CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:06

Rà soát pháp luật về xuất khẩu lao động từ góc độ bình đẳng giới

 

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Phạm Viết Hương cho biết, trong những năm gần đây có tổng số 80.000-100.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài hàng năm, trong đó có khoảng 30 -35% là nữ. Lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài thường làm các ngành nghề gắn chặt với nữ giới như giúp việc gia đình, chăm sóc người già, công nhân điện tử, công nhân may,… Đặc biệt, trong những năm gần đây, trong số những lao động đi làm hộ lý, điều dưỡng  tại Nhật Bản và CHLB Đức, chiếm trên 60% là nữ. Có thể nói, số lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài đã đóng góp đáng kể vào việc nâng cao mức sống gia đình, phát triển kinh tế hộ gia đình và địa phương. Việc bảo vệ quyền lợi của NLĐ đi làm việc ở nước ngoài luôn được coi trọng, đặc biệt là lao động nữ vì đây là đối tượng yếu thế, dễ bị lợi dụng nhất là khi đi làm việc ở nước ngoài.

Để quản lý tốt hơn hoạt động đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, ngày 26/11/2006, Quốc hội đã thông qua Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2007. Sau khi Luật ra đời, một loạt các văn bản hướng dẫn Luật đã được ban hành để triển khai thực hiện. Cho tới nay, Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã thực hiện được hơn 9 năm, góp phần tạo hành lang pháp lý quản lý chặt chẽ hoạt động đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH đang chuẩn bị để xem xét trình Quốc hội sửa đổi Luật cho phù hợp với thực tiễn. Để chuẩn bị cho việc sửa đổi Luật, Bộ LĐ-TB&XH đã thực hiện các nghiên cứu như đánh giá tình hình thực hiện Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

 

Ảnh minh họa

 

Cũng theo ông Phạm Viết Hương, Luật Bình đẳng giới ra đời đồng thời với Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó có quy định phải bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, trong xây dựng và thực thi pháp luật. Vì vậy, khi xây dựng Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, vấn đề bình đẳng giới chưa được xem xét. “Để chuẩn bị cho việc sửa đổi Luật phù hợp với thực tiễn, đảm bảo các nguyên tắc theo quy định của pháp luật, Cục Quản lý lao động ngoài nước phối hợp với Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức nghiên cứu rà soát pháp luật về NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ góc độ bình đẳng giới. Trong quá trình soạn thảo, Cục Quản lý lao động ngoài nước phối hợp với UN Women đã tổ chức lấy ý kiến của các chuyên gia đến từ các tổ chức xã hội dân sự như: Hội phụ nữ, Hiệp hội xuất khẩu lao động, các cơ quan trung ương và địa phương, các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, các chuyên gia về luật và giới... để đảm bảo tốt hơn việc quản lý lao động đi làm việc ở nước ngoài và thúc đẩy bình đẳng giới.” – Ông Phạm Viết Hương cho hay.

Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, tác giả Báo cáo nghiên cứu rà soát pháp luật về NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ góc độ bình đẳng giới cho biết, nghiên cứu này nhằm xác định những bất cập về thúc đẩy bình đẳng giới trong Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và các văn bản hướng dẫn liên quan thông qua việc rà soát, đánh giá Luật và các văn bản này, từ đó có những đề xuất sửa đổi làm tiền đề cho việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới tốt hơn khi thực hiện sửa đổi Luật này. Cũng theo bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, báo cáo được thực hiện theo phương pháp rà soát đánh giá tài liệu và thảo luận nhóm trọng tâm. Những phát hiện chính và khuyến nghị gồm: Quyền tiếp cận thông tin; quyền được pháp luật bảo vệ; các quyền liên quan đến việc làm; quyền được tôn trọng, không bị xâm phạm thân thể; những vấn đề tài chính liên quan đến NLĐ khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó gồm các khoản phí và chuyển tiền về nước; những chính sách đối với NLĐ sau khi hết hạn hợp đồng trở về.

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã thẳng thắn trao đổi, đưa ra những ý kiến đóng góp về việc sửa đổi, bổ sung Luật để đảm bảo tốt hơn việc quản lý lao động đi làm việc ở nước ngoài và thúc đẩy bình đẳng giới. Bà Nguyễn Kim Lan, điều phối viên UN Women cho biết, toàn cầu có khoảng 232 triệu người di cư (năm 2013), trong đó phụ nữ chiếm 49%. Việt Nam có khoảng 500.000 lao động làm việc tại nước ngoài, trong đó nữ chiếm 30 -35%. Trong thời gian qua trên thế giới đã xây dựng nhiều tiêu chuẩn luật pháp quốc tế, trong quá trình di cư cũng như trong việc xây dựng luật pháp và bảo vệ quyền của lao động di cư, gồm cả lao động nữ - đối tượng thường gặp nhiều khó khăn, dễ bị tổn thương. Khung pháp luật quốc tế bảo vệ quyền của lao động di cư và thúc đẩy bình đẳng giới khuyến khích các quốc gia đảm bảo người lao động di cư nam và nữ được đối xử bình đẳng trong điều kiện di cư an toàn. Các vấn đề về giới trong lao động di cư quốc tế như phụ nữ chiếm đa số các nghề có kỹ năng và chuyên môn thấp, ngành nghề và loại hình công việc phụ nữ và nam giới đảm nhiệm gắn với vai trò giới truyền thống và khuôn mẫu giới. Trong quá trình hợp tác với Việt Nam, UN Women đã vận động thực hiện chính sách với các nghiên cứu cung cấp bằng chứng để xây dựng và thực hiện luật pháp, chính sách, chương trình nhạy cảm giới về lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đối thoại chính sách... 

 

Quyền cơ bản khi lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài

-         Được tiếp cận thông tin về việc làm và thị trường lao động

-         Được lựa chọn ngành nghề và việc làm

-         Được nhà nước Việt Nam bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tại nước đến làm việc

-         Được đối xử bình đẳng với lao động các nước khác và lao động bản địa trong công việc và cuộc sống

-         Được trả lương ngang bằng với nam giới khi làm các công việc có giá trị như nhau

-         Được bảo đảm an toàn lao động, hưởng các phúc lợi và phương tiện làm việc phù hợp

-         Được bảo vệ sức khỏe, bao gồm sức khỏe sinh sản

-         Được tham gia các hoạt động giải trí, thể thao và mọi mặt của đời sống văn hóa, tinh thần

-         Được hưởng các điều kiện sống phù hợp

-         Được bảo vệ, tôn trọng trong công việc và trong cuộc sống hàng ngày.

HUYỀN MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh