THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:14

Mưu sinh trên ngọn dừa

 

 

Cưa hạ cây dừa - Ảnh: H.NAM

“THƯỢNG” LÊN ĐỌT DỪA

 Những ngày tháng Chạp, mờ sáng, tốp mua dừa gồm 5 người ở xã Xuân Lộc bắt đầu “xuất hành” đi mua dừa. “Bộ đồ nghề” đèo sau xe gắn máy không thể thiếu trong lúc leo dừa là dây chân (dây đeo giữa hai ngón chân cái của hai bàn chân bám vào thân dừa khi leo) và cái dao lóc dùng để lột, chặt dừa. Tại đây, họ vượt đèo Cù Mông ra ngã ba cầu Bà Di (Bình Định) rồi theo quốc lộ 19 lên thẳng TX An Khê (Gia Lai) mua dừa.

 Đến ngã ba gần chợ An Khê, họ túa ra, mỗi người một nơi rảo đến các vùng. Khi tìm mua dừa, họ không rao nhưng đòi hỏi con mắt phải tinh “tầm nhìn xa qua 5 cây số”. Ông Phan Tiến (46 tuổi), một người mua dừa ở xã Xuân Lộc, cho biết: Cây dừa cao hơn các loại cây trồng khác, vì vậy đi qua các xóm nhà, thấy có tàu dừa nhô cao là vào hỏi mua. Tuy nhiên, hầu hết chủ nhà đi làm đồng vào buổi sáng nên trưa chúng tôi mới ghé lại ngã giá rồi trèo lên hái dừa.

 Tìm đến một xóm nhà có trồng dừa, sau khi được chủ nhà đồng ý, anh Phan Văn Trung, một người mua dừa trong tốp 5 người “nai nịt” đeo dây thắt lưng rồi xỏ hai ngón chân cái vào dây chân, tay phải cầm cáng dao lóc “thượng” lên đọt dừa. “Leo dừa cũng phải dùng thế, tay cầm dao lóc gá thân dừa, tay còn lại chịu lực, đưa xuống ngang bụng chống vào thân dừa. Leo dừa giống như con sâu đo nó bò, khi bám đôi chân kèm theo sợi dây chân ràng qua thân dừa đạp mạnh đưa người đứng thẳng theo thân dừa, sau đó tay chống chịu lực để đôi chân thu lại đu lên nấc nữa, cứ thế lên đến đọt dừa. Bịn dây chân, đeo dây thắt lưng vắt qua thân dừa, thân người “lủng lẳng” trên đọt, cầm dao lóc với tay “dứt” trái dừa rơi xuống đất.

 Trèo từng cây trong vườn dừa xong, anh Trung xuống đất gom trái lại lột vỏ rồi gọi chủ dừa ra tính tiền. Anh nói, chúng tôi thường dọn sạch dừa già trong vườn, chứ chừa lại vài trái trên cây cao thì chủ nhà chê, lần sau khó đến mua dừa. Mỗi ngày, chúng tôi trèo từ 15-20 cây mới gom đủ chuyến. Anh Trung được chủ nhà đồng ý “trừ bì” mấy trái dừa đẹt, vui mừng chia sẻ: “Hiện nay, mỗi trái dừa được mua trên đọt với giá 3.500 đồng. Chở đến điểm thu mua, chúng tôi bán 6.000 đồng/trái. Một xe dừa 200 trái, sau khi trừ chi phí xăng xe, ăn uống, chúng tôi lãi 200.000 đồng. Nếu chủ dừa “kèm trẻ em” thêm dừa đẹt, chúng tôi kiếm thêm ít tiền lời”.

 Về lại xã Xuân Lộc, ở đây là xứ sở của dừa, dừa có từ lâu đời, từ thời cha ông trồng để lại, thế hệ con cháu ở đây bao năm qua ra sức nuôi dừa. Dừa “nối vòng tay” bao bọc quanh xóm nhà, dừa trồng ngăn cách lối đi, làm hàng rào. Đến đây chỉ thấy bóng dừa xanh ngút ngàn, rợp mát. Theo nhiều người dân, dừa là nguồn thu nhập chính của người dân vùng này. Tuy ở xứ dừa nhưng thu nhập không đủ (vì cây dừa một năm ra hai lần trái) nên họ tranh thủ đi mua dừa ở nơi khác.

 Chúng tôi vào nhà anh Bùi Văn Vinh ở xã Xuân Lộc, thấy xung quanh vườn nhà toàn là dừa. Năm nay anh Vinh 40 tuổi thì đã có hơn 20 năm “ngồi trên đọt dừa”. Anh Vinh cho hay: Chúng tôi hết trèo hái dừa nhà, dừa ở xã thì rảo đến các huyện Đồng Xuân, Sông Hinh rồi lên tận Gia Lai mua dừa. Nhà tôi có sào ruộng, vợ ở nhà lo con nhỏ chăm sóc lúa, còn tôi đi hết nơi này đến nơi khác mua dừa về; chỉ có ngày sạ lúa, thu hoạch mới ra đồng, vì vậy tính ra thời gian ở trên đọt dừa nhiều hơn ngoài ruộng.

 CƯA, HẠ DỪA “THẾ”

 Ông Phạm Văn Bình, một người đi mua dừa ở xã Xuân Lộc kiêm thêm nghề chặt dừa kể nhiều lần đi mua dừa gặp người thuê chặt dừa, mình đồng ý rồi hẹn ngày đến chặt, vì chặt hạ dừa phải dùng rìu, máy cưa.

 “Nhiều người thuê chặt những cây dừa cao, có thể gây nguy hiểm trong mùa mưa bão. Người thuê chặt cây dừa sát vách nhà trên để xây thêm nhà bếp, người thuê chặt cây đứng cạnh hàng rào, chủ dừa bên này nhưng dừa nghiêng qua nhà hàng xóm. Đây gọi là những cây dừa “thế” rất khó chặt. Muốn chặt cây dừa “thế”, chúng tôi trèo lên đọt rồi cưa từng khúc”, ông Bình nói.

Theo ông Bình, trước đây khi chưa có máy cưa, muốn hạ cây dừa “thế” phải dùng rìu băm từng khúc. Có cây dừa cao hơn 12 sải tay (tương đương 16m), khi băm khúc đọt ngã kéo theo phần thân dừa còn lại rung bần bật, người chặt đu trên đọt dừa muốn rớt tim. Cách đây 10 năm, TX Sông Cầu xảy ra trường hợp đau lòng do sơ sẩy khi trèo chặt dừa rơi xuống đất tử vong. Từ đó đến nay, những người làm công việc này mang theo đồ bảo hộ lao động cho thật chắc.

Tuy nhiên, cưa hạ cây dừa “thế” thì người cưa cũng phải biết “thế” mới an toàn tính mạng. “Muốn hạ cây dừa cho an toàn thì phải biết cách. Trước khi cưa, người thợ cầm dây thừng leo lên cột chặt ngọn dừa, rồi đóng sắt tròn dài chừng 30cm (phía dưới nơi cưa) để làm chỗ đứng. Muốn cây dừa ngã về hướng nào thì cưa mở miệng hướng đó, cưa đứt hơn nửa cây dừa rồi cưa qua bên kia nhưng nhích vị trí cưa lên cao hơn một chút so với chỗ cưa mở miệng. Phía trên cột dây sẵn để người đứng dưới đất kéo. Có cây dừa đứng ở chỗ hiểm, thế khó, phải cưa nhiều khúc, mỗi khúc 1-1,5m. Tiền công cưa hạ cây dừa 500.000 đồng, có ngày “trúng” kiếm khoảng 1 triệu đồng. Tuy nhiên “ăn” được đồng tiền cưa dừa rất cực nhọc bởi có cây án ngữ giữa hai nhà cao tầng, tường cao, nếu rủi cây làm hư hại nhà thì bồi thường không đủ”, ông Bình nói.

Theo Báo Phú Yên

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh