CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 05:50

Một thế kỷ thư tay – Thanh xuân xa nhớ

Những lá thư thời chiến – bảo tàng kỷ vật của một thời rực màu hoa lửa

Ngày nay, cùng với sự phát triển mạnh của công nghệ và những dịch vụ đa phương tiện, có vẻ như những lá thư viết bằng tay đã trở nên quá xa xăm. Người thời nay liên lạc qua email, tin nhắn, … mấy ai còn cặm cụi ngồi biên thư tay. Thế nhưng, nếu có duyên được đọc lá thư ba mẹ hay ông bà bạn viết cho nhau hẳn bạn sẽ đồng ý rằng, thư tay khiến bạn có cảm giác hồi hộp và giàu cảm xúc hơn rất nhiều. Bạn cảm nhận được con chữ trên trang giấy và tình cảm của người gửi tới mình… Nó là thứ cảm xúc vô hình, nhưng có thể cảm được rất dễ dàng. Điều đó giải thích vì sao mà có những bức thư được trân trọng giữ gìn qua hàng thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ.

Một thế kỷ thư tay – Thanh xuân xa nhớ - Ảnh 1.

Quán thanh xuân tháng 10 kể những câu chuyện thú vị về ký ức viết thư tay

Trong thời chiến, thư tay đã kết nối hàng triệu con người, là niềm tin để đi qua gian khó, là hy vọng để chờ đợi tương lai. Ngoài tâm trạng xa cách thường thấy ở trong bất kỳ thư nào, những lá thư thời chiến còn chứa đựng những bi thương, hào hùng của một thời. Trong chương trình Quán thanh xuân tháng 10, nhà văn Đặng Vương Hưng sẽ chia sẻ ký ức về những lá thư đặc biệt trong hơn 300 bức thư đã được anh tập hợp và biên soạn trong cuốn "Những lá thư thời chiến Việt Nam".

Còn nhạc sĩ Nguyễn Thuỵ Kha kể rằng: Trong thời chiến, ai cũng là một người quân bưu. Lính thả thư ở ga nhờ người dân chuyển đi, có những người quân bưu hy sinh trên đường giao liên, sẽ có người khác lại vác giỏ thư ấy đi tiếp. Một người ở chiến trường nhận được thư, niềm vui sẽ được nhân lên theo cấp … tiểu đoàn. Thư tình được đọc ở dưới chiến hào. Mỗi lá thư tình là phao cứu sinh, là niềm hy vọng cho mỗi người lính. Nhạc sĩ cũng chia sẻ câu chuyện riêng tư về mối tình đầu rất đẹp thời đi học ở Hải Phòng. Ông lưu giữ không sót một lá thư nào mà người yêu viết gửi vào mặt trận. Đó là tình cảm chân thành, sự quyết tâm chờ đợi ngày chiến thắng trở về đoàn viên của một người con gái có người yêu đang đối diện với sinh tử. Mối tình đầu của ông về sau đi lấy chồng vì nhận tin ông hy sinh ở Quảng trị năm 1973. Điều đặc biệt là người vợ của nhạc sĩ không bao giờ ghen tuông mà còn cất giữ, bảo quản cẩn thận những lá thư tình đó. Nhạc sĩ luôn cảm ơn cuộc đời đã cho mình tình đầu tuyệt đẹp và tình cuối sắt son để làm thơ, làm nhạc.

Một thế kỷ thư tay – Thanh xuân xa nhớ - Ảnh 2.

Không thể phủ nhận sức sống của "thư tay" trong đời sống hôm nay

Thời nay, người ta có thể kết nối thông tin với nhau trong vòng vài giây. Nhưng một thế kỷ thư tay là ký ức khó quên của nhiều thế hệ với sức mạnh từ những câu từ giản dị, từ mùi thơm của giấy và những truân chuyên trong hành trình gửi thư. Thư tay là dấu ấn cá nhân của mỗi người. Những lá thư tay chính là báu vật thời gian để thế hệ sau biết thế hệ trước đã sống, yêu và thương nhớ nhau như thế nào. Và đó chính là sức sống của những lá thư tay trong đời sống hôm nay.

Một thế kỷ thư tay – Thanh xuân xa nhớ - Ảnh 3.

Tại chương trình, nhà thơ Hữu Việt kể về quãng thời gian sống xa nhà, đi học tại nước Nga. Những bức thư gửi về cho gia đình cũng chính là nhật ký cuộc sống du học sinh đầy bỡ ngỡ và có biết bao điều muốn kể. Ca sĩ Tùng Dương có cha mẹ đi học ở Liên Xô (cũ). Nhiều năm tháng dài, ca sĩ hoàn toàn chỉ biết tình hình cha mẹ qua những lá thư. Ngày gặp lại cha mẹ cũng là khi anh được sang Liên Xô biểu diễn. Còn NSƯT Minh Vượng lại đem đến những câu chuyện vui. Chẳng hạn, thời xa xưa ấy có những đôi vợ chồng hoặc người yêu xa cách viết thư xong thường đề thêm vào ngoài phong bì hàng chữ rất nắn nót năn nỉ: "Xa nhau tình cảm dạt dào/Nhờ anh bưu điện chuyển vào tận tay"…

Đôi khi, một cánh thư - cả năm mới tới, đó là câu chuyện về hành trình kỳ lạ của một bức thư thời tập kết. Bức thư được gửi từ Bắc vào Nam nhưng đã phải vòng qua Hồng Kông, Campuchia… rồi mới đến được địa chỉ đích thực. Thời gian để nhận được bức thư phải tính bằng năm. Trong khi đó, NSƯT Minh Vượng lại bộc bạch về những lá thư tình không dám gửi, hoặc chỉ dám giữ mãi trong ngăn tủ. Còn nhà báo Phùng Huy Thịnh thì nhớ lại cái thời không có người yêu mà vẫn viết thư cho "người em gái trong tưởng tượng". Nhà thơ Hữu Việt chia sẻ kỷ niệm về những cánh thư tuổi học trò chở bao e ấp, những câu chuyện đưa thư không được hồi âm, những dư vị về thư tình thời áo trắng...

Nhạc sĩ Trương Quý Hải kể lại những tình huống hài hước "vận chuyển" thư thời sinh viên. Chuyện truyền thư từ ký túc xá nam sang nữ, truyền từ tầng này sang tầng khác. "Tụi chuyển thư đòi công, mà sinh viên tiền đâu dư dật: Được tình thì mất bánh mì... Rồi những tình cảm bị ngăn cấm chỉ có thể qua thư mà tỏ tình"- nhạc sĩ Trương Quý Hải nói. Điều đặc biệt là trong bộ phim "Ngày ấy mình đã yêu" (đạo diễn Khải Anh) có chi tiết Chiếc hộp ký ức. Ngoài đời, đạo diễn Khải Anh và vợ là MC- diễn viên Đan Lê cũng có một bộ sưu tập thư tay, bưu thiếp (đều do Khải Anh tự vẽ, tự viết, tự trang trí) để trong một chiếc hộp, để sau này, dù hợp tan vẫn giữ gìn. Một bức thư tình thuở học trò sẽ được Đan Lê chia sẻ với khán giả của Quán thanh xuân: "Vậy là chúng ta sẽ cưới nhau vào lúc em 24 tuổi và mình sẽ đi tuần trăng mật, ôm nhau dưới ánh mặt trời. Sáng nay lúc ngồi ăn xôi anh cứ mong ngóng em mãi, sợ em vào trường mất thì toi. Anh háo hức muốn được nấu mì cho em ăn ngay bây giờ thì anh mới toại nguyện. Anh nhìn em ăn anh hạnh phúc lắm"…

HÀ VŨ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh