CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:36

Những phong tục đón Tết kỳ lạ trên thế giới

Tết “hào phóng” ở Nepal 

Nepal có 36 dân tộc hợp thành, nên các tập tục lễ, tết ở đất nước này đa dạng và phong phú. Nepal có hơn 120 cái Tết khác nhau, trong đó, tiêu biếu nhất và được tổ chức long trọng nhất, thời gian tổ chức dài nhất là Tết Desai.

Tết Desai được tổ chức để chào mừng sự bội thu theo truyền thống, kéo dài liên tục suốt 10 ngày liền. Chính phủ Nepal quy định, trong thời gian Tết Desai, tất cả các cơ quan của Chính phủ được nghỉ 10 ngày, các trường học được nghỉ 15 ngày. Vào dịp này, những người thợ, viên chức, người làm thuê đều được thưởng rất hậu. Chính phủ cũng sẽ bù lỗ để mở "chợ Tết Desai" bán rẻ các loại hàng hóa cho người dân. Cũng chính vì lý do đó, Desai còn được gọi là Tết hào phóng ở Nepal.

Tết đèn ở Myanmar và Israel

Ánh sáng là yếu tố gắn bó mật thiết với cuộc sống con người, biểu tượng cho sức sống, điều tốt lành, tính công minh... Vì thế, một số dân tộc đã tôn vinh nó bằng việc tổ chức Tết đèn. 

Tại Myanmar, Tết đèn được long trọng cử hành trong ba ngày, từ 14-16/7 hàng năm. Dịp Tết, buổi tối, trước cửa các nhà đều được trang trí bằng đủ loại đèn với những hình dáng, kích thước và màu sắc phong phú. Nhân dân kéo nhau đi xem đèn, rước đèn, tham gia các tiết mục văn nghệ và thi dệt áo cà sa dưới ánh sáng lung linh.

Ở Israel, Tết đèn còn là nghi thức quan trọng không thể thiếu của năm mới. Đêm giao thừa (đêm ngày 25 tháng Kislev theo lịch Do Thái), cả gia đình thắp chung một ngọn nến trên chiếc đèn menorah. Bảy đêm tiếp theo, mỗi đêm thắp thêm một ngọn. Sau đó, người ta đọc kinh, cầu nguyện, rồi đem đặt cây đèn với 8 ngọn nến này ở cửa sổ mở, ngụ ý chuyển lời chúc mừng năm mới của gia đình mình đến mọi người xung quanh.

Tết đánh quỷ ở Nhật Bản

Người Nhật Bản tổ chức đón năm mới theo dương lịch. Đây là sự kiện để nghênh đón vị thần Toshigamisama mà người Nhật gọi là “Oshogatsu”. Người Nhật bắt đầu chuẩn bị cho Oshogatsu từ ngày 8-12 (ở vùng Kanto là ngày 13).
Vào đúng 0h đêm giao thừa, khắp các chùa trên đất nước Nhật Bản sẽ đánh 108 hồi chuông với ý nghĩa xua đuổi 108 con quỷ sứ. Tiếng chuông cũng là âm thanh được coi là bậc nhất trong năm âm thanh của Phật pháp.

Dịp đầu năm, người Nhật Bản cũng tiến hành nghi lễ xua đuổi ma quỷ, cầu được mùa, gia đình bình yên, tránh bệnh tật, tai ương. Nghi thức được cử hành tại đàn tế Thần và miếu. Trước tiên, người ta hóa trang bôi vẽ cho một người nào đó thành hình quỷ nhảy múa lung tung một hồi, sau đó trong một tiếng hô “phúc đến quỷ đi”, người ta bày ra những thức gọi ra “phúc dậu” để chế ngự ma quỷ.

Mexico:Đón năm mới "tâm sự" với linh hồn

Nói chuyện với các "linh hồn" là một phần trong tín ngưỡng của người Mexico. Người Aztec (Mexico) tin rằng, sau khi chết, "linh hồn" của họ sẽ đi đến một trong 3 nơi: Tlalocan, Mictlan và mặt trời. Đêm giao thừa được coi là dịp thích hợp nhất để các "linh hồn" truyền tải những thông điệp hay những lời chỉ dẫn cho những người còn sống. 

Trong dịp lễ lớn này, gia đình và người thân sẽ tập trung nhau lại để tưởng nhớ những người đã khuất. Người ta thường đến thăm mộ của người chết, mang theo những hộp sọ bằng đường, cúc vạn thọ hay những loại thực phẩm, đồ uống yêu thích của người đó.

 Ecuador: Đốt bù nhìn chào đón năm mới

Phong tục đốt bù nhìn rơm vào đêm cuối cùng của năm cũ còn được người Ecuador gọi là “Ano Viejo”. Đây là một truyền thống lạ và độc đáo với khá nhiều người nhưng có ý nghĩa sâu xa và thú vị. Nhiều người Ecuador tin rằng đốt cháy bù nhìn cũng chính là đốt cháy tất cả những điều xấu đã xảy ra với họ trong năm cũ, chỉ những điều tốt đẹp còn lại trong năm mới.

Theo truyền thống, người dân thường đấm đá vào bù nhìn trước giờ đốt ít phút như một cách để trút hết sự không may và để vận xui không bao giờ quay lại. Đó cũng là phần yêu thích nhất của lũ trẻ. Sau màn “đấm đá” này, người ta sẽ để chung bù nhìn của nhiều gia đình trong khu với nhau. Giao thừa đến cũng là lúc người ta đốt bù nhìn cùng với những gì không hài lòng của năm cũ, ôm hôn những người họ yêu thương và nhập tiệc đón chào năm mới.

Mỹ: Hôn vào nửa đêm để cuộc sống suôn sẻ

Hôn bạn trai hoặc bạn gái hay với bất kì ai nếu bạn chưa có người yêu là một phong tục thú vị ở Mỹ. Nụ hôn vào lúc giao thừa sẽ làm cho năm sắp tới của bạn cực kỳ tuyệt vời.

Người Mỹ tin rằng phong tục trên sẽ đem tới một tình yêu đích thực và cuốn trôi mọi ký ức tồi tệ, những điều không may trong quá khứ để đánh dấu sự khởi đầu của một năm mới tràn ngập yêu thương và tràn đầy sức sống.

Anh: Coi trọng vị khách xông nhà

Người Anh rất coi trọng bước chân đầu tiên của người đến nhà mình đầu năm mới. Người đến xông nhà phải là người Scotland hoặc người Anh. Vị khách này sẽ lặng lặng bước vào nhà từ cửa chính, rót một cốc rượu Whiskey hay rượu vang đổ lên đầu chủ nhà, sau đó mới được phép chúc mừng năm mới các thành viên và lẳng lặng ra về bằng cửa sau. Người Anh mừng tuổi bằng cảnh tầm gửi vì cho rằng, tầm gửi biểu trưng cho thịnh vượng và may mắn.

Italy: Thi nhau nhảy xuống sông Tiber

Người Italia thích đón Tết bằng sự vui chơi cuồng nhiệt, và không bao giờ quên mừng quà cho nhau. Để tiễn biệt năm cũ, xua đuổi tà ma và cầu tai qua nạn khỏi, người ta đốt lửa, bắn pháo hoa suốt từ tối đến sáng. Có những thành phố thậm chí còn nổ súng ầm ầm, đến sáng hôm sau không khí còn nồng nặc mùi thuốc súng, cùng với khói súng đen kịt bầu trời. Cuộc vui kéo dài cho đến lúc nửa đêm. Nhiều người vứt ra ngoài cửa sổ những đồ cũ, những thứ nhỏ như ống thuốc tiêm, to như chậu rửa mặt, bát đĩa, cốc chén, cái gì có thể đập vỡ được, họ đều đem đập vỡ cho bằng hết.

Trong ngày đẩu tiên của năm mới, người dân Italy thi nhau nhảy xuống con sông Tiber từ cây cầu Cavour với đức tin hành động này mang lại may mắn và thành công cho mọi người trong năm mới. Tục lệ này có từ năm 1946.

 Pháp: Xem hướng gió trong những ngày đầu năm mới

Rượu vang là thức uống không thể thiếu trong những ngày đầu năm mới. Đầu năm, người Pháp thường xem hướng gió: gió Nam mang lại điềm lành về một năm mưa thuận gió hòa, bình an; gió Tây tốt cho ngành ngư nghiệp và vắt sữa bò; gió Đông mang lại vụ mùa hoa quả tốt tươi; gió Bắc sẽ là điềm xấu về một năm mất mùa. Tại Thủ đô Paris, nếu trong lần xuất hành đầu tiên của năm mới, ai gặp một hoặc ba anh lính thủy thì may mắn theo suốt năm.

Tây Ban Nha: Ăn nho vào thời khắc năm mới 

Khi những chiếc đồng hồ điểm 12h đêm là lúc người Tây Ban Nha ăn lần lượt 12 quả nho, cầu mong sự may mắn trong 12 tháng tiếp theo của năm mới. Người dân Tây Ban Nha còn có tục lệ trước năm mới không được cười trong 5 ngày. Qua 5 ngày đó phải luôn cười to đón năm mới để cầu mong sự an khang, thịnh vượng.

 Đan Mạch: Tin trước cửa nhà có nhiều đĩa bể là điềm tốt 


Người Đan Mạch tin rằng, trong những ngày đầu tiên của năm, nếu trước cửa nhà có thật nhiều đĩa bể thì đó sẽ là một dấu hiệu tốt cho gia đình. Những chiếc đĩa cũ được để dành trong cả năm để chờ quăng chúng ra trước nhà của bạn bè trong đêm giao thừa. Nếu trước nhà ai đó có càng nhiều đĩa bể, có nghĩa là nhà họ có rất nhiều bạn bè.

Châu Anh (Sưu tầm)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh