Nam Định: Chăm lo nhà ở gia đình chính sách, người có công
- Người có công
- 11:01 - 27/10/2021
Thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, toàn tỉnh hiện có trên 7.730 người có công với cách mạng được hỗ trợ kinh phí cải thiện nhà ở. Cùng với triển khai thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg, UBND tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác xã hội hóa tạo nguồn lực hỗ trợ gia đình chính sách, người có công gặp khó khăn. Trong đó Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, các địa phương tạo điều kiện cho các gia đình người có công được vay vốn ưu đãi đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế; sửa chữa, cải tạo xây dựng nhà ở. Các tổ chức đoàn thể như: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh nâng cao hiệu quả phối hợp tổ chức giúp đỡ các hộ gia đình người có công với cách mạng xây dựng, sửa chữa nhà ở. Bên cạnh đó, từ năm 2015 đến nay, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” ở cả 3 cấp vận động được hàng chục tỷ đồng; xây mới, hỗ trợ sửa chữa hàng trăm nhà tình nghĩa tặng các gia đình người có công.
Theo số liệu của Sở LĐ-TB& XH, 6 tháng đầu năm 2021, các địa phương trong tỉnh đã sửa chữa, xây mới 13 nhà ở của người có công với cách mạng với tổng số tiền là gần 400 triệu đồng. Nhiều địa phương đã thực hiện tốt công tác chăm lo nhà ở cho người có công như thành phố Nam Định và các huyện Nam Trực, Vụ Bản, Xuân Trường, Hải Hậu, Giao Thuỷ.
Ở huyện Nam Trực, thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, toàn huyện có 781 hộ được hỗ trợ nhà ở, trong đó 234 hộ xây mới, 547 hộ sửa chữa với tổng kinh phí 20 tỷ 300 triệu đồng. Cùng với chính sách ưu đãi của Nhà nước, phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” được cán bộ, nhân dân trong huyện tích cực tham gia với những hoạt động cụ thể, thiết thực như: Nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, đóng góp xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, “Sổ tiết kiệm tình nghĩa”, quỹ “Ủng hộ nạn nhân chất độc da cam”… Từ năm 2020 đến nay, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của huyện duy trì trên 300 triệu đồng. Từ nguồn quỹ, huyện đã hỗ trợ nhiều gia đình chính sách khó khăn xây mới, sửa chữa nâng cấp nhà ở.
Thực hiện Quyết định số 48/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện. Năm 2020, ngân sách Trung ương hỗ trợ cho các hộ nghèo vay số tiền 23,379 tỷ đồng; toàn tỉnh vận động ủng hộ 394,5 triệu đồng cho các hộ nghèo xây, sửa nhà ở. Thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi hộ nghèo, năm 2020, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân cho 32.401 lượt hộ với số tiền 1.078,2 tỷ đồng. Trong đó, cho 1.459 hộ vay các chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm với số tiền 110,5 tỷ đồng (bình quân 76 triệu đồng/hộ). Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, các hộ đầu tư mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế; trong đó đã có 2.130 hộ thoát nghèo, 3.763 hộ thoát cận nghèo; xây dựng 38.911 công trình nước sạch, vệ sinh ở nông thôn, 33 căn nhà cho hộ nghèo, 75 căn nhà cho người có thu nhập thấp.
Thông qua các hoạt động chăm lo nhà ở cho đối tượng người có công với cách mạng, hộ nghèo đã củng cố thêm niềm tin của người dân với Đảng, Nhà nước, động viên hộ người có công, hộ nghèo khắc phục khó khăn vươn lên trong cuộc sống, tích cực lao động sản xuất, giảm nghèo. Thời gian tới, các cấp uỷ Đảng, chính quyền và các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước hỗ trợ kịp thời cho các gia đình người có công với cách mạng, các đối tượng bảo trợ xã hội. Đẩy mạnh xã hội hóa, vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm chung tay xây dựng, sửa chữa mái ấm tình nghĩa cho các gia đình người có công với cách mạng, người nghèo gặp khó khăn về nhà ở