Tạo sự lan tỏa trong xã hội về bình đẳng giới
- Dược liệu
- 21:39 - 03/11/2016
Ông Phạm Ngọc Tiến - Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ-TB&XH)
*Xin ông cho biết những kết quả đạt được sau 10 năm Việt Nam thực hiện Luật Bình đẳng giới?
- Như đánh giá của bà Trương Thị Mai khi còn làm Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội thì đây là một Luật đi vào cuộc sống nhanh nhất. Từ chỗ chúng ta là con số 0 về tổ chức bộ máy thì đến nay đã hình thành nên bộ máy tổ chức bộ Nhà nước từ Trung ương đến cấp cở sở về bình đẳng giới. Trên Bộ có Vụ Bình đẳng giới, dưới địa phương đều có các phòng làm công tác chuyên môn giúp cho Sở, UBND các tỉnh, thành phố thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về bình đẳng giới. Ở cấp huyện duy nhất ở T.P HCM có hai định biên làm công tác về bình đẳng giới và Vì sự tiến bộ phụ nữ. Cấp xã có 2 địa phương là T.P HCM và Sóc Trăng đã có ½ định biên chuyên trách về công tác bình đẳng giới. Bên cạnh đó, chúng ta đã tổ chức triển khai rất nhiều công tác liên quan đến việc thực hiện Luật bình đẳng giới như lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Bộ LĐ-TB&XH cũng đã xây dựng Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020; Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 -2015; Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020; Đề án phòng chống bạo lực giới giai đoạn 2016 – 2020 và tầm nhìn 2030…
Nếu như trước đây cụm từ bình đẳng giới vẫn còn là khái niệm xa lạ thì nay hầu hết cán bộ ở các địa phương cơ sở xã, phường đã biết. Với các mô hình được triển khai tại cơ sở cho thấy nhận thức, hành vi của người dân về bình đẳng giới đã có sự thay đổi rất nhiều trong bộ phận lớn người dân kể cả nam và nữ giới.
*Một nửa chặng đường của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn (2011 - 2020) đã khép lại. Vậy để thực hiện được những mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2016-2020, chúng ta cần những giải pháp đột phá như thế nào, thưa ông?
- Sơ kết đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn (2011 - 2020) cho thấy các mục tiêu đặt ra đều đã được các cấp, các ngành triển khai thực hiện một cách bài bản. Tuy nhiên, bênh cạnh những kết quả đạt được còn có hạn chế. Nhiều chỉ tiêu đề ra không thực hiện được, có chỉ tiêu không đo đếm được. Do vậy, để triển khai thực hiện được các mục tiêu trong giai đoạn tới đòi hỏi các cấp, ngành phải có những giải pháp mang tính chất đột phá.
Trước tiên phải đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức thay đổi hành vi về thực hiện bình đẳng giới. Việc thay đổi này không chỉ đối với đội ngũ cán bộ mà phải hướng đến đội ngũ lãnh đạo. Trong lĩnh vực kinh tế, cần tạo điều kiện để phụ nữ tham gia thị trường lao động tốt nhất. Khi tham gia thị trường lao động phụ nữ được bình đẳng về mọi mặt.
Các Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ cần có các chương trình, kế hoạch, nội dung hoạt động cụ thể hiệu quả. Cần phải có những giải pháp để nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác bình đẳng giới cũng như vì sự tiến bộ phụ nữ đồng thời nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nữ. Ví dụ trong lĩnh vực chính trị, cử tri sẽ nhìn vào chất lượng, hiệu quả của đội ngũ cán bộ nữ kỳ này để bầu cho nhiệm kỳ sau. Vì vậy công tác cán bộ nữ không chỉ nâng cao số lượng mà phải cả chất lượng mới đảm bảo tính bền vững.
Tránh tình trạng “xin- cho”, quan tâm thì bố trí kinh phí nhiều, không quan tâm thì bố trí ít. Ở Trung ương thông qua những đề án, dự án chương trình mục tiêu, sự hỗ trợ quốc tế để xây dựng nên khung các chương trình, nội dung để bên dưới thực hiện và thí điểm những mô hình dịch vụ hỗ trợ công tác bình đẳng giới. Bên cạnh đó, cần đề ra những giải pháp nhằm giảm thiểu những vấn đề đang cản trở phụ nữ phát triển, đặc biệt tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Khi phụ nữ đến những môi trường làm việc không tốt, xảy ra những vấn đề như quấy rối tình dục sẽ ảnh hưởng không tốt đến năng suất lao động, sự tham gia thị trường việc làm của phụ.
Phụ nữ dân tộc thiểu số được hỗ trợ vốn vay phát triển kinh tế.
*Trong bối cảnh kinh phí dành cho các chương trình mục tiêu giảm cùng với đó các nguồn lực hỗ trợ quốc tế cũng ngày càng hạn hẹp khi Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình, điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới.
- Rất ảnh hưởng, bởi muốn làm gì thì làm nhưng không có tiền thì không làm được. Trong giai đoạn 2011 -2015 kinh phí hỗ trợ công tác bình đẳng giới chưa đạt được yêu cầu theo yêu cầu của Chương trình quốc gia về bình đẳng giới. Trong giai đoạn tới kinh phí cho công tác này còn khó khăn nữa khi nguồn hỗ trợ của các tổ chức quốc tế giảm. Việt Nam đã là nước thu nhập trung bình, các tổ chức quốc tế đòi hỏi chúng ta phải đóng kinh phí để triển khai các mô hình, họ chỉ đứng ra hỗ trợ kỹ thuật. Vì vậy trong giai đoạn tới các địa phương thay vì trông chờ kinh phí từ Trung ương, cần phải nỗ lực huy động các nguồn lực ngay trong cộng đồng thông qua các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, tổ chức đa phương, song phương, những người chuyên làm công tác bình đẳng giới.
*Lần đầu tiên chúng ta triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, điều này sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với công tác bình đẳng giới ở Việt Nam?
- Với chủ đề “Chung tay xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”, tháng hành động nhằm mục đích huy động sự tham gia, vào cuộc một cách đồng bộ, mạnh mẽ của các cơ quan, tổ chức và mọi người dân trong cộng đồng, đặc biệt là nam giới trong công tác phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Theo kế hoạch, Tháng hành động sẽ bắt đầu từ ngày 15/11 đến ngày 15/12 trên phạm vi toàn quốc. Lễ phát động Tháng hành động sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 13/11/2016.
Đây là điểm nhấn tạo một bứt phá trong công tác truyền thông về bình đẳng giới để làm sao chúng ta không chỉ làm việc này ở các cơ quan trung ương mà lan tỏa đến các địa phương cơ sở và toàn xã hội. Thông qua các hoạt động như: mít tinh, đối thoại chính sách, Ngày hội Howabnormal – Chung tay xóa bỏ định kiến giới; Tranh biện dành cho thanh niên… sẽ đưa ra những thông điệp để chúng ta thấy công tác bình đẳng giới của Việt Nam đang đứng ở đâu và cần phải làm cái gì cho hiệu quả hơn. Cần tác động và ai, những giải pháp như thế nào để chấm dứt bạo lực trên cở sở giới nói chung và đối với phụ nữ và trẻ em gái nói riêng. Đồng thời đây cũng là dịp để các cơ quan, ban, ngành kiểm tra việc thực thi pháp luật về lao động, bình đẳng giới tại các doạnh nghiệp.
Phụ nữ và nam giới cùng thảo luận về bình đẳng giới
*Vì sao chúng ta lại lựa chọn thời điểm thực hiện từ ngày 15/11 đến ngày 15/12/2016 thưa ông?
- Trước đây quốc tế có ngày 25/11 hàng năm là ngày quốc tế nhằm xóa bỏ mọi hình thức bạo hành với phụ nữ và trẻ em gái và ngày 10/12 là ngày quốc tế về nhân quyền. Việc lựa chọn thời điển triển khai tháng hành động vào ngày 15/11 đến ngày 15/12/2016 để chúng ta “quét” cả hai ngày này với ý nghĩa bình đẳng giới vừa là nguyên nhân vừa là giải pháp để chấm dứt bạo lực trên cở giới nói chung và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái nói riêng.
Xin cảm ơn ông!