THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:14

Giáo viên mong muốn được tận tâm với nghề

 

Ảnh minh họa. 

Bộ GD&ĐT vừa trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục hiện hành với một số thay đổi đáng chú ý, trong đó đặc biệt lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương.

Theo lý giải của Bộ GD&ĐT tại tờ trình gửi Chính phủ, nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay nhìn chung lương của nhà giáo còn thấp, đặc biệt là nhà giáo ở bậc giáo dục mầm non, phổ thông. Vì vậy, cần phải có cơ chế, chính sách tháo gỡ vấn đề này và cần thể chế hóa quan điểm của Đảng trong Nghị quyết số 29-NQ/TW vào Luật giáo dục. Do đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu sửa điều 81, lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Thầy giỏi sẽ có trò giỏi

Hơn 15 năm gắn bó với bảng đen, phấn trắng nơi miền trung du, thầy giáo Phùng Văn Ngọc, Trường THCS Ấm Thượng, Hạ Hòa (Phú Thọ) chia sẻ: “Không thầy đố mày làm nên”, vì vậy nếu không có thầy cô giỏi, cũng sẽ không có học trò giỏi, giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học hay những kỹ sư cống hiến cho đất nước…  Muốn vậy, đòi hỏi người thầy ngoài những giờ lên lớp phải dành nhiều thời gian cho nghiên cứu chuyên sâu, nâng cao nghiệp vụ, luôn học hỏi để cập nhật thêm kiến thức mới theo sự phát triển của xã hội.

Thực tế, với đồng lương của giáo viên hiện nay thì chuyện cơm áo, gạo tiền luôn là nỗi lo canh cánh hàng ngày. Hầu hết giáo viên ở nông thôn, sau những tiết học đều phải tìm việc làm để tăng thêm thu nhập cho gia đình và chuyện học hành của con như: chăn nuôi, tăng gia sản xuất, trồng rừng, thậm chí là đi chạy chợ từng bữa…

“Bản thân tôi cũng như các đồng nghiệp khác đều có chung mong muốn làm sao để giáo viên sống được với chính đồng lương của mình. Bên cạnh đó, giáo viên thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ, cũng như có nhiều thời gian để nghiên cứu, sáng tạo ra những sáng kiến, phương pháp giảng dạy mới, đóng góp chút công sức của mình cho nền giáo dục nước nhà…”,  thầy Ngọc tâm sự.

Thầy giáo Hứa Phát Đại, GV trường THCS Phước Long (Bạc Liêu) thấy rằng đây là chuyện bình thường vì GV xứng đáng với điều đó. Theo thầy Đại, đáng lẽ lương và phụ cấp của GV phải tăng từ lâu rồi chứ không phải đến tận bây giờ mới được quan tâm.

“Nhưng muộn còn hơn không, bởi ở trường thầy đang dạy, nhiều GV trẻ phải làm thêm nghề tay trái để mưu sinh. Nhiều GV đã có thâm niên công tác hơn 10 năm mà vẫn bấp bênh. Hay chính bản thân thầy chẳng hạn, với đồng lương này thì khó lập gia đình. Nhà nước cần phải quan tâm hơn. Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Khi người thầy đã cơm no, áo ấm chắc chắn họ sẽ dồn hết tâm huyết với nghề, yêu bục giảng hơn, trau dồi chuyên môn để ươm mầm thêm nhiều tài năng cho đất nước”, thầy Đại chia sẻ.

 Động lực cho nhà giáo cống hiến

Trước thông tin liên quan đến chính sách đối với GV, bà Hoàng Mai Phương, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ, đây thật sự là điều mà các nhà giáo mong mỏi từ lâu. Theo bà Mai Phương, với quy định về chế độ tiền lương hiện tại, mỗi nhà giáo đi từ bậc lương thấp nhất đến bậc cao nhất trong ngạch lương của mình là 24 năm đối với GV mầm non và GV tiểu học, 30 năm đối với GV THCS, 27 năm đối với GV THPT. Theo tính toán thì mức lương của GV mầm non, tiểu học sau 24 năm chỉ tăng 2.860.000 đồng và rõ ràng điều này khó trở thành động lực cho nhà giáo cống hiến.

Bà Lê Thị Thúy Nga, Hiệu trưởng Trường THCS Dịch Vọng, quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, trên thực tế như ở trường THCS Dịch Vọng hiện nay, lương GV mới ra trường (hệ cao đẳng) mới chỉ hơn 2 triệu đồng/tháng. Trong đó, GV đã tham gia dạy đủ 19 tiết/tuần cộng với rất nhiều việc khác như: Trực đầu giờ, quản nề nếp học sinh, dạy bồi dưỡng học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh giỏi ngoài giờ… mà không có bất kỳ khoản thu nhập tăng thêm nào khác.

Bà Nga cho rằng, quy định chung thì mỗi lớp học chỉ có từ 40 - 45 học sinh tuy nhiên ở khu vực Cầu Giấy do dân số đông nên các lớp đều có sĩ số 50 - 55 học sinh. “Như vậy GV phải vất vả gấp 1,5 lần nhưng thu nhập hiện nay lại không đủ trang trải cuộc sống. Cộng vào việc GV dạy buổi thứ 2 trong ngày rất vất vả nhưng thu nhập không tương xứng với sức lao động”, bà Nga cho hay.

HOA HẠ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh