THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 01:24

Tăng lương cho giáo viên bằng nguồn nào?

 

Câu hỏi “Bao giờ giáo viên sống được bằng lương?” không chỉ là sự mong đợi của đông đảo đội ngũ giáo viên trên cả nước mà còn là vấn đề lớn khiến ngành Giáo dục luôn nghĩ cách trình lên Chính phủ xem xét với mục đích thu hút học sinh giỏi “đầu quân” vào ngành Sư phạm cũng như giáo viên giỏi giảng dạy.

Một lần nữa, vấn đề này lại được hâm nóng tại nghị trường Quốc hội khi mới đây, đại biểu Nguyễn Xuân Thủy (đoàn Phú Thọ) trăn trở, công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về lĩnh vực giáo dục còn nhiều nội dung chưa làm được, đó là cải cách chế độ tiền lương cho đội ngũ nhà giáo.

Một số ý kiến cho rằng, có thể tăng học phí để lấy đó làm nguồn thu chi trả thêm cho giáo viên (ảnh minh họa)

Nghị quyết Trung ương lần thứ 2 khóa VIII, Nghị quyết Trung ương lần thứ 8 khóa XI khẳng định, lương nhà giáo phải được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp, có phụ cấp tùy theo tính chất công việc và theo vùng. Tuy nhiên, hiện nay, lương nhà giáo xếp thứ 14 trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp.

Tính theo thang bậc lương hiện nay, một giáo viên mới ra trường có lương khoảng 3,6 triệu đồng/tháng. Giáo viên giảng dạy 15 năm trong nghề mới có thu nhập hơn 5,7 triệu đồng/tháng. Giáo viên có thâm niên hơn 25 năm trong nghề (tức là sắp về hưu) thì lương được hơn 8 triệu đồng/tháng.

Mức lương không đủ sống và trang trải sinh hoạt, nhiều giáo viên đã phải nghĩ tới tăng thu nhập bằng cách dạy thêm, dạy “sô” ở nhiều trường học hay làm thêm các công việc khác…

Cải thiện đời sống của giáo viên bằng tăng học phí?

Nhằm cải thiện và nâng cao đời sống nhà giáo, trong những năm gần đây, Bộ GD&ĐT đã tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều văn bản quy định về lương, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên cho nhà giáo…

Tuy nhiên, việc thực hiện các với các quy định chung về thang bảng lương như các ngành nghề khác, mức lương của một bộ phận nhà giáo vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đời sống nói chung.

Tính đến nay đi dạy học được 15 năm nhưng mức lương của cô Ngô Thị Lan Anh (giáo viên Ngữ văn, trường THPT Trần Phú, Hà Nội) mới chỉ hơn 5 triệu đồng/tháng.

Với mức sống ở thành thị và có hai con, lương của cô không thể đủ để nuôi các con ăn học. Vì vậy, mọi sinh hoạt trong gia đình và nuôi các con, cô cần thêm sự đóng góp từ chồng và trợ giúp từ phía gia đình. 

Nếu sinh viên mới tốt nghiệp, được giảng dạy hợp đồng ngắn hạn ở một trường học hay những ở những vùng khó khăn thì khó khăn trong cuộc sống càng nhân lên gấp nhiều lần. Để thu hút giáo viên giỏi giảng dạy, việc tăng lương cho giáo viên cần phải được chú trọng lên hàng đầu.

Tuy nhiên, hiện nay, ngân sách chi cho lĩnh vực Giáo dục là 20% so với tổng chi của ngân sách Nhà nước. Đây là tỷ lệ thể hiện sự ưu tiên hơn cho giáo dục vì đất nước ta còn khó khăn, còn nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác cũng cần được đầu tư. Do vậy, chúng ta cần phải có giải pháp tăng lương cho giáo viên nhưng làm sao để không phải phụ thuộc quá nhiều vào ngân sách Nhà nước.

Theo cô Ngô Thị Lan Anh, việc tăng lương cho giáo viên dạy đại trà từ Tiểu học đến phổ thông ở các trường công lập có thể dựa trên việc tăng học phí nhưng ở mức vừa phải. Nếu như mức học phí hiện tại đối với trường công lập là 40.000 đồng/học sinh/tháng thì có thể tăng lên thành 60.000 đồng/tháng. Mức tăng này là hoàn toàn hợp lý, không quá biến động lớn nên người dân vẫn có thể chi trả được mà vẫn đảm bảo an sinh xã hội.

Việc tăng học phí nên được thực hiện ở các trường học ở các tỉnh, thành phố còn những vùng miền khó khăn không nên tăng mà ngược lại, các địa phương cần có sự hỗ trợ, tạo điều kiện để thu hút giáo viên giảng dạy.

Đứng ở góc độ là nhà quản lý giáo dục, GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội lại cho rằng, chúng ta không nên tăng học phí ở cấp học đại trà từ Tiểu học đến THPT vì hiện nay, mức sống của người dân còn rất khó khăn. Chúng ta chỉ tăng học phí ở các trường đại học ngoài ngành Sư phạm và các trường dạy nghề.

“Còn đối với các trường sư phạm không nên tăng học phí vì thực tế hiện nay, nhiều học sinh đã quá “thờ ơ” thi vào các trường sư phạm, mà nay tăng thêm học phí thì sẽ càng khiến cho thí sinh ngày càng quay lưng với ngành nghề này. Tăng được lương giáo viên nhưng ít người đăng ký học ngành Sư phạm thì có ích gì”- GS.TS Đinh Quang Báo bày tỏ.

Để cải thiện mức lương cho giảng viên để họ có thể đủ sống, chúng ta phải có chiến lược quy hoạch nguồn nhân lực cho ngành Sư phạm trong tương lai. Theo đó, Bộ GD&ĐT phải có chiến lược quy hoạch đào tạo giáo viên theo cơ cấu giáo viên của các ngành, môn học, vùng miền khác nhau, trình độ giáo viên phải đảm bảo chất lượng. Trên cơ sở quy hoạch này, Bộ sẽ giao cho các trường sư phạm đào tạo theo chỉ tiêu và tạo điều kiện việc làm cho họ sau khi tốt nghiệp./.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
3 năm trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh