CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:28

Mẹ Việt Nam anh hùng thời bình

Kiên cường vượt đau thương

Trong căn phòng nhỏ của mình, Mẹ VNAH Lê Thị Minh Thủy (57 tuổi, Lộc Thọ, Nha Trang, Khánh Hòa) hàng ngày vẫn ngắm nhìn di ảnh của chồng và con trai, nước mắt chực tuôn trào, mẹ Thủy lại nghĩ đến giá trị và hạnh phúc của hai chữ Tổ quốc. Bà bảo rằng: Là người vợ, người mẹ nhưng bản thân tôi cũng là người lính từng 30 năm công tác trong lực lượng công an, thấu hiểu rất rõ những gian truân của người lính. Vậy nên, tôi luôn nhắc nhớ người thân của mình, gia đình là nền tảng và khi Tổ quốc cần, nhân dân cần là phải sẵn sàng nhận nhiệm vụ, không ngại gian khó, dù trong bất cứ hoàn cảnh hay thời điểm nào.

Mẹ Việt Nam anh hùng thời bình - Ảnh 1.

Mẹ VNAH Lê Thị Minh Thủy tại Lễ gặp mặt các Mẹ VNAH năm 2020.

Chồng của mẹ Thủy là thượng tá Dương Văn Thanh (nguyên Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 910, liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân). Thượng tá Thanh là một trong những phi công, huấn luyện bay xuất sắc, luôn có sáng tạo và cống hiến cho lực lượng Không quân nhân dân Việt Nam. Nhớ lại những ngày tháng coi nhiệm vụ là trên hết, mẹ Thủy chia sẻ: "Anh Thanh gần 30 năm trong quân đội thực hiện 2.195 giờ bay, trực tiếp đào tạo gần 50 phi công giỏi phục vụ quốc phòng. Anh ấy rất tận tụy và sáng tạo trong công việc. Có những tháng triền miên, chồng dồn hết tâm lực cho những giờ huấn luyện, nửa đêm cũng bật dậy nhận nhiệm vụ, tôi vò võ chờ đợi trong nỗi khát vọng không quân Việt Nam ngày càng vững mạnh hơn". 

Rồi ngày định mệnh ập đến khi mẹ Thủy nhận được tin chồng hy sinh. Đó là buổi chiều 29/5/2005, trong lúc Thượng tá Thanh đang làm nhiệm vụ huấn luyện trên bầu trời vịnh Nha Trang thì máy bay phản lực L-39 gặp sự cố. Với kinh nghiệm của mình, Thượng tá Thanh biết không thể khắc phục nên báo cho chỉ huy và nhận được lệnh cho các phi công nhảy dù, nhưng Thượng tá Dương Văn Thanh chấp nhận hy sinh, để học viên Ðào Việt Hưng thoát trước, còn ông cố hết sức điều khiển máy bay hướng ra phía biển, tránh không để máy bay lao vào Khu du lịch Vinpearl hoặc những nơi tập trung đông người. Bởi hạ cánh những nơi đó, có thể phi công sẽ thoát nhưng gây nguy hiểm, thậm chí mất mát cho người dân. Khi xử lý xong các vấn đề này thì cũng là lúc máy bay rơi xuống biển. Nhà nước đã quyết định truy tặng Thượng tá, liệt sĩ Dương Văn Thanh danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Sau khi chồng hy sinh, chỗ dựa tinh thần lớn nhất của bà Thủy là con trai Dương Lê Minh (sinh năm 1984). Nhưng rồi Minh cũng cháy bỏng khát vọng trở thành phi công quân đội để cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ bình yên cho bầu trời Tổ quốc. Sáng ngày 18/10/2016, Thiếu tá, phi công Dương Lê Minh đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ huấn luyện bay, để lại người vợ trẻ và hai con nhỏ cùng người mẹ đang ngày đêm thương nhớ cha. Trước những mất mát của gia đình bà Thủy, tháng 7/2018, bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH.

Mẹ Việt Nam anh hùng thời bình - Ảnh 2.

Chồng và con của mẹ Thủy đã hy sinh khi làm nhiệm vụ huấn luyện bay.

Gạt nước măt, mẹ Thủy bùi ngùi: Một gia đình mất đi cả hai người quan trọng nhất cuộc đời, có lúc tưởng như không vượt qua được. Đau xót đến xé lòng. Thấy cha hy sinh nhưng Minh vẫn quyết nối nghiệp chứng tỏ cháu yêu nghề như thế nào. Đau đớn tột cùng nhưng gia đình vô cùng tự hào vì hai cha con đã làm tròn nhiệm vụ của người chiến sĩ đặc biệt trong thời bình.

Tôi cố nén đau thương mà sống vì con vì cháu (vợ và con của Minh). Trong cuộc sống thời bình hôm nay, tôi vẫn luôn đau đáu một tâm niệm rằng, lớp trẻ hãy yêu nước bằng tình yêu son sắt nhất, cống hiến sức mình xây dựng đất nước giàu đẹp văn minh. Đồng thời hãy luôn yêu quý người thân, sống có trách nhiệm với xã hội. Bởi có được cuôc sống bình yên, hòa bình, bao thế hệ phải hy sinh rất nhiều xương máu.

Luôn mong đất nước bình yên và phát triển

Cũng là Mẹ VNAH tiêu biểu thời bình, mẹ Bùi Thị Sửu (xã Cảnh Hưng, huyện Tiên Du, Bắc Ninh) từng ngày vượt qua những nhớ mong, đau đớn để động viên người thân không ngừng lao động, sáng tạo cống hiến cho xã hội.

Sau khi chồng bà Sửu là ông Nguyễn Công Định hy sinh vì những mảnh bom trong chiến tranh, được công nhân liệt sĩ thì mọi công việc nặng nhọc trong gia đình đều dồn lên vai bà. Suốt những năm tháng dài, bà phải giấu nước mắt để tiếp tục là chỗ dựa cho các con và chờ ngày lo cho con trai út lập gia đình. Bà Sửu kỳ vọng rất nhiều vào người con cả Nguyễn Công Ðạt, sinh năm 1979, công an viên xã Cảnh Hưng bởi anh chín chắn nhất, hiểu biết và thương người. Nhưng, thêm lần nữa, số phận lại cướp đi niềm trông đợi của bà.

Mẹ Việt Nam anh hùng thời bình - Ảnh 3.

Mẹ VNAH Bùi Thị Sửu (bên trái) động viên con cháu hãy sống có trách nhiệm.

Năm 2015, anh Ðạt tham gia làm nhiệm vụ bảo vệ an toàn Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh Bắc Ninh, tiến tới Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Tối 22/9/2015, Công an xã Cảnh Hưng nhận được tin báo tại thôn Trung (xã Cảnh Hưng) xảy ra vụ xô xát giữa hai nhóm thanh niên thôn Thượng và thôn Trung. Ðược sự phân công của lãnh đạo công an xã, anh Ðạt cùng hai công an viên khác đến hiện trường giải quyết.

Trong khi làm nhiệm vụ, anh Ðạt bị một đối tượng dùng xà cầy tấn công vào đầu. Anh bị thương nặng, dù đã được cấp cứu nhưng không qua khỏi. Anh hy sinh để lại người vợ trẻ và hai con gái nhỏ. "Ðạt là con cả, là người sống có tình cảm, được lãnh đạo xã Cảnh Hưng và người dân quý mến…", bà Sửu nấc nghẹn. "Buồn hơn nữa, sau khi cháu Ðạt mất, cháu út là Nguyễn Công Liên cũng bị trầm cảm, hay đi lang thang, chẳng giúp được gì. Cậu con trai thứ hai đã lấy vợ, có con, ở gần tôi, nhưng chỉ là thợ hồ, cuộc sống cũng vất vả. Tuy nhiên, tôi vẫn động viên các cháu, trong cuộc sống không được nản lòng phải luôn tiến về phía trước".

Chị Bùi Thị Khánh, con dâu bà Sửu, tâm sự: "Mẹ chồng tôi là người cần mẫn, nhẫn nhịn. Là tấm gương tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam. Chồng mất, nhưng tôi sẽ không lập gia đình nữa mà ở nhà chăm con, chăm mẹ. Mẹ tôi đã phải mổ sỏi thận ba lần rồi mà chưa ổn. Hy vọng nhọc nhằn sẽ dần vơi đi với mẹ". Ghi nhận sự cống hiến, hy sinh của gia đình bà Sửu, ngày 27/6/2018, Chủ tịch nước đã phong tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ VNAH đối với bà Bùi Thị Sửu. Cũng như Mẹ VNAH Lê Thị Minh Thủy, mẹ Sửu muốn lớp trẻ hãy luôn vươn lên và coi việc cống hiến cho Tổ quốc là niềm tự hào.

HÀ VĂN ĐẠO-DIÊN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh