đến lĩnh vực đào tạo nghề và giảm nghèo bền vững cho người dân. Thông qua vai trò của đoàn thể, đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn về học nghề và việc làm cho LĐNT.

Ưu tiên phát triển đào tạo những nghề là thế mạnh đáp ứng nhu cầu thiết thực cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; cần lựa chọn, đúc kết các mô hình dạy nghề, giải quyết việc làm cho LĐNT để nhân rộng các mô hình đạt hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, NHCSXH cũng cần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho NLĐ sau khi học nghề dễ dàng tiếp cận được các nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, chăn nuôi.

Ngọc Thiện (thực hiện)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh