THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:23

Những nguyên nhân xã hội của bất bình đẳng giới ở Việt Nam

 

Phụ nữ ít có cơ hội học tập, thăng tiến

 Nghiên cứu “Các yếu tố xã hội quyết định bất bình đẳng giới ở Việt Nam” được thực hiện với 8.424 phụ nữ và nam giới tại 9 tỉnh và thành phố Việt Nam cho thấy, những quan niệm truyền thống cứng nhắc về các giá trị và vai trò của nam giới và phụ nữ đã được phát hiện như là các nguyên nhân cơ bản của bất bình đẳng giới ở Việt Nam. Trong khi tác động từ các khía cạnh khác của quan niệm lâu đời này đã giảm dần theo thời gian thì giá trị của vai trò chăm sóc gia đình gắn cho người phụ nữ vẫn tiếp tục được duy trì một cách vững chắc trong tư tưởng cũng như hành vi của nam giới và phụ nữ Việt Nam ở mọi tầng lớp xã hội. Giá trị này đã ăn sâu trong tâm thức của phụ nữ nên trong nhiều trường hợp họ sẵn sàng hy sinh hạnh phúc và cả sự tiến bộ của mình để thực hiện vai trò đó.

Phụ nữ có trình độ giáo dục thấp hơn đáng kể so với nam giới. Phụ nữ có xu hướng tập trung nhiều hơn ở trình độ trung học cơ sở và thấp hơn (tương ứng là 70.78% và 60.28%), và ít hơn ở nhóm có trình độ trung học phổ thông hoặc cao hơn (tương ứng là 29.22% và 40.33%). Các em gái thường được trông đợi nhường việc học hành lên cao cho các anh/em trai và có xu hướng bỏ học để chăm sóc gia đình. Phụ nữ cũng nhập tâm những quan niệm rằng để giữ gìn hạnh phúc gia đình phụ nữ nên có học vấn thấp hơn người chồng.

Những điều đó đã ảnh hưởng đến cơ hội, việc làm của phụ nữ. Hơn 20% số phụ nữ tham gia cuộc khảo sát không làm việc tại thời điểm khảo sát vì lý do phải chăm sóc gia đình so với tỷ lệ 2% ở nam giới. Hơn nữa, trong số những người đang làm việc, phụ nữ tập trung nhiều hơn trong các lĩnh vực nông nghiệp hoặc trong khu vực phi chính thức. Kết quả là có nhiều phụ nữ phải tự chi trả bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế. Chỉ có một phần năm trong số những người làm việc trong khu vực tư nhân và khoảng 5% đến 6% số người làm việc trong khu vực phi chính thức có bảo hiểm xã hội, và ít hơn một nửa của hai nhóm này có bảo hiểm y tế.

So với nam giới, phụ nữ ít được đề bạt hoặc tạo cơ hội nâng cao năng lực chuyên môn, đặc biệt là những phụ nữ làm việc trong khu vực nhà nước. Số phụ nữ được đề bạt lên các vị trí làm việc cao hơn chỉ bằng một nửa so với số nam giới. Số phụ nữ được cử đi đào tạo hoặc tham gia hội nghị, hội thảo chuyên môn thường chỉ dưới ba phần tư số này của nam giới.

Phụ nữ “gánh” 12/14 công việc trong gia đình



Các công việc nhà vẫn là trách nhiệm chính của phụ nữ. Phụ nữ thực hiện 12 trong số 14 việc nhà, từ nấu ăn tới chăm sóc người già hay người ốm trong gia đình. Nam giới thường làm một đến hai việc, bao gồm bảo dưỡng, sửa chữa đồ dùng trong nhà, và đại diện cho gia đình trong quan hệ với chính quyền địa phương. 2/3 số phụ nữ so với 1/4 số nam giới cho biết họ thường xuyên làm việc nhà khi còn nhỏ tới năm 18 tuổi. Phụ nữ làm hầu hết các công việc chăm sóc trẻ nhỏ, từ việc cho con ăn và tắm cho con tới chăm sóc con ốm. Nhiệm vụ mà nam giới làm nhiều nhất thường là đi họp phụ huynh cho con. Vai trò giới truyền thống và những định kiến giới vẫn phổ biến rộng rãi trong người dân trong mọi tầng lớp xã hội. Nhiều phụ nữ hơn nam giới cho rằng người chồng là trụ cột của gia đình và “thiên chức” của người vợ là chăm sóc con cái và các thành viên gia đình.

Trong khi cả nam giới và phụ nữ đều nói rằng có sự tham gia khá bình đẳng trong việc ra quyết định đối với hầu hết các vấn đề của gia đình, nhưng hầu hết lại cho biết nam giới là người có tiếng nói sau cùng đối với những trường hợp quan trọng liên quan tới nhà, đất và mua sắm những tài sản đắt tiền, trong khi phụ nữ chịu trách nhiệm về những vấn đề của cuộc sống hàng ngày.

Việc sở hữu và đồng sở hữu những tài sản giá trị nhất của gia đình đóng một vai trò quan trọng trong việc cân bằng mối quan hệ quyền lực giữa cặp vợ chồng. Tuy nhiên, gần một nửa số phụ nữ không sở hữu đất thổ cư và chỉ có một phần năm số phụ nữ sở hữu nhà hoặc đất thổ cư, trong khi hơn một nửa số nam giới là người sở hữu duy nhất đất thổ cư hoặc nhà. Nam giới cũng thường sở hữu những tài sản có giá trị nhất, bao gồm cơ sở sản xuất và phương tiện đi lại.

Nạn nhân chính của bạo lực gia đình

Vai trò chăm sóc gia đình của phụ nữ cũng được thể hiện cả trong đời sống tình dục. Phụ nữ đã kết hôn thường hiếm khi chủ động trong quan hệ tình dục và họ ít thoả mãn về tình dục hơn nam giới. Đồng thời, áp lực kế hoạch hóa gia đình đè nặng lên vai người phụ nữ với hơn 2/3 các cặp vợ chồng đang kết hôn sử dụng các biện pháp tránh thai dành cho phụ nữ. Tuy nhiên, nam giới trẻ tuổi và có học vấn cao có xu hướng chia sẻ trách nhiệm kế hoạch hóa gia đình với người vợ. Nhìn chung, tỉ lệ phụ nữ cho biết họ chịu các hình thức bạo hành cao hơn đáng kể so với nam giới.

Hơn 13% số phụ nữ kết hôn cho biết họ đã từng trải qua quan hệ tình dục không mong muốn với chồng trong vòng 12 tháng trước cuộc khảo sát. Nhiều người vẫn còn cho rằng nam giới bạo hành là điều tự nhiên vì họ có quyền như vậy.

Hầu hết các trường hợp bạo hành gia đình (98.5%) đã chìm vào im lặng, cho thấy rằng dù gia đình thuộc thành phần xã hội nào, vấn đề này vẫn được xem là chuyện riêng tư và cần giữ kín đằng sau cánh cửa. Chuẩn mực kép khoan dung tự do tình dục của nam giới và lên án phụ nữ nếu họ có hành vi tương tự vẫn còn tồn tại trong 50% số người được khảo sát.

Tuy vậy, so với nam giới, phụ nữ thường có thái độ nghiêm khắc hơn đối với những phụ nữ khác. Những người còn bảo lưu các chuẩn mực kép có xu hướng duy trì mối quan hệ bất bình đẳng trong đời sống tình dục, với nam giới thường là người kiểm soát đời sống tình dục và phụ nữ thường là người phải chấp nhận tình dục không mong muốn và ít được thỏa mãn về tình dục.

Những giả định văn hóa về giới rằng nam giới phù hợp hơn với các vị trí lãnh đạo là những rào cản hạn chế sự tham gia của phụ nữ vào các hoạt động chính trị - xã hội. Phụ nữ ít tham gia các hoạt động chính trị và ít tham gia chính quyền địa phương. Tỷ lệ phụ nữ là đảng viên cũng chỉ bẳng một nửa tỷ lệ của nam giới.

Tỷ lệ phụ nữ làm việc trong chính quyền địa phương chỉ bằng một phần ba so với nam giới. Số nam giới giữ vị trí lãnh đạo trong đảng ủy nhiều gấp đôi số phụ nữ, và cao gấp 7 lần so với số phụ nữ làm việc tại Ủy ban Nhân dân. Nhìn chung, các luật liên quan tới vấn đề giới ít được biết đến, cụ thể là các Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình, và Luật Phòng chống bạo lực gia đình. Có khoảng từ 15% đến 30% số người chưa bao giờ nghe tới những luật nói trên. Hơn 2/3 số người chỉ mới nghe tới tên luật và có hiểu biết sơ qua về chúng. Chỉ có từ 3% tới 6% số người cho biết họ hiểu rõ về những luật này.

 

Giảm gánh nặng việc nhà cho phụ nữ

 Để giải quyết bất bình đẳng giới ở Việt Nam, nghiên cứu “Các yếu tố xã hội quyết định bất bình đẳng giới ở Việt Nam” đưa ra khuyến nghị, điều quan trọng là cần giải phóng phụ nữ khỏi nhiệm vụ triền miên là chăm sóc cho gia đình mà không làm ảnh hưởng đến hạnh phúc của gia đình. Các can thiệp chính sách cần:

Thay đổi những quan niệm truyền thống cứng nhắc về giá trị và vai trò của phụ nữ; Xây dựng những chương trình đặc thù dành cho phụ nữ, nhằm giúp họ nhận thức được rằng giá trị cốt lõi của họ không giới hạn ở vai trò chăm sóc,  thôi thúc tính tự chủ và sự quyết đoán của phụ nữ để họ tham gia tích cực hơn nữa vào đời sống kinh tế và xã hội, khuyến khích phụ nữ nắm lấy vai trò lãnh đạo, cả trong gia đình và ngoài xã hội;

Thúc đẩy vai trò chăm sóc của nam giới thông qua các chiến dịch nâng cao nhận thức rằng công việc nội trợ cũng là trách nhiệm của nam giới. Giáo dục trẻ em về chia sẻ việc nhà một cách bình đẳng và trang bị cho các em trai cũng như các em gái kỹ năng làm việc nhà từ lứa tuổi nhỏ thông qua chương trình giáo dục chính thức và giáo dục trong gia đình;

Tăng cường việc thực thi các luật liên quan tới bình đẳng giới và phụ nữ, bao gồm: Xây dựng chương trình giáo dục sáng tạo và tương tác về các luật liên quan tới vấn đề giới, bao gồm Luật Bình đẳng Giới, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các luật khác nhằm nâng cao hiểu biết của công chúng về các quyền pháp lý và nghĩa vụ của nam giới và phụ nữ trong gia đình và xã hội;

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội cho rằng, đến nay, hầu hết các nỗ lực đều đang hướng tới phụ nữ và ít chú ý đến nam giới. Tuy nhiên bình đẳng giới sẽ không bao giờ đạt được nếu nam giới tiếp tục từ chối chia sẻ trách nhiệm trong các công việc nhà, tiếp tục chiếm ưu thế trong việc ra quyết định ở cả cấp độ xã hội và gia đình, và vẫn thực hiện hành vi bạo lực với người phụ nữ của mình. Do vậy, các cuộc nghiên cứu về nam giới và nam tính rất cần thiết nhằm giúp xây dựng các chính sách can thiệp tổng thể nhằm thúc đẩy các hành vi và thái độ tích cực của nam giới, góp phần thu hẹp khoảng cách giới, tiến tới bình đẳng giới và hạnh phúc của cả nam giới và phụ nữ. Để giải quyết bất bình đẳng giới ở Việt Nam, các can thiệp chính sách cần thay đổi những quan niệm truyền thống cứng nhắc về giá trị và vai trò của phụ nữ. 

CHÂU ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh