THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 01:39

Luật lệ khắc nghiệt ở ngôi làng kỳ lạ giữa đại ngàn Trường Sơn

Thôn A Riêu nằm cô lập giữa đại ngàn Trường Sơn nhưng bà con sống nghiêm túc không nơi nào bằng. Ảnh: Trần-Phan.                                                  Một góc thôn A Riêu              Ảnh: Trần-Phan.

Cả làng ghét thói xấu

Làng A Riêu chỉ vỏn vẹn hơn ba chục nóc nhà, nằm quây quần bên nhau giữa khu đất san bằng lưng chừng núi. Mùa nắng, từ trung tâm xã Tr’Hy chạy xe máy vào mất chừng một tiếng, nhưng phải những tay lái thật cừ, thuộc từng khúc ngoặt khuỷu tay, con dốc dựng đứng mới dám đi. Còn mùa mưa thì cả làng bó gối. Xe máy không đi được, lội bộ mất nửa ngày trời. Đường đã nhỏ chỉ một người đi, bị mưa xối nước nhão nhẹt, trơn trượt, chẳng may sa chân thì chỉ có nước xuống vực. Bà con kể, mùa mưa đi bị rớt hoài, còn người lạ vào làng thì đường khô đến mấy cũng ngã, chỉ vì ngợp quá.

Hôm đến làng, anh dân quân xã hỏi nhỏ: “Chị muốn biết làng nguyên tắc thế nào không?”. Chưa kịp trả lời thì anh rồ ga thật mạnh giữa sân, phi thẳng lên con dốc. Như phản xạ, những mái đầu từ ô cửa nhà sàn ló ra, trưởng thôn Zơ Râm A Lưng quát: “Không biết rú ga bị phạt bao nhiêu hả?”. Anh dân quân xã cười to, giải thích, chỉ là “chứng minh” cho sự nghiêm khắc của làng thôi! Trưởng thôn Lung kể, trước đây thanh niên mua được chiếc xe máy là nẹt pô suốt ngày đêm, ồn ào không chịu được, thế nên làng quyết phải phạt để răn đe, để mọi người ý thức hơn trong việc giữ gìn trật tự. Mới đây, Zơ Râm Ngó rú ga gây ồn ào bị phạt 50 ngàn đồng, còn phải đứng ra nhận lỗi trước sự có mặt đông đủ của cả làng. Ngó nhớ lại: “Khi ấy không có tiền nộp phạt, phải vay bà con rồi đi rẫy suốt mấy ngày kiếm tiền về trả nợ, cực lắm. Nhưng phải phạt vậy,  mình với cả mấy anh em trong làng mới chừa”.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ nằm phía cuối làng, bà con bưng ra hũ rượu sâm ba kích, mỗi người nhấm nháp một ly, cho đến giờ cơm thì về. Cạn ly cuối cùng, anh Cơ Lâu Vũ giải thích: “Có khách quý bà con mới ngồi uống lâu đến vậy, chứ bình thường không có đâu, uống say, quậy phá là bị phạt 150 ngàn liền”. Như để minh chứng, anh Vũ chỉ tay về phía nhà Zơ Râm Liên (22 tuổi), người vừa phạt vì tội uống say, gây gổ với một số người trong làng cách đây 3 tháng.

Người A Riêu hiền lành chất phác, sống ngay thẳng, biết ai có tấm bụng xấu, gian xảo là phải trị ngay. Từ những chuyện nhỏ nhặt như mang nhầm dép, biết mà cố tình không chịu trả bị phạt thấp nhất là cảnh cáo trước cả làng, cho đến trộm cắp tài sản, phải đền bù theo yêu cầu của người bị mất. Câu chuyện cách đây vài năm về một gia đình gom góp, chắt chiu được 12 triệu đồng, trong một đêm bỗng dưng biến mất làm cả làng ghét cái xấu vô cùng. Thế nên, dù nhỏ, dù lớn, đã ăn cắp thì người mất “tuyên án” gấp năm, gấp bảy lần cũng phải trả.

 

Rú ga phạt 50 ngàn, nói bậy 200 ngàn… - ảnh 1                          Cơ Lâu Nhia (50 tuổi) luôn răn dạy 4 đứa con gái phải chăm lo học hành,
Quan hệ ngoài luồng: tột khung!

Nhưng đó chỉ là những mức phạt khá nhẹ so với tội tảo hôn. Cứ cưới sớm bao nhiêu năm, phạt bấy nhiêu tiền, người trong làng, hay làng khác vi phạm đều phải nộp phạt. Trong căn nhà xập xệ, ông Cơ Lâu Nhia (50 tuổi) vẫn chưa hết buồn rầu vì đứa con gái Cơ Lâu Thị Nhếch bất chấp khuyên can đã lấy chồng tháng trước. Nhếch năm nay chưa tròn 17, đem lòng thương A Ting Vối ở làng bên, năm nay đã ngoài 20. Biết lệ làng, vợ chồng ông khuyên răn đủ đường nhưng Nhếch không màng đến, quyết về làm vợ người ta. Ngày đằng trai đưa lễ vật đến nhà, cả làng biết chuyện, phạt ngay A Ting Vối 1,5 triệu đồng. Ông Nhia nói: “Phải phạt cho kinh, đã biết lệ làng mà còn làm trái. Con mình đấy, nhưng mình cũng mong làng phạt để làm gương cho mấy đứa em sau này. Phạt thế còn nhẹ lắm!”. Ông Nhia chẳng biết phây-búc là gì, nhưng tối nào cũng cấm mấy đứa con không được chơi, vì chị gái chúng cũng vì lên “phây” mới quen biết, chát chít rồi nghe người ta ngon ngọt mà theo về làm vợ.

A Riêu người ít, có 153 nhân khẩu, nhưng tình nghĩa thì nhiều. Đã cưới nhau thì phải ở với nhau cả đời, không vì lý do gì mà được phép bỏ chồng, bỏ vợ. Trưởng thôn Zơ Râm  A Lưng bảo trước nay chưa có cặp vợ chồng nào bỏ nhau, cũng không ai dám ngoại tình. Ghét trộm cắp một, thì bà con ghét quan hệ ngoài luồng tới mười, thế nên hôm thảo luật phạt, cả làng nhất trí tội này phạt ở mức… tột khung. Hỏi A Lưng vậy “ác” quá không? Ngoại tình có thể sửa được, chứ… tử hình người ta tàn nhẫn quá? A Lưng xua tay: “Tột khung là phải cúng làng một con trâu thật to!”. Lưng giải bày, ở đây mà mua được một con trâu thì phải bán sạch, từ nhà cửa, chiêng, ché cho tới bò, gom gần 40 triệu đồng may ra mua được. Giữa làng này, dễ có nhà nào gom được nửa số đó.

Cả làng cùng… thảo luật

Biết làng mình biệt lập với bên ngoài, nhận thức người dân không cao, nếu suốt ngày tuyên truyền “chay” chính sách của Nhà nước thì bà con chẳng mấy người hiểu. Năm 2012, cán bộ làng bàn nhau phải đưa ra một bảng quy ước riêng cho làng, vừa cụ thể, vừa dễ hiểu để mọi người sống nghiêm túc, nề nếp hơn. Ngay sau đó, một cuộc họp được triệu tập ngay trong đêm. Bà con xưa nay chỉ biết bàn chuyện thời tiết, mùa màng, nương rẫy, nay được mời đi họp để lấy ý kiến thảo luật nên ai cũng mắt tròn mắt dẹt, nhưng đến đủ cả.

Trưởng thôn A Lưng thông báo nay về sau, ai vi phạm sẽ bị phạt tiền, không chỉ nhắc suông như trước nữa. Rồi anh đọc các mức phạt, thấp nhất 500 ngàn đồng cho tới vài triệu. Đến khi biểu quyết, chỉ có 20% “đại biểu” đồng ý. Mấy anh hay uống rượu thì nổi sùng lên, vặn lại: “Cán bộ có dám chắc mình không uống rượu không, uống vào có chắc tỉnh táo không mà đòi phạt đến mấy triệu?”. Số còn lại đề xuất hạ thấp mức phạt xuống, để người dân ai cũng có thể thực hiện, phạt nặng quá, coi chừng không răn đe được mà họ làm liều cũng nên. Tối ấy, cuộc họp sôi nổi đến tận khuya bà con mới chịu về.

Cán bộ thôn lần nữa phải đính chính lại khung phạt, hạ xuống thấp hơn so với ban đầu. Cụ thể: say xỉn 150 ngàn; nẹt pô 50 ngàn; nói tục, chửi bậy 200 ngàn; tảo hôn sớm một tháng phạt 100 ngàn… Riêng trường hợp ngoại tình bị phạt nặng nhất, phải cúng làng một con trâu thật to. Hôm sau, bà con lại được triệu tập ở gươl để thông qua luật. Bà con nghe xong thấy mức ấy hợp lý, giơ tay tán thành trăm phần trăm. Già làng Zơ Râm Breo thẳng thắn: “Luật đã ban thì không chừa một ai, người dân, cán bộ, hay người nơi khác đến đã vi phạm là phải phạt. Làng phạt thì phải nộp tiền, không có chuyện nương tay”. Khung phạt trên cũng được trình lên UBND xã Tr’Hy, được xã tán thành và ủng hộ.

 Ngay ngày hôm sau, A Riêu như thay luồng khí mới, khoảng sân giữa làng không còn những pha phóng xe rồi phanh gấp để xoay tròn như trình diễn trên tivi. Không nghe tiếng nẹt pô khó chịu, thanh niên gặp nhau biết chào hỏi bằng những câu nói đùa mộc mạc, dễ thương. Trong những mái nhà sàn, ông chồng ít uống rượu lại, biết đỡ đần vợ khi khó nhọc chứ không văng tục, chửi bậy như trước. Sau ba năm triển khai, đến nay có hơn 10 trường hợp vi phạm, số tiền thu được sung vào quỹ của thôn để thăm hỏi người bệnh, giúp các em nhỏ khó khăn đến trường. 

Theo TP

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh