THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:13

Nhớ ngày xuyên thủng phòng tuyến Phan Rang

 

Kế hoạch “xé lá chắn…”

Gặp chúng tôi vào buổi trưa tháng 4 rát nắng, nói về những ngày xuyên thủng phòng tuyến “lá chắn thép” Phan Rang năm xưa, Đại tá Nguyễn Trọng Nghĩa (sinh năm 1948, quê ở Bến Tre) bồi hồi nhớ lại: “Sau thất bại trên chiến trường Tây Nguyên và các tỉnh Duyên Hải miền Trung, quân lực ngụy quyết tâm dựng tuyến phòng thủ Phan Rang hòng chặn đứng bước tiến của quân ta, giữ vững thế phòng ngự từ xa, bảo vệ đầu não ngụy quân Sài Gòn.

Để ngăn chận quân đội ta đánh chiếm hai tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, thành lũy cuối cùng của Quân khu 2, Bộ Tổng Tham Mưu Quân lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) khi đó quyết định giao cho Quân đoàn 3 (ngụy quân Sài Gòn) lập tuyến phòng thủ “lá chắn thép”. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã chỉ thị cho Trung tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư lệnh Quân đoàn 3 và Quân Khu 3, thành lập Bộ tư lệnh Tiền phương Quân Đoàn 3 tại Phan Rang, Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi được Tổng thống Thiệu cử làm Tư lệnh phó Quân Đoàn 3, trực tiếp chỉ huy Bộ Tư lệnh ngụy quân tại Phan Rang”.

Đại tá Nguyễn Trọng Nghĩa lật giở bức thư đồng đội báo tin cho ông năm xưa khi Tướng Nghi bỏ trốn. 

Đại tá Nghĩa kể rằng, thời điểm đó tại Phan Rang, ngụy quyền Sài Gòn huy động lực lượng quân sự hùng hậu, gồm: Sư đoàn 6 không quân, Lữ đoàn 2 dù, Sư đoàn 2 bộ binh, Liên đoàn 31 biệt động quân, 2 chi đoàn thiết giáp cùng với lực lượng pháo binh, bảo an, dân vệ, cảnh sát với hơn 10.000 tên cùng 150 máy bay các loại sẵn sàng phản kích. Ở ngoài khơi còn có hạm đội 7 sẵn sàng chi viện. Quân lực ngụy lấy cửa ngõ Du Long, cách Phan Rang hơn 20 cây số, làm phòng tuyến then chốt. Dọc đường 1 từ Du Long vào Cà Đú, chúng còn tổ chức nhiều tuyến phòng thủ vững chắc khác.

Đầu tháng 4/1975, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Khu ủy và Quân khu 6 chỉ đạo tỉnh Ninh Thuận phải phát huy mọi lực lượng ở đồng bằng và căn cứ, tiến ngay ra phía trước tấn công địch, hỗ trợ quần chúng nổi dậy phá ấp, giải phóng quê hương. Tỉnh ủy và Tỉnh đội Ninh Thuận quyết định củng cố lại Ban chỉ huy Tiền Phương C, sẵn sàng cùng quân chủ lực giải phóng Ninh Thuận. Nhiệm vụ chủ yếu của Tiền phương C là đánh địch, giải phóng đường 11 sớm chừng nào tốt chừng nấy, để làm trụ cột không cho địch tiếp viện lên Lâm Đồng, cũng không cho địch trên Lâm Đồng tiếp viện về Phan Rang, đồng thời phối hợp cùng quân chủ lực góp phần giải phóng tỉnh Ninh Thuận. “Thời điểm này, tôi - Trung úy Nguyễn Trọng Nghĩa, được Tỉnh đội Ninh Thuận giao nhiệm vụ chỉ huy Đại đội đặc công 311 và 314, hoạt động bí mật trong lòng thị xã Phan Rang, phối hợp với quân chủ lực Sư Đoàn 3 Sao Vàng, cùng bộ đội địa phương tấn công quân địch trong thị xã nhằm “xé toạc” tuyến phùng thủ Phan Rang”, ông Nghĩa nói.

Bức thư của đồng đội Trần Ngọc Điền luôn được Đại tá Nghĩa xem như tài liệu quý.

Bắt sống hai tướng ngụy, giải phóng Phan Rang 

 Đại tá Nghĩa nhớ rất rõ về trận đánh lịch sử ngày đó. Ông kể, từ ngày 1 đến ngày 3/4/1975, sau khi thất thủ ở Lâm Đồng và Khánh Hòa, các nhóm tàn quân ở Đà Lạt tháo chạy theo đường 11 về Phan Rang đều bị quân ta chặn đánh. Bộ đội chủ lực lần lượt mở các đợt công kích đánh chiếm các ấp ven đường 11, giải phóng quận Krông-Pha. Trong khi đó, bộ địa phương của hai huyện Bác Ái và Anh Dũng cùng một số đơn vị khác của tỉnh được chỉ đạo bổ sung cho cho Tiểu đoàn 610 làm nhiệm vụ chốt giữ Đèo Cậu, chặn đánh quân địch từ sân bay Thành Sơn bung ra phản kích, đồng thời bảo vệ đường 11 và sẵn sàng phối hợp với quân chủ lực giải phóng thị xã Phan Rang.

Trước đó, đơn vị của ông Nghĩa có làm nhiệm vụ thọc sâu phòng tuyến Phan Rang, phối hợp với lực lượng địa phương chọc thẳng xuống Phước Thiện, Ninh Quý, đánh vào khu vực Bảo An - Tháp Chàm. Ngày 2/4/1975, đại đội đặc công 311 đã tiêu diện 4 xe GMC, thu 10 súng và bắt sống 10 tù binh Ngụy. Nhận lệnh Quân Khu 6, Tỉnh Đội Ninh Thuận đã giao nhiệm vụ đặc biệt cho Đại đội đặc công 311 và 314 đánh từ thị xã Phan Rang đánh ra, làm nội ứng chia cắt “lá chắn thép”.

Vùng Ca Đú năm xưa giờ đã đổi mới và phát triển.

Trong chiến dịch đánh phá tuyến phòng thủ, ông Nghĩa cùng một số chiến sĩ Đại đội đặc công 311 còn được giao nhiệm vụ cải trang thành ngụy quân,  hoạt động bí mật trong lòng quân địch. Nhờ cải trang và nắm bắt được tình hình địch, tối 7/4/1975, ông ra lệnh cho anh em trong đại đội đặc công tấn công thị xã Phan Rang, tiêu diệt 231 lính ngụy, thu 480 súng đại liên, 10 xe lam chở về xóm dừa. Giọng chùng xuống, ông nói: “Trong đêm đó có tám đồng chí đã anh dũng hy sinh, 15 người bị thương”.

Để thay đổi hướng tấn công, Đại đội đặc công nhận lệnh rút quân về Cà Đú phối hợp Sư đoàn 3 Sao vàng đánh chiếm Cà Đú. Ngày 14 và 15/4, ông Nghĩa lệnh cho anh em tấn công Cà Đú và tiêu hủy 2 khẩu pháo của ngụy. Sáng ngày 16/4 đơn vị của ông nhận từ cấp trên lệnh phối hợp với Sư  Đoàn 3 Sao Vàng đánh chiếm tiểu khu Ninh Thuận, trong đợt tấn công đó, ông đã bắn trúng vai Tỉnh đội phó ngụy, đám lính lâu la tháo chạy tán loạn”.

Giọng hào sảng, Đại tá Nguyễn Trọng Nghĩa kể: Sáng 16/4, quân ta chia làm 3 mũi chính: Mũi đầu tiên có xe tăng dẫn đầu tiến theo đường 1, sau khi đánh chiếm Phan Rang thì tiến lên sân bay Thành Sơn. Mũi thứ hai từ hướng Tây Bắc đánh thẳng vào sân bay Thành Sơn. Mũi thứ ba đánh chiếm cảng Ninh Chữ, không cho địch tháo chạy ra biển. Tất cả sẵn sàng đập tan phòng tuyến Phan Rang, giải phóng Ninh Thuận.

Phòng tuyến Phan Rang và các mũi tấn công của quân đội ta (ảnh tư liệu)

 Bị quân đội ta tấn công 3 mặt, phòng tuyến Phan Rang trước nguy cơ bị đập tan, ngụy quân hoang mang tìm mọi cách để thoát thân. Lúc này, Thượng sĩ Trần Ngọc Điền thuộc Đại đội đặc công 311 cải trang thành ngụy quân, phát hiện Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang và một số sĩ quan ngụy, trà trộn thành dân thường nhằm bỏ trốn ra Cà Đú, tìm cách thoát thân theo đường biển. Nhận được tin mật báo và dò tìm ra nơi ẩn náu của Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, ông Nghĩa ra lệnh cho các chiến sĩ mai phục ở khu vực Cà Đú, chờ mệnh lệnh hành động.

Tối 16/4/1975, khi thấy toán quân ngụy đóng làm dân thường xuất hiện, ông chỉ huy anh em trong Đại đội 311 ập tới bắt gọn Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi và Tướng Phạm Ngọc Sang cùng 20 sĩ quan ngụy, sau đó bàn giao cho Sư Đoàn 3 Sao Vàng xử lý. Với 3 mũi tiến công và bao vây của quân ta, binh lính ngụy rệu rã, chống trả yếu ớt. Khi đó, đường 11 đã do quân ta làm chủ, tiếp đó bộ đội chủ lực phối hợp đánh chiếm sân bay Thành Sơn, đến 10 giờ đêm ngày 16/4/1975 thì Phan Rang được giải phóng.

 Nhập ngũ từ năm 1962, kể từ đó đã lập rất nhiều chiến công, hiện nay Đại tá Nguyễn Trọng nghĩa là Chủ tịch hội cựu chiến binh tỉnh Ninh Thuận, ông vinh dự được Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương chiến công và hiện đang được đề nghị xét tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. 

XUÂN HƯỚNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh