CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:05

Miễn học phí bậc THCS: Phụ huynh lo phát sinh... phụ phí

 

Miễn học phí, phụ huynh lo sẽ phát sinh các khoản đóng góp "tự nguyện". 

 

Nỗi lo các khoản đóng góp “tự nguyện”

Chị Trần Khánh Chi có 2 con đang học tại một trường THCS ở Hà Nội chia sẻ: “Tôi rất ủng hộ việc miễn học phí ở bậc phổ cập (từ tiểu học đến THCS). Tuy nhiên, tôi sợ rằng nếu miễn học phí thì phụ huynh sẽ phải đóng thêm các khoản khác để trang bị cơ sở vật chất cho nhà trường. Bởi hiện chúng tôi đang phải đóng rất nhiều khoản tiền dưới hình thức tự nguyện như: Sơn lại lớp học, mái dột, xây cổng trường, lát gạch, tiền nâng cấp nhà vệ sinh...”.

Anh Trần Công Minh (Hà Nội) lại cho rằng: "Việc miễn, giảm những cái phí mà nhà nước đặt tên thật ra không có ý nghĩa bằng việc cần phải xem xét thấu đáo, cặn kẽ tổng chi phí của mỗi học sinh. Có như vậy mới thật sự có ý nghĩa, có lợi cho nhân dân".

“Mang tiếng là giảm học phí nhưng khoản gì cũng thấy đóng, đến cả giấy kiểm tra trong trường học cũng có giá cao ngất. Chính sách thì “miễn” nhưng trên thực tế, nhiều trường vẫn thu theo nhiều kiểu khác khiến tâm lý e dè của phụ huynh khi nghe đến miễn, giảm”, một phụ huynh ở Hà Nội chia sẻ.

Trên mạng xã hội và các diễn đàn, đông đảo phụ huynh đã bình luận: "Chủ trương đúng vì trẻ em có quyền được học tập nên nhà nước có chính sách miễn học phí để khuyến học. Hơn bao giờ hết, giáo dục là quốc sách hàng đầu, vì vậy cần có những chính sách mới đầu tư hơn cho giáo dục vì lợi ích trăm năm của cả dân tộc".

 Công khai, minh bạch các khoản thu trong trường học

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội đề xuất, miễn học phí thì các khoản thu khác trong trường học phải công khai, minh bạch nếu không phụ huynh lại phải gánh thêm các khoản phí mập mờ khác. Các khoản thu sau khi miễn học phí cũng cần có sự đồng thuận của phụ huynh. Các trường làm sai, cố tình thu nhiều sẽ phải xử lý thật nghiêm.

Theo cô giáo Cao Lan Hương, Hiệu trưởng trường Tiểu học An Hưng (Hà Đông, Hà Nội), việc Bộ GD&ĐT đưa ra Dự thảo Luật Giáo dục trình Quốc hội có nội dung miễn hoàn toàn học phí cho học sinh đến khi các em học hết lớp 9 rất đáng hoan nghênh. "Bản thân các trường tiểu học không tồn tại khoản tiền nào là học phí từ nhiều năm nay, có chăng chỉ là đóng tiền buổi 2 mà nhiều trường vẫn đang làm. Tuy nhiên, dù là tiền buổi 2 hay các khoản tự nguyện khác cũng phải tuân thủ đúng hướng dẫn, chỉ đạo của lãnh đạo cấp trên chứ không thể học phí thì miễn mà lại có thêm các khoản thu vô lý khác ", cô Lan Hương cho hay.

Cô Ngô Mỹ Lệ, Hiệu trưởng trường THCS Khương Thượng  (Thanh Xuân, Hà Nội), việc miễn học phí cho học sinh tới cấp THCS phù hợp với chủ trương phổ cập giáo dục. "Dù hiện mức học phí cho học sinh THCS chỉ khoảng 110.000 đồng/tháng/học sinh nhưng nếu được miễn thì nhiều gia đình sẽ bớt đi được một phần gánh nặng. Chúng tôi mong Quốc hội sẽ xem xét, thông qua điều này", cô Mỹ Lệ nhấn mạnh.

Đại diện lãnh đạo trường THPT Anhxtanh rất ủng hộ chủ trương này bởi học sinh, phụ huynh sẽ thấy được sự quan tâm của Nhà nước đến các bậc học. Trước ý kiến lo ngại của các bậc phụ huynh, khi đưa ra đề xuất này, chắc chắn Bộ GD&ĐT sẽ tính đúng, tính đủ nên khó xảy ra chuyện phụ huynh phải gánh thêm các khoản phí khác. Bởi các khoản phí thu trong nhà trường đều phải công khai, minh mạch, kể cả các khoản đóng góp tự nguyện. 

HOA HẠ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh